Hoạt động thi công xây lắp trong quý III/2021 gần như bị đình trệ vì Covid-19.

Hoạt động thi công xây lắp trong quý III/2021 gần như bị đình trệ vì Covid-19.

Doanh nghiệp xây lắp: Tiếp tục tăng nợ phải thu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp xây lắp đối mặt với tình trạng “thanh toán sau”, “trả chậm”, “nợ”, dẫn đến thời gian thu hồi tiền kéo dài, thậm chí “lãi giả, lỗ thật”.

“Nước xuống, thuyền mắc cạn”

Năm 2021, chưa bao giờ các doanh nghiệp xây lắp lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Không chỉ lợi nhuận giảm sút, điều đáng lo là thời gian giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 kéo dài, dẫn tới hoạt động thi công bị đình trệ, khoản phải thu “phình” to, thời gian thu hồi nợ kéo dài.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), khoản phải thu ngắn hạn tính đến 30/6/2021 là gần 6.963 tỷ đồng, trong đó, dự phòng phải thu ngắn hạn 510,7 tỷ đồng. Tính toán sơ bộ, vòng quay khoản phải thu của doanh nghiệp ngành xây dựng này là 0,7 lần, tương ứng hơn 17 tháng, tăng gần 3 lần so với cuối năm 2020.

Kết quả kinh doanh quý III/2021 hiện mới được CTD công bố ở công ty mẹ, nhưng với tình hình mất gần như trọn vẹn thời gian quý III/2021 do giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh hợp nhất trong quý thứ tư liên tiếp (quý III/2021) dưới sự tiếp quản điều hành của Kusto sau khi thâu tóm tiếp tục được dự đoán ảm đạm. Trong đó, với nhiều công trình bị đình trệ, doanh nghiệp sẽ khó đảm bảo khả năng hoàn thành tiến độ để thu hồi được công nợ ngay trong năm nay.

Ảnh tác giả

Nợ đọng trong xây dựng cơ bản là tình hình đáng báo động. Có những doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng mới chỉ thu được từ 60 - 70% giá trị, phần còn lại bị nợ và khoản nợ này kéo dài đến 5 năm. Bởi vậy, khi nhận công trình tưởng sẽ có lãi, nhưng với tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài thì doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ “lãi giả, lỗ thật’.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Theo logic thông thường, khách hàng nợ rồi khách hàng cũng sẽ phải trả cho doanh nghiệp, không trả lúc này thì trả lúc khác, cuối cùng tiền vẫn thuộc về doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, kể cả CTD có đẩy nhanh tiến độ công trình, bởi không ít khách hàng gặp khó khăn về thanh khoản đầu ra, tình trạng chiếm dụng vốn ngày càng nhiều, thời gian trả nợ kéo dài.

Với Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải chia sẻ, doanh nghiệp có những tín hiệu đáng mừng khi chính quyền TP.HCM và Hà Nội dần mở cửa các lĩnh vực kinh tế.

Tuy nhiên, một số phân tích cho thấy, HBC vẫn đối mặt với nhiều nỗi lo, bởi quãng thời gian ngừng thi công bắt buộc vừa qua do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư khiến doanh nghiệp có hơn 50 công trình phải tạm dừng thi công trong thời gian dài.

Trước đó, trong báo cáo tài chính bán niên 2021 của HBC, khoản phải thu khó đòi tính tới cuối quý II là gần 400 tỷ đồng trong tổng số 10.945,4 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.

Theo tính toán, hệ số vòng quay khoản phải thu là 0,5, tương ứng gần 24 tháng, tăng mạnh so với đầu năm 2021. Dự báo, hệ số này sẽ tiếp tục giảm trong quý III, tức thời gian để thu hồi tiền tăng thêm đáng kể.

Tương tự, Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn tính tới cuối quý II/2021 ở mức 4.276,5 tỷ đồng, tăng 24%; trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng là 2.519,2 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm; hệ số vòng quay khoản phải thu khoảng 0,73 lần, tương ứng 16,4 tháng.

Quý III/2021, hoạt động kinh doanh của HTN tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khi các dự án của doanh nghiệp chủ yếu ở TP.HCM, nơi dịch bệnh bùng phát mạnh, dẫn tới giãn cách xã hội kéo dài. Mặc dù vậy, 60% các khoản phải thu ngắn hạn của HTN đến từ các bên liên quan, do đó, so với các doanh nghiệp khác, khả năng thu hồi nợ đọng cao hơn.

Khó khăn chồng khó khăn

Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ tháng 8/2021, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng, bất động sản nhấn mạnh về tình hình hoạt động vô cùng khó khăn, từ việc mặt bằng giá các loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 25% so với đầu năm (tăng cao nhất là sắt, thép, xi măng...) đến việc giãn cách xã hội quá lâu, nhiều công trình phải dừng thi công.

Nỗi lo lớn hơn cả là việc chậm tiến độ có thể dẫn tới nguy cơ bị phạt chậm tiến độ khi trong hợp đồng không quy định đại dịch là trường hợp bất khả kháng. Như Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) phản ánh, doanh nghiệp gặp rủi ro khi lập giá dự thầu do không lường trước được các ảnh hưởng của dịch bệnh tới giá chào thầu. Chi phí thực hiện dự án tăng cao, trong khi việc điều chỉnh hợp đồng với các dự án có nguồn vốn nhà nước rất khó khăn.

Dự phòng các khoản phải thu khó đòi của VCG tính riêng tới cuối tháng 6/2021 là hơn 1.170 tỷ đồng, trong tổng số 13.759,2 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn. Vòng quay các khoản phải thu giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,22 lần, tương ứng gần 54 tháng.

Cái khó nhất đối với các nhà thầu như VCG là những trường hợp thi công xong nhưng không thể thu được tiền, các khoản nợ kéo dài nhiều năm và không có cơ quan nào đứng ra xử lý triệt để. Gần 2 năm qua, VCG đã phải thay đổi cơ cấu doanh thu, dần chuyển sang mảng bất động sản để giảm dần sự phụ thuộc vào mảng xây dựng.

Tại Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp khó thu được các khoản phải thu, ảnh hưởng đến việc duy trì lương công nhân trong các dự án… Điều này ảnh hưởng ngược đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình, phát sinh chi phí, làm doanh nghiệp “mất điểm” khi cạnh tranh trong các hợp đồng thầu tiếp theo.

Các khoản phải thu ngắn hạn của PHC tính đến 31/6/2021 là 1.130,3 tỷ đồng, vòng quay khoản phải thu thấp kỷ lục, chỉ ở mức 0,36 lần, tương ứng 33,3 tháng. Điểm sáng với nhà thầu quy mô trung bình như PHC là thường lựa chọn các dự án vừa phải với mức độ thanh khoản cao và triển khai dự án do chính doanh nghiệp làm chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư nên giá trị nợ đọng xây dựng cơ bản ít.

Theo dự báo của BMI, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng dần chậm lại, từ mức 9,63% xuống còn khoảng 7,8% trong giai đoạn 2019 - 2021. Nguyên nhân có thể do tốc độ tăng trưởng ngành bất động sản chững lại so với trước, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành quyết liệt hơn, giá nguyên vật liệu như sắt, thép, cát có xu hướng tăng, làm lợi nhuận giảm…

Nhiều cái khó đang bủa vây doanh nghiệp ngành xây lắp, dự kiến thị trường bất động sản quay trở lại quỹ đạo phát triển mới giúp gỡ được “mớ bòng bong” này.

Tin bài liên quan