Ngành dược được coi là “miếng bánh” lớn, hấp dẫn trong dài hạn

Ngành dược được coi là “miếng bánh” lớn, hấp dẫn trong dài hạn

Doanh nghiệp dược phẩm tăng sức hút

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu chăm sóc sức khỏe gia tăng hậu Covid-19 kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp dược phẩm. Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này gần đây sôi động hơn.

Thêm nhiều thương vụ mua cổ phần

Trong tháng 7/2022, SK Investment Vina III (Hàn Quốc) đã mua lại Red Capital - công ty mẹ của Công ty cổ phần Đầu tư KBA, tổ chức sở hữu 7,37% vốn tại Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Imexpharm, mã chứng khoán IMP). Thương vụ này giúp SK Investment Vina III nâng tỷ lệ sở hữu tại Imexpharm từ 46,57% lên 53,94%.

Mặc dù có quyền chi phối Imexpharm, nhưng SK Investment Vina III vẫn muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu nên giữa tháng 8/2022 có thông báo chào mua công khai gần 734.000 cổ phiếu IMP (tương đương 1,1% vốn điều lệ), với giá 66.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Công ty cổ phần Dược phẩm Tipharco (mã chứng khoán DTG), ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) đã mua thêm 1.327.000 cổ phiếu DTG vào ngày 27/7/2022, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,86% lên 45,87%.

Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity vừa có người đại diện theo pháp luật mới là ông Nguyễn Như Nam, thay thế ông Chris Blank kể từ 1/9/2022. Ông Nam là Giám đốc đầu tư của SK Group - cổ đông ngoại sở hữu 14,5% cổ phần Maroon Bells, công ty sở hữu chuỗi nhà thuốc Pharmacity.

Được biết, ông Chris Blank, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Pharmacity tạm thời nghỉ điều hành để chăm sóc sức khỏe tại châu Âu, với lịch nghỉ 8 tuần. Theo quy định, doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam, trường hợp người đại diện xuất cảnh khỏi Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam.

Ông Chris Blank thành lập Pharmacity năm 2011, đến nay, Công ty đã có 1.093 nhà thuốc (cập nhật đến 6/9/2022) tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Một số doanh nghiệp dược khác đang có tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức cao là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG), với 51% vốn nằm trong tay Taisho Pharmaceutical; Công ty cổ phần Traphaco (mã chứng khoán TRA) có hai cổ đông ngoại lớn nhất là Magbi Fund Limited và Super Delta Pte Ltd, với tỷ lệ sở hữu lần lượt 25% và 15,12%; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Domesco, mã chứng khoán DMC) có 51% cổ phần được sở hữu bởi CFR International Spa...

Động lực tăng trưởng

Thống kê kết quả kinh doanh quý II/2022 đối với 28 doanh nghiệp ngành dược cho thấy, tổng doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn doanh nghiệp ghi nhận doanh thu từ hoạt động cốt lõi tăng trưởng.

Các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ dược phẩm đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu chăm sóc sức khỏe được dự báo tăng cao.

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, nhu cầu về thực phẩm chức năng, thuốc kháng sinh và thuốc điều trị trong bệnh viện (như thuốc điều trị ung thư, dung dịch lọc máu) vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành dược trong nửa cuối năm 2022. Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10) nên nhu cầu các loại thuốc hạ sốt (kháng sinh, dịch truyền) gia tăng.

Thực tế, các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ dược phẩm đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nhu cầu chi tiêu chăm sóc sức khỏe được dự báo tăng cao và chi tiêu y tế trở lại bình thường, người dân không còn ngại đến bệnh viện như giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trước đây.

Ở khối bán lẻ, Pharmacity cho biết, bên cạnh mở rộng hoạt động kinh doanh, Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu, tối ưu hóa hiệu quả các nhà thuốc, nơi nào không hiệu quả thì đóng lại và dành nguồn lực cho những khu vực có hiệu quả kinh doanh tốt. Pharmacity vẫn bám sát mục tiêu đề ra đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc, giúp người dân có thể tiếp cận trong vòng 10 phút lái xe.

Mảng bán lẻ dược phẩm cũng được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính cho Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT). Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, về dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của FPT Retail sẽ được thúc đẩy bởi chuỗi nhà thuốc Long Châu, trong khi tăng trưởng lợi nhuận của chuỗi FPT Shop có thể duy trì ở mức 10%. SSI kỳ vọng, chuỗi nhà thuốc hiện đại sẽ tiếp tục giành thị phần từ các nhà thuốc nhỏ. FPT Retail đã đặt mục tiêu sẽ có 3.000 nhà thuốc Long Châu trong 5 năm tới.

Tính đến 6/9/2022, FPT Long Châu sở hữu 761 nhà thuốc trên cả nước, tăng 361 nhà thuốc so với đầu năm. Trước đó, trong tháng 5/2022, FPT Long Châu đã ký kết hợp tác chiến lược với Boehringer Ingelheim Việt Nam triển khai dự án chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi và nâng cao năng lực dược sĩ. Ứng dụng nhà thuốc Long Châu đạt Top 1 nhóm ứng dụng chăm sóc sức khoẻ - y tế, cán mốc 1,5 triệu người dùng vào ngày 30/6/2022.

Nhận định về triển vọng của ngành dược phẩm, FiinGroup cho rằng, Bộ Y tế tổ chức đấu thầu trở lại thuốc và vật tư y tế sau nhiều tháng tạm dừng là thông tin hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp tập trung phân phối qua kênh bệnh viện (ETC).

Dự báo, doanh thu dược phẩm tại kênh ETC sẽ phục hồi mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, qua đó đẩy tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước dịch Covid-19.

Xét toàn ngành dược, trong quý II/2022, doanh thu tăng, nhưng chi phí sản xuất, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính cũng tăng, khiến lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp suy giảm (tổng lợi nhuận của 28 doanh nghiệp nêu trên giảm 15,8% so với cùng kỳ). Mặc dù vậy, ngành dược vẫn được coi là miếng bánh lớn, hấp dẫn trong dài hạn.

Tổ chức IQVIA Institute đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2020 - 2025 là 8%.

Theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm năm 2021 tại Việt Nam là 1,5 triệu đồng, đến năm 2026 có thể đạt 2,1 triệu đồng, mức tăng trưởng là 7,7%.

Fitch Solutions dự báo, năm 2022, doanh thu dược phẩm kênh ETC đạt 118.000 tỷ đồng, kênh nhà thuốc (OTC) đạt 36.700 tỷ đồng; đến năm 2026 lần lượt đạt 166.000 tỷ đồng và 50.000 tỷ đồng, mức tăng trưởng tương ứng là 9% và 7%.

Tin bài liên quan