Cách tính thuế mới ảnh hưởng tới thu nhập của đội ngũ đại lý bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Cách tính thuế mới ảnh hưởng tới thu nhập của đội ngũ đại lý bảo hiểm. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp bảo hiểm thêm gánh lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nội dung tại dự thảo hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đang khiến các doanh nghiệp bảo hiểm “đứng ngồi không yên” vì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp nếu được đưa vào áp dụng.

Siết chi phí khai thác mới

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo quy định về dịch vụ bảo hiểm trên môi trường mạng (đối tượng, hồ sơ, thủ tục chấp thuận cung cấp dịch vụ, yêu cầu…); nội dung của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam (chuyên gia tính toán, hoạt động nghiệp vụ, biên khả năng thanh toán…); mức hoa hồng, tiền thưởng, quyền lợi của đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và trách nhiệm báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, quy định kênh bán qua ngân hàng (bancassurance) và đại lý phải giảm chi phí trả năm đầu là vấn đề các doanh nghiệp bảo hiểm phản ứng nhiều nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp đang phát triển mạnh bancassurance.

Trong dự thảo đã được Liên hiệp Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa lên website của cơ quan này để lấy ý kiến các thành viên, tại Điều 40 - Thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm có 2 phương án tính chi phí được đưa ra. Ở phương án 1, đối với các đại lý cá nhân, tổng các khoản thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm không vượt quá 75% hoa hồng bảo hiểm khai thác năm đầu trong mỗi năm tài chính. Đối với các đại lý tổ chức, con số này không vượt quá 150%.

Ở phương án 2, quy định về mức thưởng, hỗ trợ và các quyền lợi khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với đại lý cá nhân và tổ chức không thay đổi so với phương án 1, nhưng với các hợp đồng đại lý tổ chức đã giao kết trước ngày thông tư này có hiệu lực, tổng các khoản chi thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi bảo hiểm khác không vượt quá tỷ lệ 250% hoa hồng bảo hiểm khai thác năm đầu trong năm tài chính 2023; 220% hoa hồng bảo hiểm khai thác năm đầu trong năm tài chính 2024; 200% hoa hồng bảo hiểm khai thác năm đầu trong năm tài chính 2025 và 150% hoa hồng bảo hiểm khai thác năm đầu từ năm tài chính 2026…

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện có 2 luồng ý kiến đối với việc giảm chi phí năm đầu cho các kênh phân phối, đặc biệt là kênh bancassurance. Một số doanh nghiệp đồng thuận với quy định này, thậm chí còn yêu cầu phải siết chặt hơn chi phí chi cho bancassurance để giảm phí năm đầu trả cho ngân hàng, nếu năm thứ hai có tỷ lệ duy trì cao mới trả thêm. Ở chiều ngược lại, một số khác không đồng ý vì cho rằng nếu siết chặt tỷ lệ chi phí năm đầu sẽ ảnh hưởng lớn đến việc khai thác phí mới của các ngân hàng.

Được biết, để thống nhất các quan điểm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đề xuất và kiến nghị tới Bộ Tài chính về tỷ lệ giảm chi phí năm đầu theo hướng dung hòa hơn. Tất nhiên, với tỷ lệ đó thì khó có thể thay đổi cách khai thác bảo hiểm nghiêng về lượng nhiều hơn chất mà một số ngân hàng đang bán như hiện nay.

Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị sửa đổi

Cùng với việc siết giảm chi phí năm đầu cho các kênh phân phối bảo hiểm, việc thay đổi thể loại hợp đồng của đại lý và quản lý đại lý sẽ dẫn đến sự thay đổi về cách tính thuế, đặc biệt đối với cấp quản lý đại lý (UM, SM, BM…). Đây cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đau đầu vì lo ngại cách tính thuế mới theo hướng tăng cao sẽ khiến đại lý bỏ nghề.

Trước đây, việc ghi nhận các đại lý và các cấp quản lý đại lý là những cá nhân kinh doanh nên mới có chính sách thuế tương đồng để khuyến khích phát triển ngành nghề đại lý bảo hiểm. Theo quy định tại Điểm 5, Điều 85 - Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm bao gồm cả việc “Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm”. Các công ty bảo hiểm đưa hoạt động quản lý tuyển dụng của các BM, UM… vào mục khác đó để hoạt động này cũng được gọi là hoạt động đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đã bỏ đi phần “và các hoạt động khác…” so với luật cũ, từ đó làm thay đổi thể loại hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp bảo hiểm với các quản lý đại lý, dẫn đến các vấn đề liên quan đến thuế thu nhập của các quản lý đại lý.

“Thu nhập của các cấp quản lý sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân lên đến 35% chứ không phải mức 10% như trước đây nữa. Điều này không hợp lý vì quản lý đại lý cũng như một doanh nghiệp nhỏ, họ phải chịu nhiều chi phí nên không thể áp dụng cách tính thuế thu nhập cá nhân như nhân viên đi làm không có chi phí. Cách tính thuế này sẽ không những không khuyến khích kênh đại lý phát triển, mà còn làm kênh này càng suy yếu”, lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.

Thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2022, tuyển dụng mới của kênh đại lý tiếp tục giảm, doanh thu khai thác mới cũng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, hoạt động của đại lý bảo hiểm đã được quy định rõ ràng tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nên khó có thể thay đổi. Do đó, điều các doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn là cùng các cơ quan chức năng đưa ra cách tính thuế thu nhập thường xuyên phù hợp hơn cho các đại lý bảo hiểm.

Việc giới hạn mức trần 75%, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, sẽ làm cho công việc đại lý không còn hấp dẫn, đặc biệt với đại lý mới. Nghề đại lý cần đầu tư thời gian cho việc học, thi lấy chứng chỉ, cung cấp dịch vụ chăm sóc sau bán hàng…, mức trần 75% có thể làm đại lý không còn đủ tâm huyết và động lực với nghề nghiệp. Do đó, nên giới hạn trần phí và chi phí sản phẩm giúp công ty linh hoạt mức hỗ trợ đại lý ở khoảng 100% ở năm đầu. Mức tăng vừa phải này sẽ không quá cao, có thể tạo động lực cho người đại lý và không gây tác động tới hành vi bán hàng.

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác cho rằng, mục đích chính của cơ quan quản lý trong việc siết chặt các loại chi phí như tại dự thảo là muốn làm giảm phí hoa hồng trả cho ngân hàng và đại lý để giảm chi phí cho khách hàng, giúp phí sản phẩm trở nên rẻ hơn, đến gần với người dân hơn… Dẫu vậy, vẫn có những quy định còn chưa hợp lý nên các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục kiến nghị để có những thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho ngành phát triển.

Được biết, việc tính thuế cho đội ngũ đại lý có thể sẽ phải thực hiện ngay từ đầu năm 2023 khi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023) và Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn thi hành Luật được ban hành. Tuy nhiên, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm đã triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, sản phẩm bảo hiểm hưu trí có trách nhiệm rà soát, thực hiện đầy đủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngoại trừ quy định có liên quan tới quyền lợi bảo hiểm và các khoản phí tính cho khách hàng. Các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí được phê chuẩn trước thời điểm 1/1/2023 chưa đáp ứng quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được tiếp tục triển khai đến ngày 31/12/2024.

Tin bài liên quan