Doanh nghiệp băn khoăn tiêu chí hỗ trợ

Doanh nghiệp băn khoăn tiêu chí hỗ trợ

(ĐTCK) Hồ hởi đón nhận rồi có phần thất vọng vì chậm hoặc không được hưởng các ưu đãi để có thể phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đó là tâm trạng được nhiều DN chia sẻ tại buổi tọa đàm “Nghị quyết 02/2013/NQ-CP và kỳ vọng của các DN” được tổ chức giữa tuần này tại TP. HCM.

Doanh nghiệp băn khoăn tiêu chí hỗ trợ  ảnh 1Với quy định dưới 200 lao động thì hầu hết DN dệt may tại TP. HCM sẽ không được hưởng ưu đãi

 

“DN bỗng dưng được lớn”

Theo ông Trần Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN quận 8, TP. HCM, quy định mới về DN vừa và nhỏ như Nghị quyết 02 (dưới 200 lao động và doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm) đã vô tình đẩy rất nhiều DN ra khỏi diện được ưu đãi hỗ trợ về thuế VAT, thuế TNDN. “Quận 8 hầu hết là DN vừa và nhỏ, nay với quy định trong Nghị quyết 02 thì bỗng dưng trở thành DN lớn hết”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nói rằng, quy định tiêu chí như trên là không thực tế, đặc biệt đối với các DN bất động sản có thể dưới 200 lao động, nhưng doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm là quá nhỏ.

“Nếu không sửa đổi lại quy định này thì các cơ quan chức năng cũng nên xem xét chỉ áp dụng một trong hai tiêu chí lao động dưới 200 hoặc doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm, chứ không nên kết hợp cả hai bởi vì như vậy là quá khắt khe”, ông Hiếu nói.

Đại diện một DN dịch vụ cho rằng, với DN dệt may, da giày, nếu quy định dưới 200 lao động thì ở TP. HCM hơi bị hiếm. Kể cả tiêu chí doanh thu dưới 20 tỷ đồng/năm cũng chỉ rơi vào những DN siêu nhỏ mà thôi. “Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại Nghị quyết 02, mở rộng đối tượng DN cho đúng với tình hình thực tế”, đại diện DN trên chia sẻ.

Có mặt tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Lê Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho biết, Nghị định 56 vẫn còn hiệu lực chỉ quy định DN vừa và nhỏ phải đáp ứng một trong hai tiêu chí: tổng tài sản cho từng ngành hoặc có lượng lao động dưới 300 người. Quy định này rất đơn giản và thuận lợi. Tuy nhiên, Nghị quyết 02 lại có một số thay đổi.

“Cục thuế TP. HCM cũng nhận thấy số đối tượng DN được áp dụng theo Nghị quyết 02 đã thay đổi rất nhiều, các DN FDI bị loại hết và nhiều DN trong nước trước được hưởng ưu đãi, nay cũng bị loại luôn. Đúng là những DN được hưởng ưu đãi thuế còn rất ít”, bà Nga thừa nhận và cho rằng, đối với vấn đề này  Hiệp hội DN TP. HCM cần tập hợp các ý kiến DN gửi lên Cục Thuế. Cục Thuế sẽ kiến nghị lên UBND Thành phố đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi những điểm chưa hợp lý trong Nghị quyết 02. “Cá nhân tôi thấy rằng, nên quy định DN vừa và nhỏ theo tiêu chí của Nghị định 56 là thuận lợi nhất”, bà Nga nói.

 

Lãi vay 15 - 17%: Chuyện thường

Cùng với những tranh luận về tiêu chí áp cho DN vừa và nhỏ, nhiều DN cho biết, họ vẫn đang phải vay ngân hàng với lãi suất 15 - 17%/năm. Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP. HCM, trần lãi suất huy động đã được giảm về 7,5%/năm, nhưng trần cho vay không có, nên những hợp đồng mới đây nhiều DN vẫn phải vay lãi suất 15%/năm.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Dũng cho biết, một số DN trong Hiệp hội DN quận 8 vẫn phải vay trung, dài hạn với lãi suất trên 15%/năm. “Chính DN của tôi tháng rồi phải trả lãi suất trên 19%/năm”, ông Dũng nói.

Cũng xoay quanh vấn đề lãi suất, ông Việt Anh cho rằng, có thể nói, năm 2012 các DN vừa và nhỏ đã cố gắng gồng mình để tồn tại và duy trì sản xuất, đến nay sức đã cùng, lực đã kiệt, nên bây giờ họ rất cần một dòng vốn mới để tạo sức bật. Nhưng vấn đề là họ đã không còn tài sản gì để thế chấp, nếu đi vay các ngân hàng vẫn yêu cầu phải có tài sản thế chấp thì các DN cũng bó tay.

Tại buổi tọa đàm còn có khá nhiều ý kiến thắc mắc liên quan đến lãi suất và các vấn đề ngân hàng, tuy nhiên không có đại diện nào của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM đến dự (vì cáo bận họp đột xuất), nên nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Dù vậy, có mặt tại buổi tọa đàm, đại diện Vietcombank tỏ ra khá ngạc nhiên và không thể tin nổi khi thấy các DN vẫn phải vay lãi suất 17 - 19%/năm. Theo vị đại diện này, hiện lãi suất cho vay trung bình của Vietcombank chỉ khoảng 11 - 12%/năm. Đối với vấn đề vay tín chấp, theo quy chế, ngân hàng cho vay phải có tài sản thế chấp, còn nếu không cần thế chấp thì phải xin cơ chế của Chính phủ.

“Cũng có trường hợp DN được vay tín chấp, nhưng là những DN có quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng, không dưới 3 năm không có nợ xấu…”, vị đại diện Vietcombank nói.