Vietnam Airlines đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện kết quả kinh doanh.

Vietnam Airlines đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện kết quả kinh doanh.

Doanh nghiệp gồng mình vượt bão

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh doanh thua lỗ, khó khăn về dòng tiền đang là câu chuyện của nhiều doanh nghiệp. Gồng mình vượt bão, mỗi doanh nghiệp xoay xở theo cách riêng của mình.

Thua lỗ, kinh doanh ảm đạm

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa báo lỗ 10.369 tỷ đồng trong năm 2022, nâng mức lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022 lên 34.000 tỷ đồng. Đại dịch Covid-19 đã “tàn phá” nhiều ngành, trong đó, hàng không là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Công ty âm 10.199 tỷ đồng, trong khi Công ty có khoản nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN đã thuộc diện kiểm soát từ ngày 3/11/2021 do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là số âm. Với việc thua lỗ 3 năm liên tiếp, cổ phiếu HVN sẽ bị huỷ niêm yết theo luật định nếu các chỉ số trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2022 không đổi.

Kinh doanh thua lỗ trong năm 2022 cũng khiến Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (Sacomland) bay hết thành quả của những năm trước đó. Tính đến hết năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty âm 32,4 tỷ đồng. Tình trạng thua lỗ của Sacomland không chỉ xuất phát từ mảng kinh doanh bất động sản gặp khó khăn, mà còn bởi Công ty đầu tư tài chính (cụ thể đầu tư chứng khoán) thua lỗ.

Trong báo cáo tài chính mới công bố, danh mục đầu tư tài chính của Sacomland ghi nhận đầu tư 56,85 tỷ đồng vào chứng khoán nhưng giá trị hợp lý hiện tại chỉ còn 35,2 tỷ đồng, tức Công ty đã lỗ hơn 21 tỷ đồng, tương ứng gần 38% khoản đầu tư. Cổ phiếu mà Sacomland đang đầu tư chủ yếu là HPG, SSI.

Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL), doanh nghiệp ngành sản xuất thép vừa báo lỗ hơn 105 tỷ đồng trong quý IV/2022. Lũy kế cả năm, Công ty lỗ hơn 126 tỷ đồng. Giá nguyên liệu thép cán nóng tăng mạnh khiến chi phí sản xuất tăng mạnh, trong khi mức tăng của doanh thu không đủ bù cho chi phí là nguyên nhân khiến Công ty thua lỗ.

Vietnam Airlines, Samland, hay Đại Thiên Lộc là số ít trong rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn do những cú sốc lớn liên tiếp, từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, giá hàng hóa tăng vọt và lãi suất biến động mạnh…

Bán tài sản và chờ “phao cứu sinh” chính sách

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị nhà bếp chia sẻ, trong lịch sử kinh doanh từ trước tới nay, chưa bao giờ công ty khó khăn như bây giờ, trong đó, khó khăn về dòng tiền là vấn đề mấu chốt. Tiêu thụ chậm, doanh thu giảm, trong khi chi phí lại tăng cao (bao gồm cả chi phí tài chính). Từ cuối năm 2022, doanh nghiệp này đã rao bán tài sản bất động sản để có dòng tiền.

Với Vietnam Airlines, để giải quyết bài toán thanh khoản và những khó khăn hiện tại, Tổng công ty đã mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec). Đây là công ty do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn.

Skypec đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài. Đây là công ty đang “ăn nên làm ra”. Năm 2021, Công ty báo lãi hơn 100 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2022, Tổng công ty chủ động triển khai hàng loạt giải pháp ngắn hạn, dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 và cải thiện kết quả sản xuất - kinh doanh, đồng thời bổ sung nguồn vốn và dòng tiền cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do thị trường quốc tế phục hồi chậm, các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột chiến tranh Nga - Ukraine và các biến động về tỷ giá, lãi suất gia tăng nên hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý IV và cả năm 2022. Bắt đầu từ quý IV/2022, thị trường quốc tế từng bước được phục hồi, hoạt động sản xuất - kinh doanh của hãng cũng có kết quả tích cực hơn trong năm 2023.

Vietnam Airlines đã xây dựng Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, theo đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu, phục hồi và cải thiện kết quả kinh doanh, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập và dòng tiền, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu khi được phê duyệt.

Lãnh đạo Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động kinh doanh của Công ty đã từng bước ổn định và đang chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển.

Bán tài sản cũng là câu chuyện diễn ra ở những doanh nghiệp đang chịu áp lực đáo hạn trái phiếu. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) trong tháng 9/2022 đã bán toàn bộ vốn góp tại nhóm công ty Hạ tầng Sài Gòn, Khánh An và Carava Resort với tổng giá trị chuyển nhượng 4.537 tỷ đồng. Thương vụ này ghi nhận khoản lãi hơn 727 tỷ đồng.

Thời gian qua, thị trường cũng đồn đoán tập đoàn này đang rao bán siêu dự án Thạnh Mỹ Lợi để có dòng tiền đáo hạn trái phiếu cho chủ nợ VPBank.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, năm 2023, riêng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đến hạn thanh toán lên tới 102.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong năm 2023 gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (14.475 tỷ đồng), Công ty cổ phần Saigon Glory (7.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Phát triển bất động sản An Khang (4.960 tỷ đồng).

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành ít có cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn.

Nhiều doanh nghiệp đang trông chờ “phao cứu sinh” từ các chính sách hỗ trợ. Một trong những chính sách được mong chờ là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ, thay đổi kỳ hạn trái phiếu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán các trái phiếu đến hạn trong năm 2023 và 2024.

Doanh nghiệp bất động sản cũng mong chờ các chính sách hỗ trợ lúc này. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì diễn ra vào ngày 17/2, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novaland đã kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2 - 3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Bên cạnh đó, Novaland kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm, nhưng chưa được giải quyết...

Gồng mình vượt bão, mỗi doanh nghiệp đang tự xoay xở nhưng cũng mong các trợ lực chính sách, để sớm tháo gỡ “nút thắt” khó khăn.

Tin bài liên quan