Doanh nghiệp đồng hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

(ĐTCK)  Sáng 21/10, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu”. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức.
Doanh nghiệp đồng hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Các doanh nghiệp là cầu nối đưa hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của người dân ra thị trường, đến với khách hàng trong và ngoài nước. Diễn đàn Hội thảo khoa học “Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Lý luận và thực tiễn” là cơ hội để đại điện chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cùng ký kết các biên bản hợp tác phát triển kinh tế; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, quảng bá thương hiệu và là cầu nối để đưa các sản phẩm, hàng hóa tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng. Đặc biệt, Diễn đàn là lời giải trực tiếp minh chứng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành, chung tay xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần vào thành công chung của nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đồng hành, chung tay của các doanh nghiệp sẽ có nhiều thỏa thuận, biên bản ghi nhớ được ký kết thành công tại hội nghị. Đồng thời, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở, góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của tỉnh nói chung, các sản phẩm tại các Làng văn hóa kiểu mẫu nói riêng vươn xa trên thị trường và xuất khẩu ra ngoài nước.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, đến nay, 4 Làng văn hóa kiểu mẫu của huyện, gồm: Thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân; thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh; thôn Đông, xã Phú Đa và thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh đều đạt từ 46 - 52/58 nội dung tiêu chí thành phần theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh. Đầu tháng 11/2023, huyện sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng toàn bộ 100% khu thiết chế văn hóa của các Làng văn hóa kiểu mẫu.

Theo ông Trung, quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu ở Vĩnh Tường cho thấy sự năng động, sáng tạo của người dân cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp đã làm cho phương thức sản xuất ở khu vực nông thôn có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Cụ thể, ở Làng văn hóa kiểu mẫu thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh, sự kết nối của người dân trồng cỏ, nuôi bò sữa với Công ty Cổ phần chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh đã tạo ra các dòng sản phẩm chế biến từ sữa, tạo nên thương hiệu sữa Vinhtuongmilk. Hay nhờ có vai trò quảng bá, kinh doanh của doanh nghiệp mà sản phẩm của nghề rèn tại thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân không những có mặt khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà còn vươn ra xuất khẩu sang các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh….

Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết đồng hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết đồng hành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Quế Lâm Phương Bắc, Công ty Cổ phần du lịch và thương mại TSUBANME đã giới thiệu sản phẩm, tiềm năng và lợi thế phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, cam kết luôn đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc, bà con nông dân trong phát triển và mở rộng quy mô; bảo đảm thu mua, bao tiêu ổn định các sản phẩm cho người nông dân, đặc biệt là tại các Làng văn hóa kiểu mẫu để cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khởi sắc.

Tại hội nghị, lãnh đạo 9 huyện, thành phố cùng 18 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký Biên bản hợp tác, tiêu thụ sản phẩm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, dịch vụ, thương mại tại các Làng văn hóa kiểu mẫu.

Tin bài liên quan