Lãi suất cho vay tăng khiến doanh nghiệp ngành thép càng thêm khó khăn

Lãi suất cho vay tăng khiến doanh nghiệp ngành thép càng thêm khó khăn

Doanh nghiệp niêm yết gồng gánh chi phí tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng đã điều chỉnh từ ngày 27/9/2022, chi phí tài chính của các doanh nghiệp gia tăng trong bối cảnh kinh doanh nhiều khó khăn, thách thức.

Chồng thêm khó khăn

Quý IV thường là quý đóng vai trò quyết định đối với việc doanh nghiệp có hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm hay không. Tuy nhiên, bên cạnh những áp lực hiện hữu như chi phí vận chuyển cao, sức cầu suy giảm thì gánh nặng chi phí tài chính của cộng đồng doanh nghiệp đang tăng lên.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố tăng lãi suất điều hành, ngày 27/9/2022, nhiều ngân hàng đã đồng loạt ra thông báo điều chỉnh biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, với mức tăng khoảng 1%/năm ở một số kỳ hạn. Cùng với đó, lãi suất cho vay ra cũng được các ngân hàng điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho hay, lãi suất đi vay của Công ty đã điều chỉnh từ mức 6,2%/năm lên 6,5%/năm. Với mức lãi suất này, mỗi tháng, chi phí tài chính của TCM tăng thêm từ 50.000 - 70.000 USD (tương đương từ 1,2 - 1,67 tỷ đồng, PV) so với giai đoạn trước.

Bên cạnh vay tiền VND, TCM chủ yếu vay USD. Lãi suất vay USD thấp hơn lãi suất vay tiền đồng, nhưng khoản vay này lại chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến động tỷ giá.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tỷ giá bán USD của Vietcombank đã tăng lên 23.870 đồng/USD, tương ứng mức tăng 4% so với đầu năm. Kịch bản mất giá với tiền đồng khi USD lên giá mà VDSC dự báo cho cả năm 2022 là 4 - 5%. Hiện tại, dù chênh lệch lãi suất VND/USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể nhưng nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt, từ sau quyết định nâng lãi suất điều hành.

Theo VDSC, sức ép lên tỷ giá trong nước là không tránh khỏi. Các doanh nghiệp xuất khẩu là một trong những đối tượng chịu tác động lớn nhất của biến động tỷ giá.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết người tiêu dùng ở Mỹ và EU đang thắt chặt chi tiêu, riêng tại Ý có tới 26% người dân cắt giảm tiêu thụ cá tra do giá cao. Để xuất khẩu được hàng, doanh nghiệp phải giảm giá trong khi chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào cao, khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thép Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) cho hay, việc điều chỉnh tăng lãi suất ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.

“Nhà máy phải cắt giảm năng suất, hàng bán ra bán chậm và giá bán nhiều mặt hàng như thép cán nóng rớt mạnh. Hoạt động kinh doanh năm nay thực sự rất khó khăn, lợi nhuận giảm, thậm chí có khả năng còn thua lỗ”, ông Nghĩa cho hay.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, doanh nghiệp đang đứng trước khó khăn trong vận dụng chính sách và thực tiễn. Nếu doanh nghiệp may sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để làm hàng gia công thì được miễn thuế nhập khẩu, nhưng nếu mua hàng hóa trong nước để sản xuất xuất khẩu thì vừa phải nộp thuế VAT, vừa phải chuẩn bị thuế nhập khẩu của loại nguyên vật liệu đó, bao giờ xuất khẩu mới được hoàn. Trung bình, doanh nghiệp phải thêm khoảng 24% giá trị để mua nguyên liệu trong nước.

Thêm vào đó, theo ông Trường, với tỷ suất lợi nhuận thấp, các phương án kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành càng khó tiếp cận với ngân hàng. Chủ tịch Vinatex kiến nghị các ngân hàng xem xét hỗ trợ lãi suất trong khoản vay ngắn hạn mua nguyên liệu bằng ngoại tệ, góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may trong giai đoạn hiện nay.

Thách thức mục tiêu lợi nhuận năm

Chủ tịch TCM Trần Như Tùng cho biết, chi phí tài chính chiếm khoảng 1,5 - 2% trong cơ cấu doanh thu của Công ty, nên dù có áp lực về tăng chi phí nhưng không phải quá nặng nề. Hiện giá nguyên liệu đầu vào của ngành may đang có xu hướng giảm nhẹ, như giá sợi giảm do nhu cầu tại thị trường Mỹ và châu Âu giảm. Các thị trường này hàng may mặc đang tồn kho nhiều do lạm phát khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho các mặt hàng thiết yếu. Theo ông Tùng, “trong quý IV, nhiều doanh nghiệp dệt may có thể thiếu đơn hàng bởi ảnh hưởng của lạm phát tại Mỹ và châu Âu”.

Riêng TCM, tính đến hết tháng 9, Công ty đã nhận đủ đơn hàng cho quý III và nhận 80% sản lượng đơn hàng theo kế hoạch cho quý IV, đồng thời bắt đầu nhận đơn hàng cho quý I/2023. Về kết quả kinh doanh, Chủ tịch TCM cho biết, tính đến hết quý III, Công ty ước đạt 80% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nỗ lực xoay chuyển tình thế khi thị trường truyền thống như Mỹ, EU gặp khó khăn là điều ghi nhận được ở nhiều doanh nghiệp ngành dệt may xuất khẩu. TCM cho biết, đơn hàng của Công ty tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản không giảm nhiều, nên có thể bù đắp được cho tình trạng đơn hàng sụt giảm ở các thị trường lớn.

“Có thể Công ty không về đích kế hoạch năm, nhưng sẽ nỗ lực đạt hơn 90% mục tiêu đề ra”, ông Tùng tiết lộ.

Không riêng doanh nghiệp ngành may mặc lo ngại khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khác cũng tỏ ra lo lắng. Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà (mã chứng khoán SHE) đang đẩy mạnh mảng xe máy điện và mở rộng vào thị trường miền Nam. Việc đứt gãy nguồn cung của một số doanh nghiệp nhỏ, không lấy được hàng bán mở ra dư địa rộng hơn cho Công ty. Tuy vậy, chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cho hay, áp lực chi phí tài chính tăng khiến Sơn Hà gặp khó khăn hơn và khả năng có thể chỉ hoàn thành 80 - 90% kế hoạch kinh doanh đề ra.

Trong khi đó, nhìn về tình hình ba tháng cuối năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thép Đại Thiên Lộc nhận định, thị trường vẫn diễn biến xấu và Công ty khó có khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.

Năm nay, Đại Thiên Lộc đặt mục tiêu doanh thu 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, đi ngang về doanh thu và giảm một nửa về lợi nhuận so với mức thực hiện trong năm ngoái. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty đạt gần 638 tỷ đồng doanh thu (tức bằng 1/3 kế hoạch năm) và 33 tỷ đồng lợi nhuận (hoàn thành 66% kế hoạch năm). Bối cảnh kinh doanh nhiều khó khăn nên người đứng đầu Công ty tỏ ra thận trọng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành điện tử, điện lạnh cho biết, chi phí vay vốn ngày càng đắt hơn nên Công ty sẽ phải cơ cấu nguồn vốn hợp lý để tối ưu hóa lợi nhuận.

Tiết kiệm tối đa các chi phí quản lý, chi phí bán hàng để có được lợi nhuận là giải pháp đang được các doanh nghiệp thực hiện để giảm áp lực chi phí tăng cao như hiện nay.

Tin bài liên quan