Doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh vốn tín dụng và trái phiếu bị siết, các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn khác, rất cần được tháo gỡ. 

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn

Nhiều nhà đầu tư và sàn giao dịch đang có động thái chờ xem thị trường sẽ diễn biến như thế nào trước các thông tin về chính sách siết tín dụng bất động sản. Tôi cho rằng, kiểm soát chặt hơn tín dụng là chủ trương tốt, để thị trường phát triển lành mạnh, nhưng cần tạo điều kiện để phát triển nguồn cung. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều đồng thời áp dụng hai biện pháp: kiểm soát thuế, các khoản vay và nâng cao nguồn cung thị trường. Chỉ có hài hòa hai yếu tố này mới tạo ra được một thị trường bất động sản ổn định.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần G-Home

Trong số các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc hiện nay, không phủ nhận có những doanh nghiệp làm ăn thiếu bài bản, chộp giật và gây ra những hệ quả xấu cho thị trường bất động sản cũng như nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, số lượng đó không nhiều. Do đó, cơ quan quản lý nên tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo giám sát chặt chẽ các rủi ro, tránh gây ra những hệ lụy không đáng có cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real

Không nên thực thi chính sách siết chặt nguồn vốn vào bất động sản theo kiểu cào bằng, chung chung cho tất cả các dự án, mà cần phân loại dự án để có hướng quản lý phù hợp, không gây tác động xấu tới thị trường. Những dự án có thể tạo nguồn cung, có tính thanh khoản cao cần tiếp tục được đảm bảo cấp tín dụng. Những dự án không có khả năng thanh khoản, đặc biệt là các dự án hình thành trong tương lai, không có khả năng tạo nguồn cung thì phải siết, chờ thị trường ổn định rồi xem xét tiếp.

GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Một vấn đề lớn hiện nay với thị trường bất động sản, đang làm khó các nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý, đó là vấn đề quy hoạch và hành lang pháp lý đi kèm. Theo quan niệm quốc tế, quy hoạch sử dụng đất chính là việc đưa chiến lược phát triển lên không gian mặt đất, bao gồm cả tầng ngầm trong lòng đất, tầng trên không, mặt nước và trong lòng nước. Quy hoạch sử dụng đất phải gắn với việc phân vùng sử dụng đất theo nghĩa này hoặc nghĩa khác (tiêu chí phân vùng).

Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất phải gắn chặt chẽ với các loại quy hoạch khác. Chúng ta đang trong giai đoạn chuẩn bị cho Luật Đất đai sửa đổi. Tôi cho rằng, cần có quan niệm rộng hơn về đất đai, bao gồm cả phần không gian gắn liền theo chiều sâu, chiều cao và phần phần biển trong lãnh hải. Bài toán quy hoạch sử dụng đất được xem xét như việc đưa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước, bảo vệ môi trường lên không gian mặt đất sao cho bảo đảm sử dụng đất hiệu quả nhất.

Chuyển phương pháp quy hoạch sử dụng đất từ tiêu chí theo mục đích sử dụng đất sang tiêu chí theo phân vùng sử dụng đất cần xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc kết nối giữa quy hoạch quốc gia ngành du lịch với quy hoạch sử dụng đất có liên quan đến các khu chức năng du lịch, nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, xây dựng mới Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm triển khai đồng bộ việc quy hoạch chi tiết với các quy hoạch tổng thể đã được quy định tại Luật Quy hoạch 2017.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Địa ốc COPiHOME

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang đối diện với nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn tín dụng và thị trường. Cụ thể, nguồn cung sụt giảm từ những năm trước, tiếp tục bị sụt giảm bởi dịch bệnh Covid-19 và các vướng mắc chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn… Do vậy, cơ quan quản lý nên phân loại các dự án bất động sản, trong đó những doanh nghiệp có mục tiêu phát triển dự án tốt cần nhận được sự ưu đãi để phát triển, đồng thời tìm cách giải ngân vốn cho thị trường bất động sản hợp lý hơn.

Bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổng giám đốc Sun PropertyLinh Sunproperty

Để các doanh nghiệp có thể phát triển thì phải tháo gỡ các vướng mắc như vấn đề pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện chúng ta đang nỗ lực nhưng mỗi lần chỉ tháo gỡ được một phần, chứ chưa giải quyết được toàn bộ các tồn tại.

Như doanh nghiệp chúng tôi, hầu hết bất động sản đều gắn với du lịch nghỉ dưỡng, sự phục hồi kinh tế du lịch là rất quan trọng. Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động chung tay thúc đẩy sự phục hồi của ngành ở nhiều địa phương, rất mong nhận được sự đồng hành của các địa phương trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding

Điểm nghẽn lớn nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn là vấn đề pháp lý. Chúng tôi không thể ngồi đợi 3 - 5 năm mới có thể hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho một dự án được. Đặc biệt, khi ngân hàng “siết” tín dụng vào bất động sản, nhưng dự án đã hoàn thiện pháp lý thì doanh nghiệp sẽ có nhiều cách khác để xoay vốn, không nhất thiết phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do vậy, cơ quan quản lý cần nhanh chóng có những giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn này.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Nếu kiểm soát nguồn vốn vào thị trường bất động sản quá chặt, có thể doanh nghiệp sẽ phải dừng lại các hoạt động đầu tư, ảnh hưởng đến chủ đầu tư, người lao động cũng như các ngành nghề liên quan. Nguy hiểm nhất là thị trường mất niềm tin.

Do đó, không nên siết toàn diện các chính sách tín dụng, thay vào đó là chính sách kiểm soát tốt với những dự án có vấn đề - đầu cơ tích trữ, mua gom đất, thổi giá…, còn lại nên thúc đẩy, khuyến khích. Đối với thị trường phát hành trái phiếu, nên tiếp tục duy trì, nhưng có những quy định mới, tăng cường kiểm soát, thúc đẩy tính minh bạch, lành mạnh. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư để doanh nghiệp sớm được tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ này.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM

Bất động sản ảnh hưởng đến doanh nghiệp ở hầu hết các lĩnh vực, vì từ khi mới thành lập đã nghĩ tới mở văn phòng ở đâu, rồi đầu tư ngành nào cũng cần có tài sản là bất động sản. Vì vậy, xu hướng của thị trường bất động sản ra sao, đầu tư vào phân khúc thị trường nào, ở đâu... rất được quan tâm. Doanh thu các ngành liên quan đến bất động sản đạt trên 100 tỷ USD mỗi năm.

Xu hướng bất động sản bền vững là có thể thỏa mãn được ba đối tượng. Nhà nước, người tiêu dùng và nhà đầu tư có thể hài hòa lợi ích thì mới tạo nên sự phát triển bền vững. Nếu Nhà nước thắt chặt dòng tiền, nhà đầu tư gặp khó khăn, người dân không mua được thì dòng tiền không luân chuyển được trong xã hội.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành

Giá đất 2 năm qua ở nhiều nơi tăng gấp đôi, gấp ba, chi phí đầu vào cũng rất cao. Bên cạnh đó, tiền thuế sử dụng đất rất khó đóng, vì chưa tính. Chưa tính thì chưa có giá đầu vào cụ thể nên doanh nghiệp phải bán giá cao để “trừ hao” trong trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung. Việc Nhà nước siết dòng tiền vào bất động sản khiến các doanh nghiệp càng gặp khó khăn.

Năm 2022, tôi cho rằng, nguồn cung nhà ở vẫn hiếm, phải ít nhất hai năm nữa các vấn đề liên quan đến nguồn cung mới được tháo gỡ. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng, cụ thể là giá thép đã tăng gấp đôi trong năm qua, kéo theo giá hàng loạt vật liệu khác tăng theo, nên giá nhà ở khó giảm.

Tin bài liên quan