Một buổi giới thiệu dự án mới của Thắng Lợi Group. Ảnh: Việt Dũng

Một buổi giới thiệu dự án mới của Thắng Lợi Group. Ảnh: Việt Dũng

Doanh nghiệp địa ốc: "Cái khó ló cái khôn"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp địa ốc đang chủ động tìm hướng đi mới khi thị trường được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023.

Linh hoạt thích ứng

Năm 2022 là năm đầy thách thức với nền kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng, bởi nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của dịch bệnh, vướng mắc pháp lý dự án chậm được tháo gỡ, nguồn cung khan hiếm do việc cấp phép dự án bị siết chặt… và trở ngại càng tăng thêm do dòng vốn vào thị trường bị chặn lại, khi cả kênh tín dụng bất động sản lẫn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp đều bị hạn chế.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc đã chủ động tái cơ cấu bộ máy, sản phẩm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực, đồng thời thúc đẩy hoàn thiện pháp lý dự án để sớm đưa sản phẩm ra thị trường.

“Biết là khó khăn sẽ còn kéo dài, nhưng nếu không kiên trì, nỗ lực vượt khó thì sẽ lỡ nhịp khi thị trường hồi phục trở lại”, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME chia sẻ.

Với Thắng Lợi Group, trong năm 2022, bên cạnh công cuộc tái thiết hệ thống vận hành, doanh nghiệp này còn mở rộng thêm các mảng kinh doanh mới, trong đó có bất động sản nông nghiệp xanh.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group chia sẻ, Tập đoàn đặt nhiều kỳ vọng vào hướng đi mới này, bởi đây sẽ là một trong những ngành mũi nhọn thời gian tới. Theo ông Quyền, “bất động sản xanh” là xu hướng của tương lai, Thắng Lợi Group đã nghiên cứu và bước đầu triển khai mảng này để vừa đa dạng hóa hệ sinh thái sản phẩm, vừa phù hợp với xu hướng mới.

“Hiện tại, Windfarm - một công ty thành viên của Thắng Lợi Group đang vận hành mảng bất động sản nông nghiệp xanh, mục tiêu là nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn Organic để mang đến cho thị trường nông nghiệp Việt Nam những trải nghiệm xanh, lành mạnh và thân thiện với môi trường thông qua những sản phẩm nông sản sạch theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Quyền nói.

Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tuyên bố lấn sân sang “vùng đất mới” là bất động sản công nghiệp, bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là phát triển các dự án căn hộ, khu đô thị...

Theo đại diện Phát Đạt, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp theo mô hình mới, mang tính đồng bộ. Trước đó, Phát Đạt đã được tỉnh Đồng Tháp chấp thuận cho nghiên cứu đề xuất đầu tư 3 dự án gồm Khu công nghiệp Cao Lãnh I, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III với tổng quy mô khoảng 2.000 ha, mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 dự kiến khởi công trong năm 2024 với quy mô 1.000 ha.

Ngoài ra, chủ đầu tư này còn nghiên cứu đề xuất dự án Cụm công nghiệp Hàm Ninh (Phú Quốc) quy mô hơn 59 ha, dự kiến khởi công trong năm 2023, trong khi dự án Kho bãi tổng hợp - dịch vụ logistics Tài Tiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) quy mô 24 ha đang trong quá trình triển khai xây dựng.

Khai phá “vùng đất mới”

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực luôn được quan tâm. Ảnh: Việt Dũng

Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực luôn được quan tâm. Ảnh: Việt Dũng

Trên thực tế, khó khăn của người này đôi khi trở thành cơ hội của người khác. Vì thế, giai đoạn khó khăn hiện tại có thể là cơ hội cho những doanh nghiệp mới nổi khi nhiều doanh nghiệp tên tuổi chìm xuống. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển cụ thể, nắm rõ chu kỳ phát triển của thị trường.

“Để giải quyết khó khăn về tài chính, các chủ đầu tư trong nước có thể xem xét thêm nguồn vốn nước ngoài hoặc các đối tác liên doanh. Dựa trên tình hình hiện tại, dự báo năm 2023, thị trường sẽ chuyển biến chậm, phân khúc nhà ở duy trì mức thanh khoản ổn nhưng nguồn cung vẫn hạn chế và tiếp tục vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền. Trong khi đó, các phân khúc bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê… dư địa khai thác vẫn rộng mở khi các doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savill Việt Nam nhận định.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Quyền cho rằng, thị trường bất động sản vốn có tính chu kỳ, khi hết giai đoạn đi xuống sẽ dần phục hồi và đi lên, do đó thị trường cần thêm thời gian để hồi phục.

“Bên cạnh phát triển bất động sản nông nghiệp xanh, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm quỹ đất mới để phát triển dự án nhà ở và đa dạng hóa sản phẩm để có thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng, nhà đầu tư. Cải tổ hệ thống, nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn bị nền tảng vững vàng để sẵn sàng khi cơ hội đến”, ông Quyền chia sẻ thêm.

Tại Tập đoàn Đất Xanh, nhà phát triển bất động sản này có kế hoạch chuyển nhượng các dự án nhỏ (quy mô 1-2 ha) ở TP.HCM để tập trung vào các dự án quy mô lớn hơn ở các địa phương, trong đó đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất lên 4.148 ha thông qua việc mua thêm đất tại các dự án khu đô thị quy mô lớn như Gem Diamond Bay tại Ninh Thuận (915 ha), DXH Opal Green City tại Bình Phước (300 ha), Gem City Riverside tại Quảng Nam (278 ha)...

Để có nguồn tài chính phục vụ mục tiêu phát triển quỹ đất trong dài hạn, bên cạnh nguồn tiền từ việc bán các dự án nhỏ, Đất Xanh sẽ gia tăng sử dụng nợ vay trong giai đoạn 2022-2024, mà trước mắt là phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 60 tháng và nguồn tiền thu về từ đợt phát hành này được dùng để mua 800 triệu cổ phiếu phát hành mới của Công ty Hà An, công ty con phát triển hầu hết dự án bất động sản của Tập đoàn.

Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen, doanh nghiệp bất động sản cần tận dụng tối đa nguồn lực nội tại cũng như hỗ trợ từ bên ngoài, tiết giảm tối đa chi phí hoạt động và có kế hoạch giữ chân người lao động, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.

“Tóm lại, để tăng hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp bất động sản cần áp dụng mô hình 6Rs, bao gồm Respond (thích ứng linh hoạt); Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); Restructure (đẩy mạnh tái cấu trúc); Re-invent (đổi mới, sáng tạo); Risk Management (tăng cường quản lý rủi ro) và Resilience (tăng sức đề kháng, hay nói cách khác là tăng khả năng chống chịu các cú sốc)”, ông Lực khuyến nghị, đồng thời lưu ý rằng, cũng cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023 và các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ để tận dụng cơ hội từ các chính sách đầu tư công.

Tin bài liên quan