Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA).

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA).

Doanh nghiệp logistics thích ứng để cạnh tranh trong tình hình mới

0:00 / 0:00
0:00
Sự dịch chuyển sản xuất của các tập đoàn lớn vào Việt Nam là cơ hội để doanh nghiệp logistics trong nước tận dụng cơ hội, song thách thức còn rất lớn. “Doanh nghiệp logistics Việt bắt đầu thích ứng để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại trong tình hình mới”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn lớn có kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Đây có phải là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp logistics Việt?

Đúng vậy, sau Covid-19, có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất của nhiều tập đoàn lớn sang Việt Nam. Sự dịch chuyển có 2 luồng. Thứ nhất là dịch chuyển từ các nước chậm mở cửa sau đại dịch. Thứ hai là các doanh nghiệp nước ngoài đã đăng ký đầu tư ở Việt Nam trước đây, chưa triển khai thì bây giờ mới triển khai dự án trên quy mô lớn như Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư nhà máy hơn 1 tỷ USD tại Bình Dương.

Với dự án lớn như vậy, rõ ràng là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vấn đề là, các doanh nghiệp logistics nội sẽ tận dụng cơ hội này thế nào.

Cơ hội thì đã thấy, nhưng thách thức mà doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ gặp phải là gì, thưa ông?

Đầu tiên là chất lượng dịch vụ doanh nghiệp FDI luôn đòi hỏi rất cao. Ngoài chất lượng dịch vụ cao, những tập đoàn lớn còn yêu cầu doanh nghiệp logistics nội phải đáp ứng được các tiêu chí về phát triển bền vững, tiêu chí xanh…

Với các yêu cầu khắt khe như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải có sự đầu tư nhất định về công nghệ, phương tiện, nhân lực… thì mới đáp ứng được yêu cầu các doanh nghiệp FDI. Một thách thức khác đến từ việc nhiều doanh nghiệp FDI thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa nhà máy do khó khăn cũng khiến doanh nghiệp logistics Việt giảm thị phần.

Ngoài 2 thách thức kể trên, doanh nghiệp logistics còn phải đối mặt với thách thức mới là tắc nghẽn trong đăng kiểm và tình hình mất điện ở khu vực miền Bắc.

Bên cạnh đó, do đại dịch Covid-19, tốc độ chuyển đổi số cũng chậm lại. Trong ngành logistics, việc chuyển đổi số là rất cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Tôi cho rằng, cần khởi động lại việc chuyển đổi số theo lộ trình từng bước từ thấp đến cao. Ví dụ số hóa chứng từ vận tải để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng được.

Nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng sử dụng dịch vụ logistics xanh, sạch, thân thiện môi trường. Đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Vậy các doanh nghiệp logistics thích ứng với xu hướng này ra sao?

Nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đầu tư áp dụng các tiêu chí logistics xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện vận chuyển bằng điện thay cho dầu diesel.

Đơn cử, tại Transimex đã đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái để sử dụng cho kho lạnh. Doanh nghiệp cũng chuyển sang sử dụng xe nâng ở kho chạy bằng điện thay thế cho xe sử dụng dầu diesel. VLA cũng khuyến khích doanh nghiệp sử dụng xe vận tải chạy bằng gas để giảm ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI rót vốn vào ngành logistics ngày càng nhiều, cạnh tranh quyết liệt. Theo ông, doanh nghiệp logistics Việt cần làm gì để thích ứng với tình hình mới?

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp logistics cần đầu tư cho công nghệ, nhân lực, áp dụng các tiêu chí chuẩn quốc tế đối với ngành logistics.

Theo quan sát của tôi, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích ứng và cải thiện rất nhiều điểm yếu so với trước. Hiện nay, các dịch vụ nằm trong chuỗi cung ứng như kho vận, vận tải nội địa, doanh nghiệp Việt đã làm chủ được công nghệ và cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Chỉ riêng mảng vận tải quốc tế bằng đường biển và đường hàng không hiện tại còn phụ thuộc nhiều vào hãng tàu và hãng hàng không nước ngoài.

Tin bài liên quan