Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sụt giảm mạnh trong 10 tháng qua

Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sụt giảm mạnh trong 10 tháng qua

Doanh nghiệp cá tra dò "đáy" tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tiếp tục sụt giảm trong tháng 10 bởi sức tiêu thụ kém. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cá tra kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện dần trong dịp lễ tết năm nay, trước khi bứt phá từ nửa sau năm 2024 khi các thị trường tiêu thụ lớn hồi phục.

Đồng loạt “mắc cạn”

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra tháng 10/2023 đạt gần 173 triệu USD, giảm 4% và lũy kế 10 tháng đầu năm đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra phile đông lạnh trong 10 tháng đạt 1,2 tỷ USD, giảm 33%; cá tra chế biến đạt 24 triệu USD, giảm 25% và cá tra tươi/đông lạnh, khô đạt 254 triệu USD, giảm 2%.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ ghi nhận sụt giảm mạnh nhất, với mức giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 228 triệu USD trong 10 tháng đầu năm; tiếp theo là Mexico giảm 37% về 58 triệu USD; Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc Đại Lục giảm 23% về 490 triệu USD; các nước trong khối Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm 28% về 202 triệu USD.

Sự sụt giảm xuất khẩu đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành cá tra. Kết quả kinh doanh tháng 10/2023 của “nữ hoàng cá tra” Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) vừa công bố ghi nhận tổng doanh thu đạt 445 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài số ít mặt hàng còn tăng trưởng như tôm chip tăng 18%, mì và bánh tráng tăng 32%, thì các sản phẩm còn lại đều giảm như sản phẩm cá tra giảm 26%, sản phẩm sức khỏe và giá trị gia tăng giảm 24%, sản phẩm phụ giảm 53%...

Vĩnh Hoàn cho biết, doanh thu tháng 10 giảm là giảm do xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như thị trường Mỹ giảm 59%, thị trường nội địa tiêu thụ giảm 14% so với tháng trước.

Trước đó, doanh số tháng 9/2023 của Vĩnh Hoàn cũng giảm, trong đó thị trường Mỹ giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 6% so với tháng trước đó, về mức 262 tỷ đồng.

Ước tính, doanh thu lũy kế 10 tháng đầu năm của Vĩnh Hoàn đạt 8.087 tỷ đồng, hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu cả năm (11.500 tỷ đồng). Công ty chưa công bố lợi nhuận đạt được trong tháng 10, nhưng với kết quả 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đã hoàn thành hơn 88% kế hoạch cả năm (1.000 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Nam Việt (mã ANV) được biết đến là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra thuộc nhóm dẫn đầu tại Việt Nam, sở hữu chuỗi giá trị khép kín tự chủ toàn phần với công nghệ hiện đại và vùng nuôi cá lớn, song cũng không tránh khỏi vòng xoáy khó khăn trước sức cầu thị trường sụt giảm mạnh.

Trong quý II/2023, Nam Việt đã thua lỗ hơn 51 tỷ đồng và là quý đầu tiên trong nhiều năm qua rơi vào cảnh lợi nhuận âm, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng gần 241 tỷ đồng. Bước sang quý III/2023, Công ty đã cải thiện lợi nhuận, ghi nhận lãi sau thuế hơn 1 tỷ đồng, thoát khỏi cảnh thua lỗ, nhưng sụt giảm tới 99% so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Nam Việt đạt 3.328 tỷ đồng doanh thu, giảm 11,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 42,3 tỷ đồng, giảm 92,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt hơn 567 tỷ đồng).

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia - IDI (mã IDI), lợi nhuận quý III/2023 tiếp tục giảm mạnh khi đạt 23,4 tỷ đồng, giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 5.338 tỷ đồng và 68 tỷ đồng, giảm tương ứng 14% và 87% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành lần lượt 66% và 30% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm (doanh thu 8.133 tỷ đồng và lãi sau thuế 186 tỷ đồng).

Trong nhóm doanh nghiệp cá tra, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã ABT) là cái tên hiếm hoi ngược dòng tăng trưởng khi ghi nhận lợi nhuận quý III/2023 tăng gần 14% so với cùng kỳ, đạt 13,9 tỷ đồng, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính tăng, trong khi doanh thu giảm 16%, đạt 134,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 393 tỷ đồng doanh thu, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế gần như không tăng, đạt 51,5 tỷ đồng.

Dò điểm rơi tăng trưởng

Kết quả kinh doanh của nhóm thủy sản nói chung và cá tra nói riêng được giới quan sát nhận định có thể đã chạm đáy và đang dò đường đi lên theo hình sin.

Kết quả kinh doanh của nhóm thủy sản nói chung và cá tra nói riêng được giới quan sát nhận định có thể đã chạm đáy và đang dò đường đi lên theo hình sin.

Công ty Chứng khoán DSC dự báo, xuất khẩu cá tra sẽ phục hồi kể từ quý IV/2023 khi nhu cầu tăng trong mùa lễ hội cuối năm và giá cá tra đang có tín hiệu tạo đáy. Giá bán cá tra hiện ở mức thấp, tại thị trường Trung Quốc trung bình đạt khoảng 2,2 USD/kg (giảm 13% so với cùng kỳ), trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ dao động quanh mức 2,97-3,45 USD/kg (giảm 21% so với cùng kỳ).

Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) kỳ vọng cán cân cung - cầu cá tra toàn ngành bắt đầu thâm hụt từ nửa cuối năm 2024. Động lực tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp cá tra sẽ đến từ thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn vào bức tranh xuất khẩu cá tra của Vĩnh Hoàn trong tháng 9 và 10/2023 đều ghi nhận có sự tăng trưởng trở lại khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và EU. Trong tháng 9/2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 117 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và trong tháng 10/2023 tiếp tục tăng 43%, còn EU tăng 20%.

Điểm rơi tăng trưởng của nhóm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra được kỳ vọng sẽ diễn ra từ nửa sau năm 2024, trùng với thời điểm phục hồi của 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ, qua đó thúc đẩy sự phục hồi chung của toàn ngành.

Với Công ty Nam Việt, FPTS dự phóng đạt doanh thu 5.255 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 396 tỷ đồng trong năm 2024, tăng lần lượt 18% và 452% so với năm 2023. Dự phóng này được đưa ra dựa trên tính toán về cung - cầu và chi phí thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Cá tra Việt Nam có lợi thế tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu cá phi-lê chất lượng cao còn dư địa tăng trưởng ở thị trường này. Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 10/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị 56 triệu USD, tăng trưởng dương so với tháng trước đó và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc giảm 23%, đạt hơn 490 triệu USD, nhưng doanh số bán phi-lê cá tra tẩm bột đang có dấu hiệu tốt lên.

Mỹ cũng là nước nằm trong nhóm thị trường tiêu thụ cá tra Việt Nam nhiều nhất. VASEP cho hay, thị trường Mỹ đang có dấu hiệu tốt dần lên, tỷ lệ tồn kho đã về mức trung bình, chỉ số niềm tin tiêu dùng được cải thiện. Cùng với mùa lễ hội cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá tra, các doanh nghiệp tăng tích trữ hàng tồn kho trở lại, mở ra cơ hội phục hồi cho ngành này.

Bên cạnh đó, cá tra Việt Nam xuất sang thị trường EU cũng đang tăng trở lại do nhu cầu cao hơn vào cuối năm. Mặt khác, quý IV thường là giai đoạn cao điểm của ngành dịch vụ để chuẩn bị cho các dịp lễ lớn trong năm, trong đó người tiêu dùng tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, bao gồm cả sản phẩm cá tra.

Trong năm 2024, nhiều doanh nghiệp cá tra được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan hơn, có thể tăng trưởng 2 con số về doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, chu kỳ khó khăn của doanh nghiệp lĩnh vực này sẽ sớm qua đi.

VASEP kỳ vọng, đà tăng trưởng nhẹ trong tháng đầu tiên của quý IV/2023 sẽ tiếp tục duy trì trong 2 tháng còn lại của năm. Để mở rộng dư địa tăng trưởng, các doanh nghiệp cần tăng cường các sản phẩm ngoài phi-lê đông lạnh và mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác như Nam Mỹ, châu Á…

Tin bài liên quan