Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dù được khuyến khích, nhưng vẫn khó triển khai vì thiếu quỹ đất và khó tiếp cận ưu đãi

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao dù được khuyến khích, nhưng vẫn khó triển khai vì thiếu quỹ đất và khó tiếp cận ưu đãi

Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thiếu quỹ đất, khó tiếp cận vốn ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
Thiếu quỹ đất, khó tiếp cận vốn ưu đãi… là những thách thức mà các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM gặp phải.

Có đất, nhưng không xây dựng được

Vướng mắc trong xin giấy phép sử dụng đất xây công trình phụ phục vụ nông nghiệp đang là khó khăn của nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay.

Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM (huyện Củ Chi) cho biết, hiện doanh nghiệp này có khoảng 3.300 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do gặp khó khăn khi xin cấp phép xây dựng các công trình phụ trên đất nông nghiệp, nên doanh nghiệp đang bị vướng khi có đất mà không sử dụng được.

“Chưa xin được giấy phép, chúng tôi chưa xây được nhà kho, nhà vệ sinh cho công nhân, nên hoạt động của công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều”, đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Thành, đại diện HTX nông nghiệp Xuân Lộc (quận 12) chia sẻ, cơ sở sản xuất này cũng gặp khó trong việc xin cấp giấy phép loại đất “nông nghiệp khác” dùng để xây các công trình như nhà kính, nhà lồng, chuồng trại chăn nuôi…

Theo ông Thành, chậm trễ trong cấp giấy phép sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển kịp thời theo định hướng công nghệ cao, bởi để đầu tư những dự án này cần hàng tỷ đồng, doanh nghiệp không thể mạo hiểm vướng pháp lý. Công nghệ cao lại là lĩnh vực thay đổi nhanh, nếu chậm chân thì chỉ có thể đi sau, nên việc chậm trễ, khó khăn trong cấp giấy phép xây dựng trên quỹ đất nông nghiệp khiến doanh nghiệp khó thực hiện được việc làm nông nghiệp công nghệ cao.

Trước thực tế trên, Sở Xây dựng TP.HCM giải thích, mặc dù là sản xuất nông nghiệp, nhưng khi có cấu phần xây dựng công trình phụ trợ, buộc phải tuân theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quản lý đầu tư xây dựng.

Để hỗ trợ ngành nông nghiệp, TP.HCM đã có chủ trương thí điểm xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác trên địa bàn Thành phố. Tại các huyện thí điểm, cơ sở sản xuất được xây dựng công trình phụ trợ như nhà kho chứa phân bón, sơ chế… trên đất nông nghiệp khác.

Đại diện Sở Xây dựng cho rằng, chính sách thí điểm này là hoàn toàn cần thiết, nhưng vừa qua, Bộ Tư pháp đã nhắc nhở vì nội dung văn bản không phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật. Hiện TP.HCM đang rà soát các huyện thí điểm chính sách này, đánh giá lại quá trình thực hiện, báo cáo Trung ương để có giải pháp thích hợp.

Chưa tiếp cận được ưu đãi

Mặc dù khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chỉ chiếm 0,5% trong GRDP của TP.HCM, nhưng ngành nông nghiệp có vị trí rất quan trọng, góp phần đảm bảo cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm sạch, an toàn cho hơn 10 triệu dân Thành phố và phục vụ xuất khẩu. Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 2,15% so cùng kỳ và đóng góp 0,3% vào tốc độ tăng GRDP.

Mặc dù Nhà nước đã ban hành không ít chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao, song nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó để tiếp cận với những ưu đãi này.

Ông Phạm Thành Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình cho biết, doanh nghiệp của ông đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây giống dược liệu, trồng, chế biến sau thu hoạch, tinh chế và tạo sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồng thời cung cấp dây chuyền công nghệ trồng rau khí canh trụ đứng Ero Farm.

Nhưng từ khi thành lập đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn phải dựa vào nguồn vốn tự thân là chính.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lộc cho biết, nguyên nhân do thời gian qua, lãi suất ngân hàng đã tăng vọt, lên tới 12 - 15%, hiện tại tuy có dấu hiệu hạ nhiệt, song vẫn ở mức mà doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải thận trọng về bài toán tài chính.

Khi được hỏi, liệu có dễ tiếp cận các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hay không, ông Lộc cho hay, tuy ông đã làm việc nhiều với Sở KH&CN TP.HCM, nhưng chỉ làm về mặt công nghệ, giấy tờ, bằng sáng chế là chủ yếu. Về các chính sách ưu đãi, hầu hết doanh nghiệp phải tự tìm hiểu, tiếp cận.

Thậm chí, đôi khi có những chính sách như giảm lãi vay cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, nhưng giấy tờ, thủ tục xác minh quá phức tạp, khiến doanh nghiệp nản lòng.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, ở thời điểm lãi suất neo cao, doanh nghiệp này nằm trong nhóm ngành hàng được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn, song không được hưởng những ưu tiên đó.

“Ngay khi có chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước, Công ty Trung An đã liên hệ với các ngân hàng thương mại để làm thủ tục vay vốn ưu tiên. Tuy nhiên, các ngân hàng đều trả lời là cần chờ hướng dẫn của hội sở, cơ sở ngân hàng chưa có gói ưu đãi này”, ông Bình nói.

Tin bài liên quan