Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu hôm 12/12/2021 (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu hôm 12/12/2021 (Ảnh: TTXVN)

Doanh nhân cũ - Doanh nhân mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) "Chúng ta trân trọng đội ngũ doanh nhân ngày nay nhưng đồng thời cũng nhắc nhở về việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất của một doanh nhân chân chính, không vì lợi nhuận mà vượt qua những rào cản của pháp luật", Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhắn nhủ thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Giám đốc siêu thị số 7 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) về những kỷ niệm khi làm doanh nhân thế kỷ trước, về trọng trách của doanh nhân đối với vận mệnh đất nước, những tâm tư của lớp doanh nhân cũ dành cho thế hệ doanh nhân mới ngày nay...

Trước khi giữ trọng trách quản lý kinh tế về thương mại, ông cũng từng là một doanh nhân (là người mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội), ông có thể chia sẻ gì về những năm tháng làm doanh nhân đó?

Năm 1994, sau thời gian nghiên cứu tại Singapore, Malaysia và Thái Lan, đoàn công tác của Công ty Bách hoá Hà Nội trong đó có tôi (khi đó đang làm Bí thư Đảng uỷ, Phó giám đốc phụ trách kế toán) đã đề xuất với ban lãnh đạo cho chủ trương thành lập siêu thị quốc doanh đầu tiên của Hà Nội.

Thời điểm đó, anh chị em cán bộ công nhân viên được tập hợp từ nhiều đơn vị chưa biết gì về mô hình kinh doanh hiện đại này, thế mà chỉ sau 3 tháng tổ chức, ngày 20/11/1995, siêu thị số 7 Đinh Tiên Hoàng đã khai trương và đi vào phục vụ nhân dân Thủ đô trên diện tích của Cửa hàng Bách hóa 12 Bờ Hồ cũ.

Từ quy mô khiêm tốn ban đầu, siêu thị Đinh Tiên Hoàng đã được khách hàng đón nhận một cách hồ hởi và coi đó là một dấu ấn của sự phát triển về chất của thương mại Thủ đô. Chỉ 1-2 năm sau đó, kế thừa những kinh nghiệm của siêu thị Đinh Tiên Hoàng, hàng loạt siêu thị thuộc Công ty Bách hóa Hà Nội đã ra đời như Giảng Võ, Thanh Xuân...

Ngày nay, Hà Nội sau nhiều năm đổi mới đã có hàng trăm điểm bán siêu thị trên khắp địa bàn, tuy nhiên mỗi khi nhắc đến siêu thị số 7 Đinh Tiên Hoàng, nhiều người vẫn nhớ và kể về nó như biểu tượng cánh chim đầu đàn trong ngành thương mại Thủ đô.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: M.Minh)

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Ảnh: M.Minh)

Với cương vị Giám đốc siêu thị Đinh Tiên Hoàng thời kỳ đó, cho đến giờ, tôi luôn coi những năm tháng được làm siêu thị là những kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên.

Phẩm chất nào theo ông là cần có và quan trọng đối với mọi doanh nhân?

Trước khi trở thành doanh nhân, tôi đã từng là một người lính. Tôi hiểu rất rõ câu "Hiệp đồng tác chiến". Chính vì vậy, nên khi làm giám đốc siêu thị, tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

Đa phần các nhà cung ứng cho siêu thị Đinh Tiên Hoàng thời điểm đó đều là nông dân, các hợp tác xã, các nhà sản xuất Việt Nam. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa siêu thị với gần 400 nhà cung cấp rất hài hòa, hợp tác đôi bên đều có lợi, mức chiết khấu đề ra của siêu thị khá hợp lý nên đã thu hút nhiều bạn hàng.

Tôi cho rằng, mỗi doanh nhân cần có tinh thần hợp tác với nhau cả lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam như những con thuyền nan nhỏ cần hợp tác với nhau để tạo ra một "vector" cùng chiều, có sức mạnh chung như đội tàu lớn hùng mạnh để tự tin cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam như những con thuyền nan nhỏ cần hợp tác với nhau để tạo ra một "vector" cùng chiều có sức mạnh chung như đội tàu lớn hùng mạnh để tự tin cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thuộc thế hệ doanh nhân đi trước, ông nhận định thế nào về sự khác biệt giữa doanh nhân thế hệ của ông và doanh nhân mới ngày nay?

Ở thời kỳ bao cấp, doanh nghiệp chủ yếu làm theo kế hoạch một cách thụ động, ít sáng tạo, ít đổi mới, chỉ nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách, quy định của Nhà nước và của các địa phương.

Chính vì lẽ đó, sự phát triển của các doanh nghiệp không được mạnh mẽ, ít có những đột biến, không dám vượt rào; còn ngày nay các doanh nghiệp đã có một môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương.

Đội ngũ doanh nhân trước đây làm ăn theo kiểu bao cấp, ít sáng tạo, ít đổi mới, không có cơ hội để phát triển, nói đơn giản là làm ăn chân chì hạt bột, ít giao lưu rộng rãi, ít được học tập. Vì vậy, mặc dù có chí tiến thủ nhưng sự phát triển chậm chạp không đạt được yêu cầu của sự phát triển.

Còn đội ngũ doanh nhân ngày nay được học tập nâng cao trình độ, tiếp xúc với công nghệ, được học hỏi cách quản trị doanh nghiệp hiện đại trong nước và nước ngoài. Chính vì vậy họ đã có sức sáng tạo mạnh mẽ hơn, có nhiều sáng kiến để làm lợi cho doanh nghiệp và cho xã hội.

Ông nghĩ gì về trọng trách của thế hệ doanh nhân ngày nay đối với vận mệnh của đất nước?

Hiện nay, chúng ta đã có một lớp doanh nhân Việt Nam mới sau 35 năm Đổi mới, đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đất nước ta đang tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cho nên vai trò của doanh nhân là đặc biệt quan trọng. Thế hệ doanh nhân ngày nay cần ý thức được trọng trách xây dựng đất nước ta đến năm 2045 là nước phát triển, chủ quyền được giữ vững, kinh tế ổn định, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, có thu nhập cao.

Để hỗ trợ doanh nhân Việt Nam thực hiện trọng trách đó, theo ông, chúng ta cần chú trọng điều gì?

Muốn đội ngũ doanh nhân phát huy được thế mạnh xung kích trong sự nghiệp phát triển của đất nước, chúng ta cần phải quan tâm đến một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh sòng phẳng cho các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển. Đây là điều đầu tiên Đảng ta đã xác định ở Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vừa qua.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân. Đảng ta coi yếu tố con người là quan trọng nhất. Cho nên, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần đào tạo, đào tạo lại đội ngũ doanh nhân Việt Nam để làm sao xứng tầm với sự phát triển. Mục tiêu là có một đội ngũ doanh nhân vừa có tri thức, vừa có đổi mới sáng tạo và theo kịp xu hướng phát triển công nghệ, sự phát triển sản xuất kinh doanh của thời đại.

Thứ ba, cần xây dựng được các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nhân để tạo sức mạnh liên kết chung. Vai trò của hiệp hội không chỉ tập hợp mà còn phải giáo dục, động viên, dẫn dắt và có lập trường rõ ràng trong vấn đề đúng, sai của doanh nhân để có thể phát huy cũng như kịp thời uốn nắn nhằm cùng nhau phát triển.

Về phía doanh nhân, ông có lưu ý điều gì?

Mỗi doanh nhân cần tận tâm cống hiến cho đất nước, làm giàu cho bản thân, gia đình và cho cả xã hội. Doanh nhân phải có tinh thần hợp tác, liên kết, chia sẻ trong lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi trên bước đường đi lên của mình. Không chỉ hợp tác trong nước mà còn là hợp tác quốc tế, cởi mở, sâu rộng, thân thiện, hữu nghị.

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ mới đòi hỏi doanh nghiệp kết nối lại các chuỗi cung ứng hiện đại để vượt qua được các cuộc khủng hoảng, như thời gian hơn 2 năm Covid-19 vừa qua.

Đội ngũ doanh nhân cũng cần coi trọng đạo đức và phải đưa lên hàng đầu. Tài năng cần gắn liền với đạo đức để phát triển đội ngũ doanh nhân một cách toàn diện. Nói rộng ra, đây chính là vấn đề xây dựng văn hoá cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, như bác Hồ đã dạy: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”.

Nếu không có văn hoá, không có đạo đức kinh doanh thì chúng ta có thể giàu có nhưng văn hoá bị xuống cấp, cạnh tranh không lành mạnh, “cá lớn nuốt cá bé”, “sát phạt” lẫn nhau để tranh giành lợi nhuận, không có sự chia sẻ… Sự giàu có khi đó không mang lại hiệu quả cho đất nước mà ngược lại còn đem đến những điều tai hại.

Nếu không có văn hoá, không có đạo đức kinh doanh thì chúng ta có thể giàu có nhưng văn hoá bị xuống cấp, cạnh tranh không lành mạnh, “cá lớn nuốt cá bé”, “sát phạt” lẫn nhau để tranh giành lợi nhuận, không có sự chia sẻ…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc sai phạm liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Phải chăng là do văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân không được chú ý đúng mức?

Chúng ta trân trọng đội ngũ doanh nhân ngày nay nhưng đồng thời cũng nhắc nhở về việc giữ gìn đạo đức, phẩm chất của một doanh nhân chân chính, không vì lợi nhuận mà vượt qua những rào cản của pháp luật. Điều đó vừa có hại cho cá nhân doanh nhân vừa có hại cho xã hội.

Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ phát huy được vai trò của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước từ nay cho đến 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước.

Chúng tôi, những người thuộc thế hệ đi trước rất tin tưởng vào lớp doanh nhân ngày nay, vì họ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với chúng tôi 20 - 30 năm trước đây, họ cũng giỏi giang và có bản lĩnh, xứng đáng nhận được sự kỳ vọng của đất nước.

Tin bài liên quan