Doanh nghiệp chây ì lên sàn, sẽ báo cáo Thủ tướng

Doanh nghiệp chây ì lên sàn, sẽ báo cáo Thủ tướng

(ĐTCK) Hàng trăm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã cổ phần hóa từ nhiều năm, điển hình là Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn theo quy định tại Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN.

“Trước khi có Quyết định 51/2014, việc lên sàn đối với các DNNN cổ phần hóa mang tính khuyến khích, nhưng kể từ khi văn bản này có hiệu lực từ ngày 1/11/2014, việc lên sàn là bắt buộc. Tuy nhiên, do chưa có chế tài nên các DN tuân thủ chưa nghiêm”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, ông Tiến cho biết, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang triển khai 4 nhóm giải pháp.

Đầu tiền là bắt đầu từ năm nay, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp danh sách các DN không tuân thủ nghĩa vụ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch theo quy định tại Quyết định 51/2014, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu DN.

Thứ hai, UBCK, Bộ Tài chính đang khẩn trương xây dựng chế tài xử phạt đối với các DN vi phạm nghĩa vụ lên sàn. Theo đó, UBCK đã đề xuất bổ sung chế tài xử phạt hành vi này khi xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Dự thảo này đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, với dự kiến sẽ sớm ban hành.

Thứ ba, sau khi có chế tài trên, UBCK sẽ tăng cường kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện các DN vi phạm nghĩa vụ lên sàn để xử phạt. Ông Tiến cho biết, vì hiện chưa có chế tài xử phạt, nên khi Bộ Tài chính đôn đốc DN tuân thủ nghĩa vụ lên sàn, họ tìm cách thoái thác với nhiều lý do để trì hoãn đăng ký giao dịch hoặc niêm yết. Tuy nhiên, sắp tới, sau khi áp dụng chế tài xử phạt mới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá trách nhiệm người đứng đầu DN, cũng như các cán bộ liên quan. Các hình thức xử lý sẽ đánh thẳng vào quyền lợi chính trị của lãnh đạo DN, cũng như tiền lương. Một khi các đối tượng này bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức”, ông Tiến nói.

Thứ tư, cùng với các chế tài nhằm cưỡng chế DN tuân thủ nghiêm quy định đăng ký giao dịch, niêm yết, đại diện Bộ Tài chính cho biết, để hỗ trợ DN thuận lợi hơn khi lên sàn, giải pháp mới đã được đưa ra trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư 196/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Theo đó, hồ sơ cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đồng thời là hồ sơ đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký và là hồ sơ đăng ký lên sàn. Dự kiến văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 9.

Giới đầu tư đang nóng lòng chờ đợi làn sóng lên sàn của các DNNN đã cổ phần hóa, để họ có thêm cơ hội đầu tư. Nhưng bao giờ làn sóng này mới “nổi”, câu trả lời vẫn chờ sự quyết liệt của nhà quản lý cũng như lãnh đạo các DN.

Tin bài liên quan