Công tác thi công tại nhiều dự án bị gián đoạn do dịch. Ảnh: Thành Nguyễn

Công tác thi công tại nhiều dự án bị gián đoạn do dịch. Ảnh: Thành Nguyễn

Doanh nghiệp bất động sản: Phải "sống sót" trước khi nghĩ đến tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, trước khi nghĩ đến tăng trưởng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp là phải sống sót, tức là phải quản trị tốt rủi ro, đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Chủ động quản trị rủi ro

“Con đường dẫn các doanh nghiệp từ ứng phó, sống sót, đến phục hồi và phát triển đang ngày càng gian nan hơn, lâu dài hơn, nhưng dù bằng cách nào đi chăng nữa, nó đều giúp doanh nghiệp đứng vững hơn trong đại dịch cũng như các sự kiện tương tự trong tương lai”.

Đây là khẳng định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam kiêm Chủ tịch Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tại hội thảo trực tuyến “Xây dựng doanh nghiệp kiên cường vững vàng trong thử thách” diễn ra mới đây. Cũng tại hội thảo này, khi được hỏi về tâm thế của cộng đồng doanh nghiệp trước làn sóng Covid-19 lần thứ 4, có 29% doanh nghiệp cho biết hoàn toàn tự tin; 64% doanh nghiệp tự tin phần nào và 7% doanh nghiệp không tự tin.

Theo bà Thanh, để có được sự tự tin khi ứng phó với dịch bệnh, điều không thể thiếu với các doanh nghiệp là khả năng dự đoán biến cố và khủng hoảng, từ đó có giải phải quản trị rủi ro thật tốt. Bà cho rằng, việc gạt KPI sang một bên để hướng tới các chỉ tiêu khác nói thì đơn giản, nhưng để thực hiện được đòi hỏi một quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên về công tác quản trị rủi ro và ứng phó với dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, ông Đoàn Ngọc Duy, Giám đốc Marketing và kinh doanh của Cát Tường Group cho biết, công tác quản trị rủi ro luôn được Cát Tường Group coi trọng, đặc biệt trong thời gian qua, khi tình hình dịch bệnh kéo dài, các hoạt động bán hàng tạm dừng làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu và kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn.

“Việc quản trị tốt rủi ro giúp Cát Tường Group vừa đảm bảo ổn định hoạt động trong dịch, vừa có thể bắt nhịp kinh doanh ngay khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Duy nói và chia sẻ thêm, Cát Tường Group đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để sau khi dịch được khống chế sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án gồm Taka Garden Riverside Homes tại TP. Tân An (tỉnh Long An), Khu đô thị Cát Tường Western Pearl tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Khu đô thị phức hợp - cảnh quan Cát Tường Phú Hưng tại TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước). Cùng với đó, là việc thực hiện thay đổi chính sách bán hàng để kích cầu thị trường cũng như phù hợp hơn với những khách hàng có nhu cầu ở thực.

“Cát Tường Group sẽ áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt, khách hàng được hỗ trợ thanh toán không lãi suất trong dài hạn từ các ngân hàng đối tác của Tập đoàn, bên cạnh các chương trình kích cầu hấp dẫn khác”, ông Duy thông tin.

Câu chuyện quản trị, ứng phó với rủi ro hơn bao giờ hết càng được đề cao trong giai đoạn hiện tại. Theo đánh giá của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Đại Việt Group, năm nay, các đợt dịch kéo dài trong nhiều tháng liền với mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng cao hơn, trong đó 2 đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Quốc Anh, đây là giai đoạn rất bất ổn, đặc biệt với các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị tốt, bởi trên thực tế, vẫn có không ít doanh nghiệp đến nay còn lúng túng trong việc ứng phó dịch, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.

Bán hàng online được đẩy mạnh trong mùa dịch. Ảnh: Việt Dương

Bán hàng online được đẩy mạnh trong mùa dịch. Ảnh: Việt Dương

Khẩu vị rủi ro và câu chuyện đầu tư

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giai đoạn hiện tại, công tác quản trị rủi ro nên được các doanh nghiệp lưu tâm nhiều hơn, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến sự biến động của thị trường, của các phân khúc để lọc ra những phân khúc tiềm năng, từ đó có kế hoạch đầu tư phù hợp. Sau khi nhận diện được rủi ro, các doanh nghiệp có thể xác định khẩu vị đầu tư, hoặc “mạnh tay” mua bán dự án để đón sóng phục hồi, hoặc thận trọng quan sát thị trường rồi đưa ra từng chương trình hành động cụ thể.

“Tôi cho rằng, dù hiện tại thị trường tương đối trầm lắng, nhưng khi dịch được kiểm soát thì bất động sản sẽ là lĩnh vực phục hồi nhanh. Do đó, các doanh nghiệp nên có kế hoạch trước cho thời gian tới, cho sự quay trở lại với thị trường”, ông Hiếu nhận định.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, một vấn đề quan trọng khác với các doanh nghiệp địa ốc giai đoạn hiện tại đó là phải giữ chân được nhân sự, chuẩn bị chu đáo nguồn tài chính, tránh trường hợp bị động nguồn vốn. Cùng với đó, cũng phải duy trì tâm thế sẵn sàng tiếp tục khởi công, triển khai dự án dang dở, cơ cấu lại chiến lược và phương thức hoạt động, lĩnh vực nào không hiệu quả thì kiên quyết cắt bỏ và cuối cùng là phải chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Riêng về tín dụng bất động sản, ông Lực cho biết, thời gian tới, tín dụng địa ốc nhiều khả năng vẫn sẽ bị siết chặt, nhưng hiện tại thì vẫn còn dư địa để tận dụng. Tương tự là trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý chặt, nhưng vẫn là kênh huy động vốn quan trọng với doanh nghiệp có thực lực. Ngoài ra, vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vẫn tích cực và xu hướng M&A dự án bất động sản bắt đầu mạnh mẽ trở lại. Đây là những động lực cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Về chuyển đổi số, theo ông Quốc Anh, trước khi có dịch, cách bán hàng truyền thống cho thấy hiệu quả cao, nhưng giờ là lúc doanh nghiệp nghĩ đến các hình thức giao dịch mới để đẩy mạnh công tác bán hàng. Việc có ngày càng nhiều chủ đầu tư thực hiện mở bán, giới thiệu sản phẩm trên không gian mạng với các công cụ mới ít nhiều đã phát huy tác dụng và có những dự án đã ghi nhận doanh số tích cực khi bán online. Chưa kể, chiến lược này còn giải quyết được vấn đề khoảng cách địa lý cho sản phẩm, giúp sản phẩm duy trì được sức nóng trên thị trường.

Ngoài ra, ông Quốc Anh cho rằng, vấn đề tài chính cũng cần được đánh giá đúng mức, bởi trong giai đoạn hiện tại, doanh nghiệp nào huy động được vốn sẽ có nhiều lợi thế. Cùng với đó, đã đến lúc các doanh nghiệp nghĩ đến việc có riêng một quỹ dự phòng để chuẩn bị cho các sự cố tương tự như dịch bệnh lần này có thể xảy ra trong tương lai.

“Trước đây, chúng ta ít nghĩ đến những yếu tố bất định như dịch bệnh Covid-19, có chăng chỉ là các yếu tố thiên tai như bão, lũ…, song cũng chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian ngắn, chứ chưa bao giờ kéo dài như dịch bệnh lần này. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự phòng bị không chỉ về tài chính, mà cả về chiến lược kinh doanh cũng như chuyển đổi số”, ông Quốc Anh khuyến nghị.

Tin bài liên quan