Doanh nghiệp nước ngoài kêu khó… nộp phí công đoàn

(ĐTCK) Tại buổi đối thoại với DN về Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2015, nhiều đại diện Hiệp hội DN nước ngoài đã phản ánh nhiều khó khăn trong việc thực hiện quy định về nộp phí công đoàn, cũng như xin giấy phép cho lao động.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Luật sư Miki Yasufumi, đến từ Văn phòng luật sư Anderson Mori& Tomotsume Nhật Bản đặt câu hỏi: Luật pháp Việt Nam quy định, DN phải đóng phí công đoàn cho người lao động, tuy nhiên, với những DN không có tổ chức công đoàn thì việc đóng phí ra sao và đóng ở đâu? Những công ty không đóng phí công đoàn có bị phạt hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: “Điều 26, Luật Công đoàn quy định, tất cả các DN đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam dù có hay không tổ chức công đoàn cũng phải đóng phí công đoàn. Trong tổng số phí này, 65% để lại cho công đoàn cơ sở, 35% còn lại nộp cho công đoàn cấp trên.

Hiện chúng tôi đang chuẩn bị sửa đổi Nghị định 95 về xử phạt các hành vi vi phạm Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn, trong đó, có bổ sung quy định về xử phạt hành vi không đóng phí công đoàn. Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định của Luật Công đoàn trong dự thảo cao nhất là 75 triệu đồng và nếu DN không đóng phí, Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án”.

Đối với việc thu phí công đoàn tại những DN không có tổ chức công đoàn, ông Chính cho biết, ngày 8/12 tới , Bộ Tài chính và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ ký kết hợp tác. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ giao cho Tổng cục Thuế kiểm tra việc đóng thuế của các DN và việc đóng phí công đoàn. Đến hết thời hạn kê khai thuế, mà DN không kê khai kinh phí công đoàn sẽ không được khấu trừ các chi phí hợp lý hợp lệ và còn bị xử phạt.

“Đối với những DN không có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên phải có trách nhiệm thông báo cho DN đó biết thời gian, nơi đóng kinh phí công đoàn. DN làm dự toán chi như nơi có công đoàn cơ sở để quyết toán với công đoàn cấp trên”, ông Chính thông báo.

Chưa hài lòng với câu trả lời này, luật sư Veera Maenpaa, từ Văn phòng luật Pricewaterhouse Coopers Việt Nam cho biết, văn phòng luật của bà đã có một khảo sát với khoảng 1.000 DN về việc đóng phí công đoàn, thì thấy có 60% công ty có công đoàn và 40% không có công đoàn.

“40% công ty không có công đoàn cơ sở đã tiếp xúc với các cấp công đoàn để hỏi quy trình thanh toán phí công đoàn. Dù cố gắng thanh toán loại phí này, nhưng nhiều DN thực sự không biết đóng như nào, vì vậy, nếu phạt họ cũng rất tội nghiệp”, bà Veera phản hồi và phản ánh thêm, ngoài vấn đề phí công đoàn, việc cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài ở Việt Nam đang ngày càng khó khăn hơn.

Trả lời về việc đóng phí công đoàn, ông Chính cho rằng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao trách nhiệm thu phí này cho công đoàn cấp quản lý trực tiếp DN hoặc liên đoàn lao động tỉnh, thành phố. “Tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị này thông báo cụ thể cho DN chưa có công đoàn cơ sở về vấn đề này. Tất nhiên, nếu 2 đơn vị này chưa thông báo thì DN chưa đóng phí, không thể bị xử phạt”, ông Chính nhấn mạnh.

Đối với câu hỏi về cấp phép lao động nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Việt Nam chỉ sử dụng lao động nước ngoài trong những công việc người Việt Nam chưa làm được, như chuyên gia, kỹ sư. Nhưng thực tế, nhiều người lao động nước ngoài tại Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu này.

“Mới đây, chúng tôi cũng đã điều chỉnh một số quy định về cấp phép cho người lao động nước ngoài. Còn thời gian cấp giấy phép cho lao động nước ngoài được quy định tối đa là 15 ngày. Việc kéo dài thời gian làm thủ tục cấp phép như DN phản ánh là do khâu chuẩn bị hồ sơ. Tuy nhiên, những vấn đề này chúng tôi sẽ ghi nhận để đầu năm 2015 khi nghiên cứu sửa Nghị định 115 về lao động, chúng tôi sẽ có thay đổi cho phù hợp”, ông Huân nói và cho biết, những bất cập trong quy định về giấy khám sức khỏe cho lao động nước ngoài được các Hiệp hội DN nước ngoài phản ánh mới đây sẽ được xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp hơn khi sửa đổi Nghị định 115. 

Được biết, trong Bộ luật Lao động mới, đã bổ sung thêm các loại hình lao động. Tuy nhiên, với 2 loại hợp đồng lao động có xác định thời hạn, trong trường hợp hết thời hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc trong thời hạn 30 ngày mà hai bên không tiến hành giao kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động có xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn 24 tháng. Bộ luật mới cũng bổ sung mức tiền mà người sử dụng lao động phải bồi thường ngoài khoản trợ cấp thôi việc ít nhất bằng hai tháng lương, trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động trở lại làm việc.

Tin bài liên quan