Quảng cáo dự án Biên Hòa New City 2 của Công ty Mekong Nam Á nhái dự án Biên Hòa New City của Hưng Thịnh Corp

Quảng cáo dự án Biên Hòa New City 2 của Công ty Mekong Nam Á nhái dự án Biên Hòa New City của Hưng Thịnh Corp

Doanh nghiệp cần làm gì khi bị “nhái” thương hiệu?

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Hưng Thịnh, Him Lam, Đại Phúc, Novaland, GP.Invest… “đau đầu” vì bị nhái thương hiệu doanh nghiệp, dự án. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ mình?

Đủ kiểu nhái thương hiệu

Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp) vừa đưa ra thông báo cho biết, doanh nghiệp bị nhái thương hiệu tại dự án Biên Hòa New City.

Cụ thể, theo lãnh đạo Hưng Thịnh Corp, cuối năm 2018, Công ty mở bán dự án mang tên Biên Hòa New City rộng 119 ha với 3.626 lô nhà phố, biệt thự tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, mới đây, thị trường bất động sản TP.HCM và Đồng Nai xuất hiện thông tin chào bán một dự án mang tên Biên Hòa New City 2 cũng tại TP. Biên Hòa.

Dự án này chỉ có quy mô 4 ha với 300 nền đất phân lô diện tích lớn 120 m2/nền do Công ty cổ phần Đầu tư Mekong Nam Á phát triển. Đặc biệt, đây là doanh nghiệp môi giới vừa thành lập tháng 3/2019. Lĩnh vực đăng ký kinh doanh chỉ là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất chứ không hề có phát triển dự án.

Theo Hưng Thịnh Corp, việc đặt tên dự án như trên gây ảnh hưởng tới Công ty, vì khách hàng nhầm tưởng đây là dự án mới của Hưng Thịnh Corp, do trung tên với dự án Biên Hòa New City.

Không chỉ trường hợp trên, Hưng Thịnh Corp còn đau đầu vì bị doanh nghiệp khác nhái cả tên doanh nghiệp. Cụ thể, từ năm 2018 tới nay, thị trường bất động sản tỉnh Long An xuất hiện dự án mang tên Hưng Thịnh Cát Tường do Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Thịnh phát triển. Dự án này mới đây bị tỉnh Long An “tuýt còi” vì dính nhiều vi phạm, như chưa thực hiện các thủ tục hồ sơ xin giao đất để thực hiện dự án, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014; chưa thực hiện xong các thủ tục kê biên bồi thường; chuyển mục đích sử dụng đất và lập hồ sơ xin giao đất theo quy định pháp luật và dự án chưa được thẩm định bản vẽ thiết kế xây dựng..., nhưng chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng 5,56/9,4 ha, đã xây dựng 3 căn nhà, làm đường nội bộ khoảng 30%, vỉa hè, thoát nước khoảng 30%, hệ thống điện, cấp nước khoảng 5%.

Sự việc trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Hưng Thịnh Corp, vì tên doanh nghiệp phát triển dự án trên giống hệt một công ty thành viên của Hưng Thịnh Corp.

Trước đó, trong năm 2018, Him Lam Land cũng “đau đầu” vì cả 2 dự án Khu dân cư Him Lam Chợ Lớn, quận 6 và Khu dân cư Him Lam tại quận 7 của Công ty bị các đơn vị khác nhái thương hiệu, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Tương tự, Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy mác dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án ở Bình Dương. Hay GP.Invest cũng từng rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười khi một số người gọi điện thoại liên lạc để hỏi về dự án căn hộ Tràng An tại 149 Trường Chinh. Sau khi tìm hiểu, GP.Invest phát hiện ra website quảng bá dự án Tràng An tại 149 Trường Chinh do một công ty môi giới lập nên lại lấy chính ảnh Dự án Tràng An Complex tại Cầu Giấy để quảng bá, dẫn đến việc nhầm lẫn tai hại.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Hoding cho biết, việc nhái thương hiệu những doanh nghiệp lớn để bán hàng đang diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, mới thành lập, năng lực kém. Họ không thể tự phát triển thương hiệu riêng cho mình, mà lựa chọn cách làm ăn chụp giật là “dựa hơi ông lớn” để bán hàng. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp bị nhái thương hiệu, mà còn tạo ra rủi ro cho người mua và ảnh hưởng xấu tới thị trường.

Cách nào để bảo vệ thương hiệu?

 Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một lãnh đạo Hưng Thịnh Corp cho biết, với những trường hợp nhái thương hiệu, đầu tiên Tập đoàn sẽ công bố trên website của mình để khách hàng biết, tiếp đó sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để khởi kiện ra tòa.

Còn theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trong kinh doanh, thương hiệu của một doanh nghiệp bao gồm nhiều thành tố trực tiếp như tên riêng doanh nghiệp, nhãn hiệu và những thành tố liên quan khác như tên miền, slogan, hình ảnh…, tùy theo loại đối tượng có các cơ chế bảo hộ tương ứng theo pháp luật.

Đối với tên doanh nghiệp, Điều 42, Luật Doanh nghiệp và Điều 17, Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định, tên doanh nghiệp không được trùng và gây nhầm lẫn với doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp doanh nghiệp thành lập sau có sự vi phạm, thì doanh nghiệp trước có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết. Do khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh rà soát và kiểm tra, nên hành vi vi phạm về tên doanh nghiệp trên thực tế ít xảy ra.

Đối với nhãn hiệu, trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu (tên riêng doanh nghiệp, tên dự án, tên sản phẩm), thì sử dụng cơ chế bảo hộ theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan. Nếu có sự vi phạm của doanh nghiệp thành lập sau có sử dụng nhãn hiệu của mình để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp đó thì có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh buộc doanh nghiệp đó phải đổi tên doanh nghiệp căn cứ theo Điều 19, Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Với trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm (sử dụng trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dự án, tên sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp bất động sản), thì doanh nghiệp thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ bằng việc trưng cầu giám định, đề nghị cơ quan nhà nước xử lý và xử phạt, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm, đình chỉ việc lưu thông, yêu cầu bồi thường thiệt hại...

Với trường hợp doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu thì tùy vào từng trường hợp cụ thể có thể sử dụng cơ chế khác với đối tượng khác. Doanh nghiệp không thể trông chờ việc mình không đăng ký nhãn hiệu, nhưng có thể được bảo hộ như việc được cấp văn bằng bảo hộ.

Đối với tên dự án, Luật Nhà ở quy định, chủ đầu tư phải sử dụng tên dự án đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước. Trường hợp doanh nghiệp đặt tên hoặc điều chỉnh tên dự án, hoặc tên các khu vực trong dự án không đúng quy định hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định thì chính doanh nghiệp bất động sản bị xử phạt theo Điều 62, Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Đối với tên miền Việt Nam, việc đăng ký tên miền theo nguyên tắc “ai đăng ký trước được cấp trước“ và “bình đẳng không phân biệt”. Tuy nhiên, nếu có các hành vi vi phạm như tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp bất động sản; trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với nhãn hiệu; người đăng ký không có quyền hoặc lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền đó; đăng ký để chuyển nhượng…

Khi có những căn cứ theo quy định pháp luật, doanh nghiệp bất động sản có thể đề nghị thu hồi tên miền và được ưu tiên đăng ký sử dụng theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013, Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015. Trên thực tế, các trường hợp thường đăng ký tên miền nước ngoài không giải quyết tại Việt Nam nên buộc doanh nghiệp bất động sản phải sử dụng các công cụ bảo hộ khác.

Đối với các dấu hiệu khác như hình ảnh của doanh nghiệp, hình ảnh của cá nhân hay hình ảnh được đăng ký theo quyền tác giả, có thể yêu cầu người sử dụng phải thay đổi hình ảnh không đúng hoặc phải chấm dứt hành vi vi phạm.

“Ngoài những đối tượng cụ thể trên, doanh nghiệp bất động sản có thể sử dụng các quy định tại Luật Cạnh tranh để nộp đơn đến Hội đồng cạnh tranh để giải quyết các trường hợp cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường”, luật sư Phượng nói.

Cũng theo luật sư Trần Đức Phượng, với doanh nghiệp bất động sản, ngoài việc sử dụng công cụ là các quy định pháp luật để bảo hộ, thì còn cần đến các kỹ thuật mềm trong đăng ký và kinh doanh như: đăng ký nhãn hiệu chỉ gồm chữ; đăng ký bao vây tên miền, đăng ký hình ảnh, công tác truyền thông và thông tin đến khách hàng để phân biệt, đề nghị xử lý các hành vi vi phạm hành chính.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản có thói quen lấy tên dự án để nhận diện cho sản phẩm của mình là không đúng quy định tại Luật Nhà ở và bị xử phạt theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Ở đây có thể thấy, doanh nghiệp bất động sản đang có sự nhầm lẫn và sử dụng tên dự án (tổng thể các yếu tố hạ tầng và sản phẩm thương mại) cho tên sản phẩm (căn hộ, diện tích thương mại…) của mình.

Chính vì việc xác định sai đó mà vô hình trung, doanh nghiệp bất động sản đang khoác một chiếc áo quá rộng cho sản phẩm cần bảo hộ nên dẫn đến hệ lụy thực tế là lại tạo ra nhiều điểm hở và không bảo hộ được chính sản phẩm của mình.

“Để bảo vệ quyền lợi của mình, chính doanh nghiệp bất động sản cần thay đổi trong hoạt động giới thiệu sản phẩm, cần phải sử dụng tên sản phẩm chứ không phải là tên dự án, phải tính toán phương thức bảo vệ ngay từ khi đặt tên chứ không phải mất bò mới lo làm chuồng như hiện nay”, luật sư Phượng khuyến cáo.    

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan