M&A dự án bất động sản tiếp tục sôi động

0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 7/2025, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc tiếp tục chào bán và tìm mua quỹ đất, dự án bất động sản. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội, thương mại và khu công nghiệp được cả bên bán lẫn bên mua đưa ra.
Hoạt động M&A trên thị trường bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Gia Huy

Hoạt động M&A trên thị trường bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Gia Huy

Thị trường sôi động

Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại TP.HCM vừa thông báo chào bán Dự án khu nhà ở xã hội Thái Dương tại phường Thuận An, TP.HCM. Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương (cũ) chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2025, với vốn đầu tư 1.123 tỷ đồng, quy mô dân số khoảng 1.400 người, gồm 20 lô chung cư 4 tầng (900 căn). Giá bán mà phía Thái Dương đưa ra là 220 tỷ đồng.

Tại phân khúc bất động sản công nghiệp, Công ty cổ phần Him Lam thông báo chào bán Khu công nghiệp Đức Hoà 3 tại xã Đức Hoà, tỉnh Tây Ninh. Doanh nghiệp này cho biết, nếu khách hàng mua sẽ bán các khu đất dành cho nhà máy sản xuất như Minh Ngân, Song Tân, Long Việt, Mười Đây, Liên Thành, Long Đức; đồng thời, sẽ bán đất dịch vụ logistics tại khu Long Đức, với tổng diện tích 7.883.574 m2.

Ngoài ra, Him Lam cũng đang chào bán 2 khu bất động sản nhà ở nằm trong Khu công nghiệp Đức Hoà 3, gồm Khu đô thị Slico Khu đô thị Resco. Trong đó, Khu đô thị Slico có diện tích 316.824 m2 (đất chung cư 29.613 m2, nhà thấp tầng 174.103 m2). Dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2023, chấp thuận nhà đầu tư năm 2024. Giá bán được đưa ra cho khu đất này là 6.680 tỷ đồng.

Còn Dự án Khu đô thị Resco có diện tích 2.149.217 m2 (gồm đất chung cư, nhà ở xã hội là 164.298 m2; đất biệt thự 82.336 m2; đất nhà liền kề 894.617 m2). Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư năm 2024, giá bán là 27.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi doanh nghiệp thông báo chào bán các dự án trên, khá nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu để mua. Tuy nhiên, với mức giá mà phía chủ đầu tư đưa ra, các doanh nghiệp đành bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Địa ốc Hà Đô phía Nam cho biết, ông đã tìm hiểu và có nhu cầu mua Dự án Slico, song với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra, cộng với chi phí phát triển dự án cao, tính khả thi trong kinh doanh không có, nên doanh nghiệp bỏ cuộc.

Mới đây, Công ty Phước Kiểng tại xã Nhà Bè (TP.HCM) cũng chào bán một dự án chung cư với diện tích 1,8 ha tại Nhà Bè. Dự án được chào bán với giá 950 tỷ đồng. Dự án này đã đủ pháp lý cũng như hạ tầng. Theo tìm hiểu, Tập đoàn Khải Hoàn Land đang thương thảo để mua dự án này.

Bà Đức Hạnh, Tổng giám đốc Khải Hoàn Land cho biết, mục tiêu năm 2025 của doanh nghiệp là mua bán - sáp nhập (M&A) 3 dự án bất động sản. Đến thời điểm này, Tập đoàn đã thâu tóm thành công 2 dự án tại tỉnh Bình Dương (cũ).

Ông Đặng Nguyên Khôi, một nhà môi giới dự án bất động sản tại TP.HCM cho biết, trên thực tế, thị trường đang khá sôi động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp ngoại đến từ Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản đang đổ bộ về TP.HCM và các tỉnh phía Nam để tìm kiếm dự án. Điểm chung là các doanh nghiệp này đều yêu cầu dự án phải có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thị trường vẫn vắng bóng “tay chơi” lớn

Thị trường M&A đang diễn ra khá sôi động, song hầu hết đến từ các doanh nghiệp quy mô vừa.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc khối đầu tư Tập đoàn DKRA Group cho biết, thị trường M&A đang diễn ra khá sôi động, song hầu hết đến từ các doanh nghiệp quy mô vừa. Các doanh nghiệp này đang tìm kiếm cơ hội làm chủ đầu tư cũng như chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh dài hơi.

“Nhìn tổng thể thị trường, các doanh nghiệp lớn từng là ông trùm trong việc săn mua các quỹ đất để M&A như Novaland, Hưng Thịnh, Phát Đạt, Phúc Khang… lại đang dừng M&A. Lý do là, các doanh nghiệp này đang tái cấu trúc tài chính và chào bán dự án mua trước đó để dồn vốn tập trung phát triển các dự án hiện hữu”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, các dự án đang được chào bán với mức giá khá cao so với thị trường. Đồng thời, các dự án đang kẹt về pháp lý thường là đất sản xuất, thiếu diện tích đất ở. Ông Thắng cho rằng, thị trường được tạo thêm động lực nhờ Nghị quyết 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Theo đó, doanh nghiệp có thể tìm mua các quỹ đất đang sản xuất có một phần đất ở để chuyển nhượng thành dự án bất động sản, bởi các quỹ đất này được chào bán với giá khá thấp, vị trí đẹp, phù hợp kinh doanh bất động sản.

Ông Phạm Văn Đạt, tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho biết, năm 2023, ông từng xem Dự án Thuận Nghiệp - Dĩ An, diện tích 2,23 ha tại mặt tiền đường DT743C ở Dĩ An thuộc tỉnh Bình Dương (cũ), nay là phường Dĩ An, TP.HCM, nhưng do quỹ đất này thuộc đất sản xuất và chỉ có 100 m2 đất ở, nên ông không mua. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết số 171/2024/QH15, ông quyết định quay lại mua quỹ đất trên với giá 300 tỷ đồng để phát triển dự án bất động sản thương mại.

Tin bài liên quan