Trong bối cảnh sức mua giảm, ngành ô tô đối diện nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh sức mua giảm, ngành ô tô đối diện nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp ngành phân phối ô tô khựng lại vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố khiến đà hồi phục của ngành phân phối ô tô bị hãm lại, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành đang niêm yết như HAX, CTF, SVC...

Doanh thu quý II sụt giảm

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn trong hơn hai quý đầu năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng nhờ chính sách ưu đãi 50% thuế trước bạ ô tô lắp ráp sản xuất trong nước (ban hành theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP), doanh số bán xe đã tăng vọt trong các tháng cuối năm, giúp nhiều doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh cả năm khá khả quan.

Năm 2021, với khởi đầu đầy hứng khởi, các doanh nghiệp ngành ô tô kỳ vọng sẽ có đà tăng trưởng nối tiếp thành công của năm trước, nhưng chính sách ưu đãi thuế trước bạ không còn, cộng với đòn giáng mạnh của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến các doanh nghiệp trong ngành đang phải căng mình chịu trận.

Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) cho biết, hiện Công ty chưa có thống kê doanh số 6 tháng đầu năm, nhưng tình hình bán hàng đang gặp nhiều khó khăn.

Trong quý II/2021, diễn biến của dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn về mặt sản xuất và vận hành các nhà máy lắp ráp tại các khu vực, khả năng cung cấp phụ tùng cho các hoạt động lắp ráp tại các nước châu Á bị ảnh hưởng nặng nề, một số sản phẩm chiến lược thiếu hụt nguồn cung.

Năm nay, Savico đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.191 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 236,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,8% và 5,3% so với năm 2020. Đây là một kế hoạch tăng trưởng thận trọng trong bối cảnh Covid-19.

Thông tin Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã chứng khoán HAX) cho biết, kết quả kinh doanh quý II/2021 của Công ty có sự sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 khiến khách hàng đến các showroom giảm.

Một số showroom của Haxaco tại TP.HCM như showroom Võ Văn Tần hiện đang nằm trong vùng bị phong tỏa, showroom Điện Biên Phủ thì bị tạm dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Năm ngoái, Haxaco đã có sự đột phá về hiệu quả kinh doanh, với doanh thu đạt 5.570 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 125 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8% và 145% so với mức thực hiện năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Haxaco.

Năm 2021, đại hội cổ đông thường niên của Công ty đã thông qua chỉ tiêu lợi nhuận 126 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I/2021 của Haxaco ghi nhận 70 tỷ đồng, bằng 55,5% so với mục tiêu đề ra.

Sau đó, Haxaco có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận lên 200 tỷ đồng. Nhưng diễn biến mới của dịch bệnh đang làm chững lại đà tăng trưởng tích cực của Công ty.

Công ty cổ phần City Auto (mã CTF) thì cho biết, bên cạnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì ngành ô tô còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do thuế, phí tiêu thụ ô tô vẫn rất cao, hạ tầng giao thông kém phát triển, bãi đậu xe chưa được đầu tư đồng bộ…

CTF là đơn vị phân phối ô tô Ford và Huyndai. Năm 2020, CTF chỉ tiêu thụ được 6.484 xe, mới hoàn thành được 83,13% chỉ tiêu, doanh thu thuần đạt 5.644 tỷ đồng (hoàn thành 88,2% chỉ tiêu); lợi nhuận sau thuế đạt 1,43 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 3,6% so với kế hoạch lãi 40 tỷ đồng.

Năm nay, CTF đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh với sản lượng xe kế hoạch tiêu thụ 8.734 xe (tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái), doanh thu đạt 7.380 tỷ đồng (tăng 130%) và lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng (tăng 5.594%). Đây là một kế hoạch tham vọng đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Kích cầu, chờ đại dịch qua đi

Dịch bệnh đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM…

Đặc biệt, tại TP.HCM, dịch bệnh diễn biến ngày một khó lường. Từ 0h ngày 9/7/2021, TP.HCM đã bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trước đó, Thành phố đã có 36 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe Toyota, Ford, Mitsubishi, Mecerdes-Benz… phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi vào cảnh đóng băng.

Trong bối cảnh sức mua giảm, showroom đóng băng, ngành ô tô đối diện với khó khăn hiện hữu. Lượng ô tô tồn kho có xu hướng gia tăng. Các nhà sản xuất, đại lý phân phối ô tô tại Việt Nam tiếp tục lao vào cuộc đua giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng, cải thiện doanh số và xả hàng tồn kho.

Đầu tháng 6/2021, Thaco đã công bố giảm giá nhiều dòng xe. Theo bảng giá Mazda tháng 6/2021, Mazda Việt Nam đang ưu đãi cho khách hàng mua xe từ 25 triệu đồng đến 120 triệu đồng, tùy vào dòng xe và phiên bản. Mẫu xe 7 chỗ CX-8 được hỗ trợ cao nhất đến 120 triệu đồng, mức giá sau khi giảm chỉ từ dưới 1 tỷ đồng cho phiên bản Deluxe.

TC Motor, đơn vị phân phối xe Hyundai tại Việt Nam công bố mức giảm giá mới dành cho 2 mẫu xe là Kona và Elantra. Theo đó, Huyndai Kona giảm 40 triệu đồng đều cho cả 3 phiên bản. 6 Turbo với giá đề xuất 750 triệu đồng sau ưu đãi còn 710 triệu đồng. Hyundai Elantra giảm giá 15 - 20 triệu đồng, tùy phiên bản.

Ford Everest giảm 120 triệu đồng, Subaru Forester i-L giảm 159 triệu đồng, đưa giá bán lẻ xuống còn 969 triệu đồng. Hai phiên bản cao cấp hơn là Forester i-S và Forester i-S EyeSight giảm lần lượt 99 triệu đồng và 79 triệu đồng, giá bán lẻ hạ xuống còn 1,119 tỷ đồng và 1,209 tỷ đồng.

Với hãng Suzuki, Suzuki Ertiga được giảm gần 70 triệu đồng. MG cũng giảm 80 triệu đồng cho mẫu xe MG HS 2.0T AWD Trophy. Vinfast cũng giảm giá sâu. Hãng này vừa công bố hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ cho khách mua xe Fadil, ưu đãi 80 triệu đồng cho Lux A2.0 bản tiêu chuẩn, 60 triệu đồng cho Lux A2.0 bản nâng cao và cao cấp.

Các nhà phân phối xe cũng nỗ lực cắt giảm chi phí, hoa hồng để hạ giá bán xe. Có thể thấy, hàng loạt mẫu ô tô từ xe phổ thông đến xe sang, từ xe lắp ráp trong nước đến xe nhập khẩu đều giảm giá bán trong tháng 6. Dự kiến, các đợt giảm giá sẽ còn kéo dài để kích cầu tiêu dùng.

Song song với điều đó, các doanh nghiệp phân phối xe như Savico tăng cường tiếp thị trực tuyến để thích ứng với tình hình mới.

Doanh số bán xe ô tô tháng 5/2021 đạt 25.585 xe, giảm 15% so với tháng trước đó.

Tới thời điểm này, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) chưa công bố doanh số tiêu thụ xe ô tô 6 tháng đầu năm. Trước đó, Hiệp hội cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường tháng 5 đạt 25.585 xe, giảm 15% so với tháng 4/2021; trong đó, có 17.581 xe du lịch, 7.482 xe thương mại và 522 xe chuyên dụng, tương ứng giảm 14%, giảm 16% và giảm 33% so với tháng trước.

Cũng theo VAMA, tính đến hết tháng 5/2021, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 126.894 xe, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, doanh số bán ô tô năm 2021 sẽ đạt ở mức 330.315 chiếc, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự chuyển dịch cấu trúc đang diễn ra, BVSC kỳ vọng Honda và Ford sẽ lấy lại phần thị phần đã bị mất năm ngoái do ảnh hưởng từ Nghị định 70 (ưu đãi 50% phí thuế trước bạ cho xe lắp ráp trong nước). Toyota kỳ vọng duy trì vị trí cạnh tranh nhờ danh mục sản phẩm lớn và đa dạng.

Các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát và phục hồi sức mua. Hiện CTF có kế hoạch mở dự án Ford Bà Rịa, xây dựng An Phú Ford (thuộc Phú Mỹ Ford- TP.HCM), khởi động dự án Hùng Vương Ford (quận 11, TP.HCM)…

Ngoài ra CTF cho biết có định hướng mở rộng dự án tại các khu vực có tiềm năng tại khu vực Đông Nam Bộ, Trung Bộ và hướng tới đầu tư phát triển mở rộng một số thương hiệu ô tô khác như Nissan, Honda, Mitsubishi…

Theo VAMA, thị trường vẫn có xu hướng tăng trưởng 15% so với năm 2020. Savico cho biết đây là tín hiệu tích cực để hệ thống Savico quyết tâm theo đuổi kế hoạch năm 2021.

Tin bài liên quan