Các doanh nghiệp tự chủ phần nào về thức ăn chăn nuôi nhờ phát triển mô hình 3F ít gặp khó khăn hơn

Các doanh nghiệp tự chủ phần nào về thức ăn chăn nuôi nhờ phát triển mô hình 3F ít gặp khó khăn hơn

Doanh nghiệp chăn nuôi chưa hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, nhu cầu thịt lợn giảm, giá bán lao dốc, trong khi chi phí thức ăn cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp…, khiến mảng chăn nuôi lợn không lỗ là may và năm 2024, lợi thế nếu có chỉ thuộc về các hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Mức giá hiện tại chưa đủ bù đắp chi phí

Năm 2023 đã kết thúc, nhưng nhìn lại kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp và nhận xét của lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị tổng kết năm 2023 vừa tổ chức, thì mảng chăn nuôi lợn nhiều khả năng thua lỗ, ảnh hưởng lớn đến hoạch lợi nhuận của từng doanh nghiệp và toàn ngành.

Trong 3 quý đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, mã chứng khoán DBC) là 18,5 tỷ đồng, chỉ bằng 3% kế hoạch năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF Việt Nam, mã chứng khoán BAF) ghi nhận 53 tỷ đồng lãi sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2023, bằng 17,6% mục tiêu cả năm.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, mã chứng khoán VSN) tính đến hết tháng 10/2023 lãi trước thuế xấp xỉ 120 tỷ đồng, bằng 66% kế hoạch cả năm, nên khi năm 2023 chuẩn bị kết thúc, Công ty điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận, giảm 24% so với kế hoạch cũ, xuống 138 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) ước lãi cả năm 2023 tối thiểu 2.150 đồng, gần gấp đôi kế hoạch, nhưng kết quả này chủ yếu nhờ hoạt động thanh lý, chuyển nhượng tài sản.

Trong suốt cả năm 2023, giá lợn hơi xuất chuồng cơ bản vẫn thấp hơn năm 2022. Những ngày đầu năm 2024, thường là thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăng, giá thịt lợn nhích nhẹ, nhưng cũng chỉ đạt 48.000 - 52.000 đồng/kg. Trong khi đó, tính toán của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, ở quy mô trang trại, chi phí chăn nuôi khoảng 55.000 đồng/kg trở lên.

Nguyên nhân mặt bằng giá ở mức thấp là do sức tiêu thụ trên thị trường yếu, nguồn cung thịt trong nước tăng, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nên nhiều hộ có tâm lý bán tháo đàn, đẩy nguồn cung tăng và tác động trực tiếp tới giá mặt hàng này. Nguồn cung thịt trong nước còn phải cạnh tranh với tình trạng nhập lậu thịt lợn và lợn sống từ một số quốc gia láng giềng với giá thành thấp hơn, dù có nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm.

Về thức ăn chăn nuôi, kể từ tháng 6/2023, trong nước có khoảng 6 đợt điều chỉnh giảm giá thức ăn chăn nuôi, nhưng mỗi đợt giảm không nhiều, nên mức giá vẫn cao hơn 0,7 - 3,5% so với năm 2022 và cao hơn 44,8% so với giai đoạn trước dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp lớn đã tự chủ phần nào về thức ăn chăn nuôi nhờ phát triển mô hình 3F (quy trình sản xuất thực phẩm an toàn, bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi tới quá trình nuôi ở các trang trại và chế biến thực phẩm), nhưng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Năm 2023, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đều giảm so với năm 2022 như ngô hạt giảm 12,5%, khô dầu đậu tương giảm 3,1%, nhưng vẫn cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19 từ 32 - 46%, tác động đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đó là những lý do khiến ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp mới đây rằng, năm nay (2023), chắc không có doanh nghiệp hay người nuôi lợn nào dám khẳng định có lãi.

Lợi thế chăn nuôi tập trung

Giá thịt lợn gần đây dao động từ 48.000 - 52.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi ở quy mô trang trại khoảng 55.000 đồng/kg.

Dịch tả lợn châu Phi là một trong những bệnh về lợn nguy hiểm nhất hiện nay, do sự lây lan của virus ASF gây ra. Virus này có thể dễ dàng lây truyền qua nhiều đường nên rất khó để kiểm soát. Đối với người chăn nuôi, nếu không may để đàn lợn nhiễm virus là đồng nghĩa “không có thuốc cứu”, vì chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh dịch ASF được cấp phép trên thế giới.

Hiện nay, tình hình dịch vẫn đang có diễn biến phức tạp, xuất hiện tại 45/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ.

Trước đây, 70% nguồn cung lợn trong nước đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, sau khi dịch ASF xuất hiện lần đầu vào năm 2019, nguồn cung thịt lợn từ các nông hộ giảm còn 38% vào năm 2022 (theo VCBS) và nhường chỗ cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, doanh nghiệp FDI sở hữu nhiều lợi thế.

Các doanh nghiệp đã có những biện pháp phòng chống dịch bệnh riêng cho đàn lợn, sống chung với dịch nên không còn tâm lý nặng nề với ASF như các hộ nuôi. Dịch ASF cũng được coi là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư bài bản, kiểm soát, quản trị tốt phát huy lợi thế và mở rộng thị phần.

Dưới quan điểm của ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi dù là thách thức chung cho cả ngành chăn nuôi, nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn đi theo xu thế chung của thế giới là chăn nuôi khép kín 3F, giúp việc kiểm soát dịch được thực hiện tốt hơn so với các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ.

Tại BAF Việt Nam, hệ thống trang trại có vị trí cách xa khu dân cư và các trang trại khác. An toàn sinh học được kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, như các xe ra vào trại đều được sát trùng kỹ càng, người từ bên ngoài vào trại phải sát trùng, cách ly…

Mô hình 3F cũng được Vissan theo đuổi từ lâu. Công ty thực hiện ngăn cách trong trang trại với bên ngoài bằng các hàng rào tường cao, ngăn cản nguồn xâm nhập bên ngoài vào xí nghiệp và khu sản xuất, chăn nuôi; khử trùng, chiếu tia UV với những người ra vào trang trại.

Hoàng Anh Gia Lai thì có phòng xét nghiệm dịch bệnh tại chỗ nên Chủ tịch Hội đồng quản trị Đoàn Nguyên Đức chia sẻ ở hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư giữa tháng 12/2023 rằng, không còn khái niệm dịch tả lợn châu Phi tại Công ty.

Trong khi đó, Dabaco là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nghiên cứu và kiểm nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi. Vaccine có tên ACOVAC-ASF2 đang trong giai đoạn cuối cùng phê duyệt để sản xuất thương phẩm. Nếu vaccine được cấp giấy chứng nhận lưu hành, doanh nghiệp sẽ tự cung tự cấp được vaccine cho đàn lợn, đồng thời đưa vào sản xuất và đẩy mạnh phân phối vaccine đại trà ra thị trường.

“Kể cả khi không còn dịch bệnh và các hộ chăn nuôi quay trở lại nguồn cung thịt, thì phần nào đó người tiêu dùng cũng đã có thay đổi về tư duy, trở nên khó tính hơn trong việc chọn nguồn cung, ưu tiên các sản phẩm thịt sạch có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng”, một thành viên theo dõi thị trường chăn nuôi nêu quan điểm.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, thị trường thịt lợn Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng và các doanh nghiệp áp dụng mô hình 3F sẽ được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi nhu cầu sang thịt sạch ở khu vực thành thị.

Các doanh nghiệp cũng thể hiện sự lạc quan về năm 2024 như Dabaco đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 25.380 tỷ đồng và 730 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% và 28% so với kế hoạch năm 2023.

BAF chưa lên kế hoạch cụ thể cho năm mới, nhưng đặt mục tiêu mở rộng quy mô đàn lợn thịt lên 800.000 con vào cuối năm 2024. VNDIRECT dự báo, năm 2024, doanh thu của BAF Việt Nam có thể tăng 7,4%, nhờ doanh thu mảng 3F có khả năng tăng 24,8%, giúp lợi nhuận ròng ước tính tăng 15,9% so với năm 2023.

Đối với Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức kỳ vọng, lợi nhuận năm nay sẽ cao hơn kết quả năm ngoái khoảng 25%.

Tin bài liên quan