Nhiều doanh nghiệp mong muốn chuyển sàn sang HOSE để được tham gia sân chơi lớn hơn

Nhiều doanh nghiệp mong muốn chuyển sàn sang HOSE để được tham gia sân chơi lớn hơn

Doanh nghiệp vẫn “khoái” chuyển sàn

(ĐTCK) Việc chuyển sàn giao dịch chứng khoán của các doanh nghiệp đại chúng dự kiến sẽ diễn ra sôi động trong 6 tháng cuối năm, bởi tại nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2018, phương án này đã được cổ đông chấp thuận.

Buông tay UPCoM

Trong 6 tháng đầu năm 2018, có gần 20 doanh nghiệp đã thực hiện việc thay đổi sàn niêm yết chứng khoán. Trong khi một số doanh nghiệp từ sàn UPCoM hoặc HNX chuyển sàn sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thì cũng không thiếu mã cổ phiếu từ hai sàn niêm yết phải chuyển xuống giao dịch tại UPCoM bởi hoạt động thua lỗ.

Theo quy định, các doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa cần đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Đây cũng được xem là nơi tập dượt của các cổ phiếu trước khi lên niêm yết. Sau một thời gian thử sức, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho việc rời UPCoM để chính thức lên niêm yết trên hai sở giao dịch chứng khoán.

Chính thức giao dịch trên UPCoM từ ngày 3/1/2017, Vietnam Airlines đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ đưa cổ phiếu HVN lên niêm yết tại HOSE. Trước đó, Vietnam Airlines dự kiến hoàn thành kế hoạch này trong quý II/2018, tuy nhiên tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết quá trình này sẽ thực hiện trong quý III sau khi hoàn tất lần phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm của cổ đông nhà nước.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB) và ANA Holdings cùng các lãnh đạo Vietnam Airlines đã thực hiện quyền mua cổ phiếu HVN trong đợt đấu giá quyền mua của Bộ Giao thông Vận tải. Dự kiến, việc chuyển sàn của HVN sẽ kịp thực hiện trong năm nay.

Trong khi đó, vừa mới chào sàn UPCoM từ tháng 3/2018, Tổng công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Việt Nam – PV Power đã rục rịch trình kế hoạch chuyển lên niêm yết trên HOSE. Thời điểm thực hiện và thủ tục sẽ được ủy quyền cho Hội đồng quản trị.

Ở phía doanh nghiệp tư nhân, cổ đông của CTCP Thực phẩm đông lạnh KIDO – KIDO Foods cũng đã thống nhất dừng đăng ký giao dịch 56 triệu cổ phiếu KDF trên UPCoM để chuyển niêm yết lên HOSE. Thời gian thực hiện dự kiến trong khoảng từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019.

Theo Ban lãnh đạo KIDO Foods, đến tháng 10/2018, Công ty về cơ bản đã thỏa mãn các điều kiện để niêm yết trên HOSE. Việc niêm yết trên HOSE sẽ giúp cổ phiếu của doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nhà đầu tư hơn, phản ánh đúng giá trị và gia tăng tính thanh khoản, tối đa hóa giá trị đầu tư cho cổ đông.

Số lượng doanh nghiệp chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE sẽ còn tăng, bởi các doanh nghiệp lớn như CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN), CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) đã tính toán phương án niêm yết trong 2018 – 2019.

Làn sóng “di cư” từ HNX sang HOSE chưa giảm

HNX vẫn đang đối mặt với làn sóng doanh nghiệp chuyển sang niêm yết trên HOSE. Thống kê sơ bộ trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 8 doanh nghiệp đã rời HNX để chuyển qua sân chơi mới.

Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cũng đã tính chuyển từ HNX sang HOSE tại Đại hội đồng cổ đông 2017 theo kiến nghị của nhiều cổ đông, nhằm nâng cao hình ảnh, quảng bá thương hiệu, tiếp cận các nhà đầu tư để tạo thuận lợi trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện được, bởi còn vướng mắc ở một số công nợ quá hạn theo hợp đồng. Sau khi xử lý được, phương án chuyển sàn sẽ được tiến hành.

Hiện tại, một số doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Viglacera cũng đã nhận được sự chấp thuận của cổ đông để triển khai hoàn tất các thủ tục trong quý IV/2018 cho mục đích chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE. Cổ phiếu VPI của CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest vừa niêm yết trên HNX từ tháng 11/2017 song đến tháng 6/2018 cũng đã nhanh chóng chuyển lên HOSE.

Trong danh sách chuyển sàn tới đây còn có cổ phiếu PHC của CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings và CTP của CTCP Cà phê Thương Phú. PHC cho biết, việc thay đổi này nhằm nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu bởi các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ ngoại thường ưu tiên đầu tư các mã chứng khoán trên HOSE hơn.

Mặc cho chủ trương sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán về một đầu mối, nhiều doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX vẫn có tâm lý muốn chuyển sàn sang HOSE để được gia nhập sân chơi lớn hơn, với kỳ vọng giá và thanh khoản tốt hơn để có thêm lợi thế trong việc huy động vốn cho doanh nghiệp. 

Tin bài liên quan