Giá gạo xuất khẩu gần đây có diễn biến tăng.

Giá gạo xuất khẩu gần đây có diễn biến tăng.

Doanh nghiệp nông nghiệp sáng cửa về đích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành nông nghiệp ghi nhận lợi nhuận quý II tăng trưởng trên 50%, nhưng có sự phân hóa lớn giữa các lĩnh vực cũng như giữa các doanh nghiệp và dự kiến quý III cũng vậy.

Duy trì đà tăng trưởng

Lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN Group, mã chứng khoán PAN) chia sẻ, 9 tháng đầu năm 2022, ước tính doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.900 tỷ đồng, tăng 53%, lợi nhuận sau thuế đạt 537 tỷ đồng, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2021, biên lợi nhuận gộp tăng từ 16% lên 19%.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng thủy sản chiếm 51%, nông nghiệp chiếm 35%, còn lại là hàng tiêu dùng, bánh kẹo, hạt điều, nước mắm. Mặc dù doanh thu mảng nông nghiệp đứng thứ hai sau thủy sản, nhưng lại đóng góp 41% trong cơ cấu lợi nhuận, còn thủy sản đóng góp 35%, hàng tiêu dùng đóng góp 13%...

Theo lãnh đạo PAN Group, trong năm 2022 và 2023, nông nghiệp và thủy sản sẽ đóng vai trò trụ cột cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của Công ty, đây là hai mảng mà doanh nghiệp đầu tư sớm hơn so với mảng hàng tiêu dùng.

Hiện nay, tình trạng khan hiếm nông sản trên thế giới chưa được cải thiện, các mặt hàng cơ bản như gạo đang có xu hướng tăng giá, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước.

Ông Phạm Thái Bình, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR) cho biết, đầu tư vào ngành hàng lúa, gạo theo hướng công nghệ cao, bền vững là chiến lược lâu dài mà doanh nghiệp đã thực hiện từ gần 10 năm nay. Năm 2022 và các năm kế tiếp, Trung An sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn khi các kết quả từ việc đầu tư trước đó dần được thể hiện, bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng vùng trồng nguyên liệu, phát triển chuỗi sản phẩm từ gạo và một số lĩnh vực kinh doanh khác. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, Công ty sẽ đầu tư phát triển lúa, gạo hữu cơ trên diện rộng.

Ngoài ra, Trung An đã ký kết hợp đồng lắp đặt nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguyên liệu than bùn, công nghệ hiện đại của châu Âu để cung cấp phân bón hữu cơ cho các cánh đồng mà doanh nghiệp liên kết tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng tối thiểu 200.000 tấn/năm, tương ứng doanh số 1.215 tỷ đồng/năm.

Nửa đầu năm 2022, Trung An ghi nhận doanh thu 1.723 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận sau thuế 50,6 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái. Chưa có số liệu về kết quả kinh doanh quý III/2022, nhưng ông Bình cho rằng, Công ty sẽ duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, mức tăng có thể thấp hơn so với nửa đầu năm. Sự tăng trưởng của Trung An chủ yếu do giá bán ổn định, trong khi chi phí nguyên vật liệu sản xuất có giá thành tốt, mang lại lợi nhuận gộp cao hơn so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset mới đây đưa ra dự báo, doanh thu năm 2022 của Trung An có thể tăng 10% so năm 2021, đạt 3.432 tỷ đồng, nhờ sản lượng xuất khẩu tăng; lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 53%.

Nỗ lực về đích

Xuất khẩu gạo và chăn nuôi lợn là hai lĩnh vực có những tín hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận khả quan, đến cuối năm có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra.

Năm 2022, PAN Group đặt kế hoạch đạt 14.300 tỷ đồng doanh thu và 755 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết thúc quý III/2022, Công ty đã hoàn thành được 70% kế hoạch doanh thu và 71% kế hoạch lợi nhuận cả năm, cao hơn so với mức thực hiện từ 55 - 65% kế hoạch năm sau ba quý của những năm trước. Trong khi đó, lãnh đạo PAN Group nhận định, quý IV năm nay sẽ là mùa cao điểm của mảng nông nghiệp cũng như thủy sản và tiêu dùng. Do vậy, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Dabaco, mã chứng khoán DBC), doanh nghiệp này đang nỗ lực “thay đổi tình thế” sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Dabaco khiến cổ đông bị “sốc” khi công bố mức lợi nhuận sau thuế quý II chỉ đạt 14,3 tỷ đồng, giảm 93,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Công ty lãi gần 23 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ. Nguyên nhân lợi nhuận lao dốc chủ yếu do tốc độ tăng giá vốn cao hơn tốc độ tăng doanh thu, dẫn tới lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dabaco Nguyễn Như So khẳng định, Công ty không có ý định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022, mà phấn đấu để hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Năm 2022, Dabaco đặt kế hoạch đạt doanh thu 22.558 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với năm 2021. Như vậy, theo quyết tâm của lãnh đạo Dabaco, doanh nghiệp cần đạt gần 900 tỷ đồng lợi nhuận trong 2 quý cuối năm 2022. Đây là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp lấy chăn nuôi lợn làm mảng hoạt động chính này, dù trong quý III, giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt. Chi phí thức ăn chăn nuôi vốn chiếm khoảng 75% tổng chi phí chăn nuôi hiện nay cao hơn 20% so với đầu năm (giá ngô, lúa mì và đậu nành tăng lần lượt 26%, 18% và 25%), trong khi 2 tháng trước cao hơn trên 30%.

Đối với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG), giai đoạn khó khăn đã trôi qua khi từ đầu năm 2022 đến nay liên tục lãi cao. Số liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 8/2022, HAGL ghi nhận 193 tỷ đồng doanh thu đến từ mảng cây ăn trái, chiếm 43% cơ cấu doanh thu, mảng chăn nuôi mang về 195 tỷ đồng và nhóm ngành phụ trợ mang lại 60 tỷ đồng. Về sản lượng tiêu thụ từng ngành, Công ty đã xuất ra thị trường 30.114 con lợn thịt và 28.487 tấn cây ăn trái, trong đó, chuối xuất khẩu đạt 12.484 tấn. Lợi nhuận sau thuế trong tháng 8 đạt 123 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, HAGL ghi nhận sản lượng tiêu thụ 136.075 con lợn thịt, 167.280 tấn chuối (xuất khẩu 112.740 tấn, làm thức ăn chăn nuôi 54.540 tấn). Công ty thu về 2.708 tỷ đồng doanh thu, trong đó, 779 tỷ đồng đến từ mảng chăn nuôi, 1.472 tỷ đồng mảng cây ăn trái và 457 tỷ đồng nhóm ngành phụ trợ. Lợi nhuận sau thuế đạt 781 tỷ đồng, bằng 69% chỉ tiêu đề ra cho năm 2022.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL chia sẻ, Công ty may mắn tìm ra mô hình tuần hoàn “1 cây - 1 con” là chuối và lợn. Lợn ăn chuối phụ phẩm, còn chất thải chăn nuôi được xử lý để bón cho trang trại chuối. Mô hình này đã giúp Tập đoàn “thoát nạn” (năm 2020 lỗ lớn) và bước sang trang mới. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022, thậm chí vượt mục tiêu.

Tin bài liên quan