Doanh nghiệp địa ốc cởi bỏ “tấm áo chật” vùng miền

Doanh nghiệp địa ốc cởi bỏ “tấm áo chật” vùng miền

(ĐTCK) Nam tiến, Bắc tiến, mở rộng về các địa bàn vùng ven là một trong hình thái mà các doanh nghiệp địa ốc đang theo đuổi nhằm tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.

Doanh nghiệp địa ốc với tâm thế mới

Các xu hướng mở rộng địa bàn đã nhen nhóm từ cách đây khá lâu, khởi xướng từ một số nhà phát triển bất động sản hàng đầu như Vingroup, Sungroup…

Với tiềm lực lớn, các nhà phát triển bất động sản này không bị “bó cứng” trong một địa bàn chính nào, mà vươn ra tìm cơ hội trên cả nước.

Tuy nhiên, xu hướng này chỉ thực sự bùng nổ trong thời gian 1 năm trở lại đây khi tính cạnh tranh tại các thị trường trọng yếu gia tăng khiến các doanh nghiệp buộc phải mở rộng địa bàn hoạt động để tránh rủi ro và phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Tại khu vực phía Nam, có thể kể đến một số nhà đầu tư đang rầm rộ mở rộng địa bàn hoạt động như Him Lam Land khi doanh nghiệp này tiến quân ra Bắc. Kế hoạch “ngược Bắc” của Him Lam bắt đầu bằng việc phát triển một dự án dự án tại Bắc Ninh.

Được biết, Dự án Him Lam Green Park tại Bắc Ninh đang là tâm điểm mới của thị trường bất động sản khu vực phía Bắc, thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng và giới đầu tư thứ cấp. Ngoài Dự án Him Lam Green Park, chủ đầu tư này cũng đang lên kế hoạch đưa ra thêm một dự án tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.

Trong khi đó, đại diện của Hưng Thịnh Corp cho biết, sẽ Bắc tiến với việc vừa phát triển các dự án tại phía Bắc, vừa đem dự án ở phía Nam ra Bắc để bán hàng tại trụ sở giao dịch mới được thành lập tại Hà Nội. Ngoài ra, theo đại diện doanh nghiệp này, Hưng Thịnh cũng tiến hành phát triển dự án tại Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cam Ranh (Khánh Hòa) và là bước tiến dài cho việc phát triển của doanh nghiệp này trong tương lai.

Tương tự, hồi tháng 5/2018, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Daewon - Thuduc (DWTD) - liên doanh giữa Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) và Tập đoàn Daewon, Hàn Quốc (trong đó, Thuduc House sở hữu 40% vốn góp), đã ký hợp đồng thành lập công ty liên doanh với Công ty TNHH Chế tạo công nghiệp và Gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) nhằm góp vốn đầu tư dự án phức hợp tại quận Hà Đông (Hà Nội).

Pháp nhân mới là Công ty TNHH Phát triển nhà SYM - DWTD sẽ phát triển khu văn phòng, trung tâm thương mại cho thuê, chung cư cao tầng, nhà thấp tầng trên nền đất hơn 40.600 m2. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến 115 triệu USD và thực hiện trong 5 năm.

Trước đó, Thuduc House đã tham gia thị trường bất động sản Hà Nội với khu phức hợp Green Pearl (quận Hai Bà Trưng), gồm nhà phố, căn hộ, shophouse. Theo thông tin từ Thuduc House, hiện nhà ở thấp tầng đã được tiêu thụ  hết (có sổ đỏ cho từng nhà), còn khu căn hộ đang triển khai xây dựng, kỳ vọng sẽ giới thiệu trong năm nay.

Ở chiều ngược lại, thị trường bất động sản phía Nam cũng có hiện diện của nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Bắc. Trong đó, cái tên đầu tiên có thể kể đến là TNR Holdings - nhà phát triển bất động sản đang nắm quỹ đất hơn 400 ha tại nhiều đô thị lớn. Sau thành công của khu phức hợp The Gold View (quận 4, TP.HCM), TNR Holdings vừa bắt tay với Công ty Tài Nguyên để triển khai khu biệt thự tại quận 7, TP.HCM. Theo chia sẻ từ TNR Holdings, Công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng quỹ đất tại TP.HCM, đặc biệt ở các khu có thể triển khai dòng sản phẩm cao cấp.

Trong khi đó, hồi cuối tháng 12/2018, sau hàng loạt dự án hạng sang tại Hà Nội, Sunshine Group cũng đã "chào sân" TP.HCM với tổ hợp chung cư cao cấp Sunshine City Sài Gòn tại quận 7. Đại diện Sunshine Group cho biết, để có được những dự án sở hữu vị trí đắc địa nhất và chất lượng cao cấp, chủ đầu tư không ngại chi lớn và Sunshine City Sài Gòn là một minh chứng.

Hải Phát Invest cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường về phía Nam. Hồi giữa tháng 12/2018, Hải Phát Invest đã được UBND TP. Cần Thơ ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án Khu đô thị An Bình (Khu 1, Khu 2) với quy mô lên tới 222,7 ha, tổng mức vốn đầu tư lên tới khoảng 9.052 tỷ đồng.

Trước đó không lâu, Hải Phát Invest cũng đã được UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, Bình Thuận có quy mô lên tới 198 ha, tổng mức đầu tư 9.831 tỷ đồng. Trong đó, Hải Phát Invest tham gia dự án với tỷ lệ 70%. Điểm nhấn với dự này là việc TP. Phan Thiết trở thành Trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc gia theo Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và dự án nằm ngay trong vùng lõi của trung tâm du lịch.

Cũng tại Bình Thuận, Hải Phát Invest đã đấu giá thành công quyền sử dụng đất khu đất 5 ha tại phường Phú Hài, TP. Phan Thiết, Bình Thuận với giá trúng đấu giá là 200,02 tỷ đồng. Theo Ban lãnh đạo Hải Phát Invest, tại khu đất này, doanh nghiệp định hướng phát triển dự án nhà ở thấp tầng kết hợp với các khối nhà cao tầng.

Khi khoảng cách không còn là trở ngại

Theo đánh giá của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty CBRE Việt Nam, xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động là xu hướng chung của các doanh nghiệp thời điểm hiện tại. Nơi đâu có cơ hội là nơi đó có sự tham gia dòng tiền của các chủ đầu tư. Không chỉ Hà Nội, hay TP.HCM, mà có thể thấy rõ xu hướng mở rộng địa bàn về cả các vùng ven, nơi có tốc độ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị ở mức cao.

Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất tại các thị trường chính, cũng buộc các doanh nghiệp phải chủ động trong việc mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh, nhằm tránh tình trạng “đạp chân lên nhau” nếu tiếp tục săn tìm quỹ đất tại các địa bàn trung tâm. Trong những năm gần đây, việc nhiều công trình hạ tầng giao thông được mở rộng, rút ngắn thời gian di chuyển, giúp các nhà phát triển tự tin hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư một khi dự án được triển khai.

Đồng quan điểm, theo đánh giá của một lãnh đạo Hải Phát Invest, việc các doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu sản phẩm sang những vùng đất mới là điều dễ hiểu. Bởi theo xu hướng phát triển, các doanh nghiệp không thể dậm chân một chỗ mà phải luôn tìm tòi, khai phá những vùng đất mới tiềm năng cho các chiến lược dài hơi của mình.

Việc tham gia mở rộng địa bàn ngoài việc gia tăng quỹ đất, còn giúp đẩy mạnh thương hiệu của các doanh nghiệp địa ốc một cách dễ dàng hơn, giúp tạo lợi thế cạnh tranh khi tiến hành huy động vốn hoặc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp này, quan trọng hơn cả là việc mình làm gì và làm như thế nào là hợp lý. Trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, việc chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng là bài toán phải tính tới.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ có sự gạn lọc và ổn định hơn. Thị trường sẽ không quá nóng, không chững lại, mà phát triển theo chiều sâu. Nói cách khác, khách hàng sẽ lựa chọn những chủ đầu tư lớn có thương hiệu, có uy tín và sản phẩm có những giá trị thật sự chứ không thuần túy đầu tư lướt sóng theo thị trường. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tính toán thật kỹ về thị trường trước khi quyết định ra hàng để không lâm cảnh hàng tồn kho.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan