Nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ thi công dự án.

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy nhanh tốc độ thi công dự án.

Doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng “sau đêm tối là bình minh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022 với không ít tham vọng, bất chấp những thông tin thiếu tích cực bủa vây.

Năm bùng nổ doanh thu

Năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã AGG) đặt mục tiêu đạt 5.500 tỷ đồng tổng doanh thu, gấp hơn 3 lần so với thực hiện năm 2021; lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 500 tỷ đồng, tăng 20%.

Cũng trong năm nay, An Gia có kế hoạch phát hành thêm tổng cộng 13,3 triệu cổ phiếu, bao gồm 11,1 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 10% và 2,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý IV/2022. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng lên mức 1.250 tỷ đồng. Ngoài ra, An Gia còn có kế hoạch huy động thêm 1.000 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu không chuyển đổi.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia cho biết, mục tiêu huy động vốn qua trái phiếu là để thực hiện M&A các dự án bất động sản. Trong quý I/2022, An Gia đã hoàn thành M&A dự án Westgate Bình Chánh, diện tích 3,2 ha và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán mua thêm 30-50 ha quỹ đất thấp tầng.

“An Gia đang sở hữu khoảng 12.000-13.000 sản phẩm căn hộ, mỗi năm bán 2.000-3.000 sản phẩm. Quỹ đất hiện nay đảm bảo cho kế hoạch phát triển 4-5 năm tới. Mỗi năm, Công ty sẽ mua 2-3 dự án, mỗi dự án có giá trị 500-1.000 tỷ đồng, cung cấp ra thị trường 2.000-3.000 sản phẩm”, ông Sáng thông tin thêm.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va - Novaland (mã NVL), sau năm 2021 “bung lụa”, nhà phát triển bất động sản này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, cụ thể là doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 36.000 tỷ đồng và 6.500 tỷ đồng, tăng tương ứng 141% và 88% so với thực hiện năm 2021.

Động lực cho việc tăng trưởng doanh thu đến từ việc bàn giao các dự án lớn như Aqua City, Novaworld Phan Thiet, Novaworld Ho Tram (Wonderland, The Tropicana) và các cụm dự án tại TP.HCM. Trong năm 2022, Novaland sẽ giới thiệu ra thị trường khoảng 15.000 sản phẩm, trong đó 80% đến từ 3 dự án trọng điểm đang triển khai là Aqua City, Novaworld Ho Tram, Novaworld Phan Thiet và 20% tới từ một số dự án mới.

Tương tự, một nhà phát triển dự án có lợi thế quỹ đất khác là Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) cũng đặt nhiều tham vọng trong năm 2020 với doanh thu dự kiến 23.375 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với năm 2021 và lợi nhuận ròng 1.206 tỷ đồng, tăng 12,6%.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG), năm 2021 là năm thành công ngoài mong đợi khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng bằng lần (đạt lần lượt 1.087 tỷ đồng và 262 tỷ đồng), cho dù gặp phải nhiều khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Dựa trên nền tảng đó, nhà phát triển bất động sản này tiếp tục lên kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2022 với doanh thu hợp nhất 1.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng tương ứng 47% và 34% so với năm trước.

Doanh nghiệp có dự án đi vào vận hành sẽ có dòng tiền ổn định. Ảnh: Thành Nguyễn

Doanh nghiệp có dự án đi vào vận hành sẽ có dòng tiền ổn định. Ảnh: Thành Nguyễn

Nước nổi, bèo nổi

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, câu chuyện cần quan tâm hiện tại là nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao hay ở mức trung bình, còn tích cực là chắc chắn. Nước nổi thì bèo nổi, thị trường bất động sản theo đó cũng sẽ tốt lên.

“Với thị trường bất động sản, tôi cảm nhận tính tích cực cao, cơ hội tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng”, ông Thành nhấn mạnh và cho rằng, dù còn nhiều thách thức như siết tín dụng, kiểm soát kênh trái phiếu, doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định về dòng tiền, huy động vốn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng cơ bản, mọi thứ đang dần chuẩn chỉnh. Về lâu dài, điều này sẽ có tác động tích cực đến thị trường theo hướng bền vững, ổn định hơn.

“Lĩnh vực bất động sản có đặc thù là rất nhạy với các diễn biến vĩ mô như chính sách tiền tệ, lạm phát, lãi suất… Đây là điều mà các nhà đầu tư, thành viên thị trường cần lưu tâm”, ông Thành nói.

Lạc quan, tự tin với kế hoạch đề ra là điểm chung mà phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán ghi nhận được từ nhiều đại diện doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Các ý kiến đều cho rằng, năm 2022 vẫn sẽ là một năm “tốt lành”, nhất là với các doanh nghiệp có nền tảng tốt.

“Đầu tư bất động sản vẫn sẽ là mảng chủ lực mang lại doanh thu và lợi nhuận chính cho doanh nghiệp trong năm 2022. Quan điểm của TIG là phát triển bền vững, làm chắc từng dự án để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, nhà đầu tư”, đại diện TIG nói, đồng thời cho biết thêm, để hiện thực hóa các kế hoạch đề ra, TIG đang đẩy mạnh triển khai nhiều dự án gồm Khu nhà ở thấp tầng (nhà vườn liền kề TIG Đại Mỗ), Nhà máy điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1 và Thăng Long Hướng Sơn 2...

Là đơn vị chuyên phát triển bất động sản cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổng giám đốc Sun Property cho rằng, thị trường hiện tồn tại 2 tệp khách hàng. Tệp khách hàng thứ nhất coi bất động sản là kênh đầu cơ nên trong giai đoạn này sẽ thận trọng nhiều hơn, giữ tiền mặt, chờ đợi thị trường tích cực hơn.

Tệp khách hàng thứ hai là những nhà đầu tư thuộc giới có tiền sở hữu bất động sản, xem đây là kênh đầu tư nghiêm túc, muốn sở hữu lâu dài, không cần dùng đòn bẩy tài chính, không chịu áp lực dòng tiền. Nhóm khách hàng này vẫn luôn tìm kiếm sản phẩm cao cấp, uy tín, sản phẩm có thể gia tăng giá trị theo thời gian.

“Trong giai đoạn có nhiều biến động như hiện tại, doanh nghiệp càng phải chuẩn bị nhiều phương án ứng phó hơn, sản phẩm cần được chuẩn bị kỹ hơn, tránh tung ra thị trường một cách ồ ạt, mà cần chọn loại hình, thời điểm ra hàng phù hợp với tệp khách hàng của mình. Đã qua rồi cái thời mà cái gì cũng nhanh, cũng vội, chúng tôi luôn xác định phải tạo ra các sản phẩm khác biệt, mang lại giá trị cho nhà đầu tư. Đó cũng là lý do Sun Property hướng đến tệp khách hàng thứ 2”, bà Linh nhấn mạnh.

Còn theo đại diện một đơn vị phân phối tại Hà Nội, Việt Nam đang cho thấy chiến lược chính trong giai đoạn hiện tại là phát triển hạ tầng, mà hạ tầng phát triển thì giá bất động sản sẽ tăng theo. Có nhiều nơi giá bất động sản còn ở mức thấp như khu vực miền Trung, Tây Nguyên… và những nơi này đã xuất hiện lớp nhà đầu tư mới, sẵn sàng tung tiền đầu tư và đón sóng tăng giá.

“Hiện tại, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn bởi xu hướng giá có thể tăng gấp đôi, gấp ba trong 3-5 năm tới. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp tự tin với những kế hoạch tăng trưởng đột phá trong năm 2022, nhất là những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về quỹ đất sạch, nguồn nhân lực cũng như tài chính để sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh thời gian tới”, vị đại diện trên nhìn nhận.

Tin bài liên quan