Các doanh nghiệp xi măng đang đối mặt với khó khăn kép: Cung vượt cầu và giá đầu vào tăng

Các doanh nghiệp xi măng đang đối mặt với khó khăn kép: Cung vượt cầu và giá đầu vào tăng

Doanh nghiệp xi măng đối mặt với khó khăn kép

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiêu thụ giảm sút mạnh ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao đã khiến doanh nghiệp ngành xi măng bơi trong khó khăn, kết quả kinh doanh quý I/2023, nhiều công ty báo lỗ lớn.

Kết quả quý I thua lỗ

Khó khăn vẫn bủa vây khi sức cầu tiêu thụ giảm, chi phí tăng, các doanh nghiệp trong ngành lần lượt báo lỗ.

Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) báo lỗ sau thuế hợp nhất 85,6 tỷ đồng quý I/2023, trong khi cùng kỳ lãi 24,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo HT1 cho biết, Công ty lỗ trong quý đầu năm do lợi nhuận gộp giảm và chi phí tăng cao. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý I/2023 giảm 18,73% so với cùng kỳ năm ngoái dẫn tới lợi nhuận gộp giảm 87,8 tỷ đồng so với năm ngoái. Trong khi chi phí tài chính tăng 15,2 tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng 18,4 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi suất vay và tăng dư nợ vay.

Năm 2023, xi măng Vicem Hà Tiên đặt kế hoạch doanh thu 8.986 tỷ đồng (năm ngoái đạt 8.925 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế 276 tỷ đồng (tăng nhẹ 7,3% so với thực hiện của năm ngoái). Với kết quả thua lỗ trong quý I/2023, HT1 còn cách xa so với kế hoạch năm đề ra.

Tương tự, kết thúc quý I/2023, Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (mã chứng khoán BCC) lỗ 48,6 tỷ đồng, đồng thời dự báo vẫn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Lãnh đạo Xi măng Bỉm Sơn lý giải, mức giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức tăng chi phí tài chính lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, là nguyên nhân khiến Công ty chuyển từ lãi trong quý I/2022 sang lỗ trong quý đầu năm nay.

Năm 2023, xi măng Bỉm Sơn đạt chỉ tiêu sản xuất clinker đạt 2.818.530 tấn, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 4.546.000 tấn. Tổng doanh thu đạt 4.631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40,4 tỷ đồng. So với kết quả đạt được của năm ngoái, Xi măng Bỉm Sơn đặt mục tiêu tăng 7,6% về doanh thu, nhưng giảm hơn một nửa về lợi nhuận (mức giảm hơn 55%).

Để thực hiện mục tiêu kinh doanh, Xi măng Bỉm Sơn cho biết, sẽ đẩy nhanh việc thực hiện xin cấp giấy phép khai thác mỏ đá vôi Yên Duyên mở rộng. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục thuê đất mỏ sét Tam Diên mở rộng giai đoạn 2 nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu lâu dài.

Không chỉ 2 doanh nghiệp trên, tình trạng thua lỗ trong quý I/2023 cũng diễn ra tại nhiều doanh nghiệp xi măng khác.

Trong khi đó, công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp xi măng đang niêm yết trên sàn là là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cũng công bố kết quả kinh doanh quý I với tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng, clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 20,76 triệu tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 7.616 tỷ đồng. Vicem không công bố kết quả lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh quý I/2023 của một số doanh nghiệp xi măng

Mã chứng khoán

Doanh thu

(tỷ đồng)

So với cùng kỳ năm ngoái (%)

Lợi nhuận

(tỷ đồng)

Cùng kỳ năm ngoái

HT1

1.691

-13,5%

-85,6

Lãi 24,8 tỷ đồng

BCC

847

-28,3%

-48,6

Lãi 70 tỷ đồng

HVX

126

-39%

0,061

0,4

DXV

36,1

-30%

-0,612

-0,346

PTE

52

-12%

-12,3

-8,8

Khó khăn kép

Phân tích về bức tranh ngành xi măng hiện nay, Công ty Chứng khoán KIS cho biết, hiện tại, sản lượng xi măng của Việt Nam đạt khoảng 111 triệu tấn/năm, gần gấp đôi so với mức độ tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, các dây chuyền sản xuất xi măng mới sẽ được đưa vào hoạt động trong những năm tới.

Bên cạnh đó, quy định mới đây về tỷ lệ phối trộn chất phụ gia có thể đẩy ngành này lún sâu hơn nữa vào tình trạng dư thừa công suất. Ngoài ra, việc mất cân đối trong phân bổ nhà máy, phụ thuộc vào phân bổ nguồn tài nguyên, đã tạo ra sự mất cân bằng cung và cầu giữa các vùng. Điều này sẽ làm suy yếu năng lực định giá và ổn định tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước.

Trước áp lực cung vượt cầu và giá đầu vào cao (than, điện), các nhà sản xuất trong nước bị giảm biên lợi nhuận và sụt giảm sản lượng tiêu thụ. Dự phóng trong năm 2023, vẫn nhận thấy một số thách thức đối với ngành trong bối cảnh môi trường lãi suất vay cao và các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp phát triển bất động sản và thị trường trái phiếu. Bên cạnh đó, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính và thế giới được dự báo sẽ không thay đổi trong năm 2023. Cùng với đó, mức thuế mới áp lên ngành xuất khẩu clinker cũng sẽ cản trở sự phục hồi của kênh xuất khẩu.

Tương tự, theo SSI Research, 3 tháng đầu năm, mức tiêu thụ xi măng ở Việt Nam suy yếu ở cả kênh nội địa và xuất khẩu. Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ xi măng giảm 15% so với cùng kỳ do nhu cầu giảm, nhất là trong bối cảnh ngành bất động sản suy yếu kể từ quý II/2022. Trong khi đó, kênh xuất khẩu giảm 26%, đặc biệt, lượng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc (chiếm 51% giá trị xuất khẩu xi măng trong quý I/2022) giảm 95%.

Trong báo cáo phân tích về tác động giá điện tăng, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, xi măng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc giá điện tăng. Trong đó, chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.

Mirae Asset giả định, khi chi phí điện tăng 3% sẽ làm cho giá vốn bán hàng tăng thêm. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành xi măng dự báo giảm 13%.

Về phía doanh nghiệp, Vicem cho biết, thị trường xuất khẩu xi măng, clinker gặp nhiều khó khăn do Philippines điều chỉnh tăng mức thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam và dự kiến chính thức áp thuế vào đầu quý II/2023. Nhu cầu nhập khẩu xi măng, clinker của Trung Quốc chưa tăng trở lại. Giá xuất khẩu xi măng, clinker ở mức thấp do các nhà xuất khẩu cạnh tranh quyết liệt. Cước tàu biển đang tăng cao (từ 4-5 USD/tấn) kể từ tháng 3/2023.

Trong khi đó, thị trường xi măng trong nước vẫn gặp khó khăn, nhu cầu xi măng thấp, bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do khó khăn về nguồn vốn, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…

Tương tự, lãnh đạo Xi măng Bỉm Sơn thẳng thắn nhìn nhận, thị trường xi măng trong nước tiếp tục cạnh tranh quyết liệt do cung vượt cao so với cầu. Xu hướng tiêu dùng dịch chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời.

Doanh nghiệp xi măng vẫn đang đối mặt với bài toán khó khi tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu chậm lại, cung vượt cầu, nhưng chi phí đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, với việc Chính phủ đang đốc thúc các dự án đầu tư công, cùng với các chính sách hỗ trợ được ban hành thời gian qua đang giúp ngành bất động sản rục rịch trở lại, hứa hẹn giúp bức tranh của các doanh nghiệp xi măng đỡ xám xịt hơn.

Cụ thể, trả lời cổ đông tại ĐHCĐ thường niên vừa tổ chức, lãnh đạo Xi măng Hà Tiên cho biết, Công ty đã có kế hoạch cung cấp xi măng cho hầu hết các dự án trọng điểm về đầu tư công ở phía Nam như dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3, cầu Mỹ Thuận 2 và các trục đường cao tốc ở miền Tây.

Chính vì kỳ vọng vào việc hưởng lợi từ đầu tư công, nên dù kết quả kinh doanh quý I thua lỗ, nhóm cổ phiếu ngành xi măng vẫn không giảm mạnh, mà chủ yếu đi ngang từ đầu năm tới nay.

Tin bài liên quan