Nhu cầu tiêu thụ và giá bán than trong nước đều tăng.

Nhu cầu tiêu thụ và giá bán than trong nước đều tăng.

Doanh nghiệp than thắng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiệt điện than sẽ bị thu hẹp đáng kể trong cơ cấu nguồn điện, đó là mục tiêu dài hạn mà Việt Nam đang hướng tới. Còn trong ngắn hạn, khi thủy điện đang bị ảnh hưởng nặng nề từ El Nino, điện than được tăng cường huy động. Doanh nghiệp ngành than cũng “ăn theo” diễn biến đó.

Tăng huy động nhiệt điện than

Ngày 18/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã họp với một số bộ, ngành, đơn vị liên quan về các giải pháp nhằm bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước. Bên cạnh đó, các nhà máy điện sử dụng than từ ngoài nước triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước than của các nhà máy khác.

Nhu cầu sử dụng điện tăng vọt khi cả nước bước vào cao điểm nắng nóng. Trong khi đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino, tổng lưu lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ dự báo sẽ thấp hơn từ 15 - 35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15 - 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10 - 25%

so với trung bình nhiều năm. Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện.

Thực tế, các hồ thuỷ điện khu vực miền Bắc tiếp tục ghi nhận việc nước về kém. Tính đến ngày 11/5/2023, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua. Riêng tháng 4 và đầu tháng 5, nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm. Một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.

Trong bối cảnh này, các nhà máy nhiệt điện được tăng cường huy động để đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của người dân, doanh nghiệp. Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) cho biết, kế hoạch sản lượng điện sản xuất điện trong năm nay đạt 3.894,17 kWh, tăng 22% so với thực hiện năm ngoái. Than, nhiên liệu chính của nhà máy nhiệt điện, được xác định có tầm quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung điện trong thời gian tới.

Hưởng lợi kép, doanh nghiệp than báo lãi tốt

Không chỉ hưởng lợi từ sức cầu thị trường, các công ty than được hưởng lợi từ diễn biến giá bán than. Cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, hai nhà cung cấp năng lượng lớn (than, dầu mỏ, khí đốt) đẩy giá than tăng cao. Giá bán than trong nước cũng tăng ăn theo giá thế giới. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại, chi phí nguyên liệu trung bình trong quý I tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022 và đà tăng vẫn tiếp tục duy trì trong quý II. Dù không liên thông hoàn toàn so với giá than trên thị trường thế giới, nhưng giá bán than trong nước đã điều chỉnh theo hướng tăng lên.

Các doanh nghiệp ngành than đã hưởng lợi tích cực từ diễn biến này. Quý I, Công ty cổ phần Than Cao Sơn (mã CST) báo lãi 87 tỷ đồng, tăng trưởng 348% so với cùng kỳ năm ngoái. Quý trước đó, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận 200%.

Quý I, Công ty cổ phần Than Cao Sơn (mã CST) báo lãi 87 tỷ đồng, tăng trưởng 348% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Công ty cổ phần Than Cao Sơn đặt kế hoạch doanh thu đạt 9.838 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 144 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, Công ty đã thực hiện được 60% kế hoạch lợi nhuận năm.

Công ty cổ phần Than Vàng Danh (mã TVD) vừa báo lãi hơn 30 tỷ đồng trong quý I, ghi nhận mức tăng trưởng 162% so với cùng kỳ. Quý cuối năm 2022, Công ty có mức tăng trưởng lợi nhuận 122%, với 148 tỷ đồng.

Lãnh đạo Than Vàng Danh cho biết, năm 2023, do nhu cầu sử dụng than trên thế giới tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng, cùng với giá bán than nhiệt liên tục biến động và chiến sự Ukraine làm cho việc tìm nguồn nhập khẩu than càng trở nên khó khăn hơn, đẩy nhu cầu sử dụng than trong nước tăng cao.

Năm nay, Than Vàng Danh dành 457 tỷ đồng đầu tư xây dựng. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư dự án cải tạo mở rộng khai thác lộ thiên V4 -V8a, mỏ than Vàng Danh, cải tạo Nhà máy tuyển Vàng Danh 1; đầu tư xây dựng trạm xử lý nước sinh hoạt; các dự án đầu tư thiết bị phục vụ đào lò, đầu tư thiết bị duy trì; dự án đầu tư thiết bị khai thác bằng dàn chống mềm, máy đào lò... Công ty đặt kế hoạch sản xuất 3,435 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ 3,515 triệu tấn than sạch; doanh thu ghi nhận đạt 6.287 tỷ đồng và mức lợi nhuận dự kiến là 156 tỷ đồng; cổ tức dự kiến 8%.

Công ty cổ phần Than Mông Dương (mã MDC) có lợi nhuận quý I/2023 đạt 14 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cổ phần Than Đèo Nai (mã TDN) báo lãi 10,8 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ.

Điểm chung của các doanh nghiệp than là đều đặt mục tiêu kinh doanh theo hướng thận trọng. Như Than Đèo Nai đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.749 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,4% về doanh thu và 9,6% với thực hiện của năm ngoái. Trong khi đó, Than Cao Sơn đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 67% so với năm ngoái.

Tất nhiên, Than Đèo Nai cũng như các doanh nghiệp ngành than đối mặt với không ít thách thức như giá vật tư đầu vào tăng, điều kiện khai thác khó khăn hơn khi ngày càng xuống sâu, việc tuyển dụng nhân sự không dễ... Song, bối cảnh thị trường năm 2023 vẫn đang “ủng hộ” các doanh nghiệp ngành này.

Tin bài liên quan