Chi phí nhân công tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp xây lắp vẫn không dễ tuyển lao động

Chi phí nhân công tăng nhanh, nhưng doanh nghiệp xây lắp vẫn không dễ tuyển lao động

Doanh nghiệp xây lắp: “Gắng sống đến bình minh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù thị trường bất động sản quý II/2023 được nhiều thành viên dự báo tích cực hơn so với các quý liền trước, nhưng những chuyển biến này vẫn là rất nhỏ, rất chậm và căn bản chưa thay đổi được cục diện chung, nhất là với doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng.

Chưa làm đã thấy lỗ

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nguồn việc tiếp tục là nỗi đau đầu lớn nhất đối với các nhà thầu khi “mùa đông nhà đất” chưa kết thúc, số lượng dự án bất động sản mới vẫn hết sức ít ỏi, bất chấp các nỗ lực gỡ vướng pháp lý của Chính phủ và các địa phương.

Hầu hết doanh nghiệp xây dựng đang phải sống bằng các hợp đồng cũ, với giá thấp và chịu chi phí nhiên - nguyên vật liệu tăng cao, khiến biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh. Trong số 3 doanh nghiệp đầu ngành xây lắp gồm Coteccons, Hòa Bình và Ricons, thì tăng trưởng biên lợi nhuận gộp gần như ở mức thấp 1-2% và thậm chí ở con số -17% ở Hòa Bình. Trong khi đó, Hưng Thịnh Incons hay Đua Fat cũng báo cáo kết quả kinh doanh quý vừa qua ở mức thua lỗ nhẹ, còn Phục Hưng Holdings, CC1, Licogi 18, Cotana… đều chịu cảnh suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ.

Đi cùng với sự sụt giảm của kết quả kinh doanh là sự chuyển biến xấu của chất lượng tài sản và dòng tiền khi nỗi lo “nợ đọng” kéo dài do tình hình gặp khó khăn của các chủ đầu tư dự án, kéo theo đó là tình trạng nợ vòng quanh (chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các nhà thầu nợ nhà cung cấp).

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam cho biết, các nhà thầu đã và đang phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu rất lớn, như doanh nghiệp của ông Minh, có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng nhưng các công nợ mà chủ đầu tư nợ công ty đã lên tới 200 tỷ đồng.

“Từ một doanh nghiệp xây lắp bình thường thì giờ chúng tôi đã trở thành những chủ nợ với các tài sản đảm bảo là các căn hộ, condotel… không biết bao giờ mới hoàn thiện", ông Minh cho biết.

Trước đó, con số trích lập dự phòng rủi ro của Hòa Bình và Coteccons trong năm 2022 lần lượt hơn 1.000 tỷ đồng và gần 400 tỷ đồng. Mặc dù vậy, khó vẫn chồng khó khi trong tháng 3, nhóm thầu phụ tại một số dự án do Hoà Bình là tổng thầu đã thông báo tạm dừng thi công, bảo trì do chưa được thanh toán công nợ.

Được biết, các công ty trên đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty; đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công tác quản lý và điều hành sản xuất gặp khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, nhìn từ góc độ Hiệp hội, trong một thập kỷ trở lại đây, năm 2023 là năm ngành xây dựng gặp khó khăn nhất, do chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố từ kinh tế chung của toàn thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam. Đồng thời, ngành xây dựng gắn bó mật thiết, đồng thời, cũng chịu tác động mạnh nhất bởi ngành bất động sản.

Giai đoạn 2020-2023, theo ông Hiệp, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi đầu tư công cho các công trình hạ tầng kỹ thuật với lượng vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có một số ít doanh nghiệp làm được nên việc làm chưa phân bổ đều. Một điểm nữa, đơn giá định mức của Nhà nước chưa theo kịp thị trường dẫn đến doanh nghiệp xây dựng tham gia đầu tư công nguy cơ lỗ, đặc biệt là đơn giá vật liệu xây dựng khi tăng cao không thể cập nhật định mức. Bởi vậy, một số dự án đầu tư công khó có thể đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn.

Chẳng hạn, ông Hiệp cho biết, một số đơn giá do địa phương công bố thường thấp hơn thị trường từ 8-12%, như Vinaconex sau khi nhận gói thầu cao tốc đoạn Mai Sơn - Quế Lộ, bộ phận dự toán thi công đã thấy lỗ 40%.

"Nhiều câu hỏi được đặt ra, sao biết lỗ vẫn còn làm? Nhưng nếu không làm thì không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động, duy trì bộ máy công ty. Do đó, nhà thầu biết lỗ nhưng chấp nhận để hy vọng ngày mai tìm được công trình khác để bù đắp", Chủ tịch VACC chia sẻ và nói thêm rằng, VACC đã có kiến nghị về vấn đề này từ lâu theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ Xây dựng cũng đồng ý tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, đồng thời giao các đơn vị phối hợp với VACC tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh hệ thống và đưa ra 2 định mức chính: Thứ nhất, những định mức chưa có sẽ phải làm mới; thứ hai, những định mức sử dụng công nghệ cũ thì phải điều chỉnh lại đơn giá định mức. Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh đơn giá định mức đến nay rất chậm, đến cuối năm 2023 may chăng mới có được bước cải thiện đầu tiên.

Ngoài ra, nhân lực cũng đang là điểm nghẽn lớn của các nhà thầu xây dựng. Ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, chiếm 70%. Tuy nhiên, sau dịch, tỷ lệ lớn trong lực lượng này không quay lại làm việc, do vậy, dù đơn giá nhân công tăng 25-30%, các doanh nghiệp vẫn khó tuyển nhân lực.

Chiến đấu để sinh tồn

Đứng trước khó khăn phải đối mặt, những tên tuổi thâm niên nhất trong ngành xây dựng lại càng thấm hệ lụy của việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành bất động sản trong thời gian dài. Thực tế, bất động sản dân dụng chỉ là một thị phần trong bức tranh lớn, nguồn công việc còn rất nhiều, thị trường vẫn có nhu cầu xây dựng từ các công trình tiện ích (trường học, bệnh viện, hạ tầng đầu tư công khác…). Bên cạnh đó, còn là nhu cầu xây dựng nhà xưởng, nhà máy từ các công ty phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của khối doanh nghiệp FDI và trong nước.

Giới phân tích cho rằng, đầu tiên, các doanh nghiệp xây dựng dân dụng cần phải đa dạng hóa danh mục khách hàng. Một trong những minh chứng thành công trong giải pháp này chính là Coteccons. Việc thắng được gói thầu xây dựng giá trị hàng trăm triệu USD với Lego đã giúp Coteccons đảm bảo được khối lượng công việc cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên trong nhiều tháng. Đồng thời, thể hiện được sức khỏe tài chính chất lượng với hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt (đóng góp lớn từ nguồn tiền trả trước của Lego).

Tuy vậy, không nhiều doanh nghiệp có thể có các hợp đồng lớn như Coteccons và như phân tích của TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc phân tích tài chính của DG Capital, ngành xây dựng hiện tại vẫn trông cậy chủ yếu vào hai nguồn, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản và hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công. Tuy vậy, theo ông Phương, rất tiếc, cả hai nguồn này đều không dễ cải thiện trong một sớm một chiều. Ngoài ra, xây dựng công nghiệp, năng lượng có thể khả thi hơn, song cạnh tranh cũng rất dữ dội, biên lợi nhuận cũng không thực sự hấp dẫn.

Ông Lê Trần Luận, giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tư nhân tại Hà Nội cho hay, doanh nghiệp xây lắp cả lớn cả nhỏ hiện nay sẽ tiếp tục phải chờ đợi trong thế “khó chồng khó”. Dù thời gian qua mặt bằng lãi suất đã hạ xuống nhưng vẫn tương đối cao so với khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp xây dựng. “Hầu hết các nhà thầu hiện nay làm để trả chi phí vay vốn là chính, cũng như cố giữ bộ máy nhân sự tối đa có thể”, ông Luận cho hay.

Tin bài liên quan