Hiện có 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành, nhưng chưa được huy động công suất.

Hiện có 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành, nhưng chưa được huy động công suất.

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo “xoay trục”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chính sách cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa được định hình rõ nét, khiến nhiều doanh nghiệp quyết định “xoay trục” mục tiêu, chờ đến khi có tín hiệu mới.

Nguy cơ thua lỗ

Vừa qua, chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Nam Bình 1 là Công ty cổ phần Điện gió Nam Bình (Nam Bình) xin được đưa dự án vào vận hành thương mại, ghi nhận sản lượng điện và tạm ứng 50% khung giá điện mới trong thời gian chờ đợi thoả thuận, đàm phán giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Với khung giá điện được Bộ Công thương ban hành đầu năm 2023 có mức giá trần 1.587,12 đồng/kWh, Nam Bình chấp nhận mức giá 50%, tức xấp xỉ 794 đồng/kWh. Đến ngày 26/4/2023, EVN có công văn giao Công ty Mua bán điện khẩn trương đàm phán, thống nhất mức giá tạm thời cho đến khi hai bên thoả thuận được mức giá điện chính thức.

Ông Trịnh Văn Hà, chuyên gia năng lượng tái tạo, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng, động thái trên của EVN là cho phép các doanh nghiệp muốn đàm phán trước và bán điện theo giá tạm thời bằng 50% giá trần thì được phép bán ngay cho đến khi có giá chính thức.

Trong khi đó, hồi tháng 3/2023, có 36 doanh nghiệp đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện mới.

Các nhà đầu tư lo ngại, cơ chế giá điện không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, giảm khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài do sự thiếu ổn định của chính sách phát triển năng lượng sạch, cũng như ảnh hưởng tới hệ thống tài chính - ngân hàng.

Công ty Chứng khoán ACB cho rằng, mặt bằng giá mới cho năng lượng tái tạo chuyển tiếp giảm sâu sẽ dẫn đến dòng tiền và lợi nhuận âm, không đủ chi trả cho các khoản chi phí hoạt động của doanh nghiệp, nhất là chi phí lãi vay và nợ gốc.

Thực tế, có nhà đầu tư quyết định bỏ dự án, mất vốn đối ứng hàng trăm tỷ đồng, hoặc tiến hành thanh lý máy móc, thiết bị đã đầu tư để có tiền trả nợ ngân hàng.

Do đó, việc Nam Bình đưa ra đề xuất bán điện bằng 50% giá trần cho thấy, doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Được đồng nào hay đồng đấy vẫn tốt hơn là để dự án bất động, không mang lại hiệu quả tài chính, trong khi việc đàm phán giá phát điện dự kiến cần thêm nhiều thời gian bởi những khó khăn hiện tại của EVN.

Năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.235 tỷ đồng. Tập đoàn này có thể sẽ không còn tiền trong tài khoản vào cuối tháng 5/2023, dẫn đến thiếu tiền thanh toán chi phí mua điện từ tháng 6. Để giảm bớt áp lực tài chính, ngày 4/5/2023, EVN quyết định tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 3%.

Thị trường kỳ vọng, việc tăng giá điện lần này sẽ giúp EVN bù lỗ, tích cực đàm phán với các chủ đầu tư và nhanh chóng chốt giá điện cho dự án năng lượng chuyển tiếp. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Hà tính toán, EVN cần phải tăng ít nhất 6,2% giá điện, với điều kiện chi phí phát điện không đổi, thì mới không lỗ.

“Năm nay, thuỷ điện (nguồn điện rẻ nhất) sẽ sụt giảm mạnh, trong khi than dùng cho sản xuất điện than phải nhập khẩu, nên giá thành phát điện càng tăng. Do đó, EVN cần tăng giá từ 8 - 9% may ra mới không bị lỗ”, ông Hà nhận định.

Về những rào cản mà môi trường đầu tư năng lượng tái tạo đang gặp phải, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió, điện mặt trời Bình Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Bình Thuận chia sẻ hai vấn đề lớn.

Thứ nhất, EVN đã cắt giảm công suất nhiều dự án tại một số thời điểm ở các vùng không thể tiêu thụ được hết điện. Việc cắt giảm kéo dài khiến các nhà đầu tư lo lắng. Bản chất của giá FIT (giá điện ưu đãi cố định) là nhà máy điện phát ra bao nhiêu thì EVN phải tiêu thụ và trả tiền bấy nhiêu. Lợi nhuận tính toán vào khoảng 12 - 15%, nên chỉ cần cắt giảm 10% là doanh nghiệp hết lãi, trong khi có những dự án đang bị cắt giảm đến 20%.

Thứ hai, Việt Nam đang thiếu những chính sách gối đầu, xuyên suốt, mà mang tính chất giật cục, nên các nhà đầu tư đang “bơ vơ”. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ sự chán nản và bắt đầu thất vọng. Năm 2020 - 2021, rất nhiều nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, chuẩn bị sẵn sàng cho phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng đến nay dần định hướng sang các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), Philippines.

Xoay trục mục tiêu

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE), giá bán điện phải phù hợp với tình hình phát triển kinh tế. Nhưng với nhà đầu tư, xu hướng đang thụt lùi sau thời gian giá FIT được áp dụng để thúc đẩy năng lượng tái tạo.

“Một số dự án bị chậm trễ trong việc vận hành thương mại nên không thể hoạt động, rơi vào tình trạng nguy hiểm bởi không có doanh thu, không có tiền trả ngân hàng. Vấn đề bây giờ là đang chờ chính sách, chờ Quy hoạch Điện VIII để xem giá điện như thế nào, cách thức trao hợp đồng ra sao”, bà Thanh nói.

Định hướng kinh doanh của REE là tập trung vào lĩnh vực điện, nước và hạ tầng. Trong đó, doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng và ưu tiên đầu tư cho thuỷ điện, bởi đây đang là mảng có nhiều tiềm năng và lợi thế nhất.

Ngoài ra, tính đến cuối quý I/2023, REE có 1.310 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong đó đầu tư chứng khoán 736 tỷ đồng. Bà Thanh cho biết, REE dùng 700 tỷ đồng mua cổ phiếu VIB. Công ty sẽ cân nhắc thoái vốn khi có dự án năng lượng tái tạo lớn.

Lĩnh vực năng lượng tái tạo được đánh giá cao trong dài hạn, nhưng các chính sách hiện tại mang tính chất ngắn hạn khiến các doanh nghiệp lo lắng.

Với Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG), ban lãnh đạo doanh nghiệp này đánh giá cao cơ hội trong dài hạn đối với mảng năng lượng tái tạo, nhưng cho rằng các chính sách hiện tại chỉ mang tính chất ngắn hạn. Vì vậy, Bamboo Capital sẽ tạm thời chờ chính sách và đẩy mạnh mảng xây dựng hạ tầng để tận dụng xu hướng đầu tư công đang được thúc đẩy, thông qua công ty thành viên Tracodi (mã chứng khoán TCD).

Mảng hạ tầng của Tracodi đang được kỳ vọng là điểm sáng giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công và phát triển nhà ở xã hội. Năm 2023, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các gói thầu như đường lăn dự án Sân bay Phan Thiết, dự án xây dựng khu dân cư và hồ điều hoà giáp Khu dân cư Đức Thắng…, đồng thời đề xuất với tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường trục phát triển kinh tế Nam - Bắc.

Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán GEX) cũng có định hướng tương tự. Theo ông Nguyễn Trọng Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Gelex, doanh nghiệp đang cơ cấu lại danh mục đầu tư năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác để tối ưu nguồn lực đầu tư, làm việc với các đối tác lớn và định chế tài chính. Gelex chấp nhận “lùi một bước để tiến hai bước” trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Gelex sẽ đầu tư theo chiều sâu ở mảng sản xuất công nghiệp và phát triển nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp (thông qua đơn vị thành viên Viglacera).

Trong tháng 3/2023, Gelex đã ký kết hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với Frasers Property Vietnam, tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu dự kiến là 6.000 tỷ đồng, cung cấp hơn 500.000 m2 các loại hình nhà xưởng xây sẵn, nhà kho xây sẵn, nhà xưởng và nhà kho xây theo yêu cầu.

Gelex còn muốn phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phát triển quỹ đất, đầu tư các dự án nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khách sạn, văn phòng cho thuê.

Với lợi thế hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, các doanh nghiệp trên có thể linh động xoay trục, tập trung nguồn lực để phát triển những mảng đang có lợi thế và bù đắp cho mảng năng lượng còn “vướng rào” chính sách.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn xác định, năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên theo Quy hoạch điện VIII và Việt Nam còn nhiều tiềm năng để đầu tư lĩnh vực này. Do đó, cùng với việc chờ đợi chính sách, các chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu cơ hội đầu tư và phát triển các dự án tiềm năng khi thị trường thuận lợi.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp). Trong đó, có 28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành, nhưng chưa được huy động công suất.

Tin bài liên quan