Doanh nhân Hồ Xuân Năng và khát vọng khơi dậy tiềm năng con người

(ĐTCK) Giờ này, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Công ty cổ phần Vicostone đã có thể yên tâm giao phó “đứa con đầu tay” Vicostone cho lớp kế cận để chuyên tâm đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu khoa học với mục tiêu đưa Đại học Phenikaa có tên trong bảng xếp hạng những trường đại học tốt nhất khu vực và toàn cầu.
Ông Hồ Xuân Năng.

Ông Hồ Xuân Năng.

Buổi lễ ra mắt Đại học Phenikaa và Quỹ Đổi mới sáng tạo Phenikaa được tổ chức ấn tượng tại một khách sạn sang trọng bậc nhất Hà Nội, nói như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “là rất khác biệt so với những trường đại học khác được tổ chức trong khuôn viên trường, với rất nhiều sinh viên tham dự”. Chắc hẳn rằng, nhiều vị khách tham dự hôm đó đã cảm nhận đây là cơ sở giáo dục được định vị ở tầm cấp khu vực và quốc tế, dù tất nhiên mọi thứ đều phải bắt đầu từ số 0.

Tư duy đổi mới

Nói chính xác, Đại học Phenikaa không hẳn bắt đầu từ số 0, mà đây vốn là Trường Đại học Thành Tây, ngôi trường đã có hơn 10 năm hoạt động, nhưng chủ hướng là dạy nghề.

Sau thương vụ M&A, dưới bàn tay ông Hồ Xuân Năng và các cộng sự, Trường được đổi tên, đổi diện mạo.

Cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, to đẹp theo mô hình các trường đại học xanh trên thế giới.

Vị chủ tịch mới còn bắt đầu một cuộc cách mạng ở đây khi đặt ra mục tiêu đưa Đại học Phenikaa trở thành một trường đại học đa ngành theo chuẩn quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hướng nghiệp; và trong vòng 20 năm nữa, sẽ vào Top 100 trường đại học xuất sắc nhất châu Á.

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Trường được đầu tư 1.600 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy, với gần 100 phòng thực hành, phòng thí nghiệm.

Nhưng để đạt được mục tiêu đó, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại mới chỉ là một vế, Trường phải có một đội ngũ giảng viên xuất sắc.

Ông Năng quá hiểu điều đó và lập tức có chính sách cầu hiền táo bạo và tới nay, Đại học Phenikaa đã gây dựng được đội ngũ nòng cốt hầu hết là những nhà khoa học trẻ, nhiệt thành và có khả năng hợp tác quốc tế cao.

Trong số các giảng viên - nhà nghiên cứu của Trường, có đến 3 người nằm trong danh sách Top 100.000 nhà khoa học có số lượt trích dẫn hàng đầu thế giới và 3 người từng giành giải thưởng Tạ Quang Bửu về nghiên cứu khoa học cơ bản do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng hàng năm.

Một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội đã mô tả, Đại học này đang phải trải qua một cơn lốc khi hàng loạt giảng viên giỏi quyết định sang đầu quân cho ông Năng.

Chính sách đãi ngộ tốt, có chiến lược và khát vọng lớn, cơ sở vật chất với các phòng thí nghiệm cực kỳ hiện đại, môi trường làm việc này chính là niềm khát khao bấy lâu nay của các nhà khoa học Việt Nam.

Phenikaa sẽ tiến thêm một bước nữa khi tới đây thực hiện chương trình đánh giá, phong tặng giáo sư theo chuẩn “Made in Phenikaa”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng nhà trường, tiêu chuẩn xét bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư của Phenikaa được chia làm hai nhóm là Giáo sư - Phó giáo sư giảng dạy và Giáo sư - Phó giáo sư nghiên cứu.

Trong đó, các tiêu chuẩn đối với chức danh Giáo sư, Phó giáo sư giảng dạy tương đồng và bám sát tiêu chuẩn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước và chọn ở mức cao nhất, đó là yêu cầu Giáo sư có 5 công bố khoa học trên các tạp chí ISI và 3 bài ISI đối với Phó giáo sư.

Còn Giáo sư, Phó giáo sư nghiên cứu phải đáp ứng các tiêu chí rất cao như phải có 40 bài báo ISI, trong đó là tác giả chính ít nhất 20 bài, làm chủ nhiệm ít nhất 2 đề tài/dự án cấp quốc gia hoặc quốc tế; hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh; 8 năm kinh nghiệm nghiên cứu độc lập…

“Trường mong muốn tuyển dụng và bồi dưỡng được các nhà khoa học có năng lực cao. Và nếu đạt được tiêu chuẩn này thì nhà khoa học có thể làm việc ở nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam”, ông Huy cho biết.

Đặc biệt, ông Năng sẽ áp dụng sáng tạo chiến lược dụng nhân mà Singapore hay Hàn Quốc đã áp dụng, góp phần tạo ra kỳ tích về sự phát triển. Đó là mời nhà khoa học nước ngoài tới làm việc lâu dài ở Việt Nam.

Các trường đại học của Singapore, Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển, đã tuyển dụng rất nhiều các nhà khoa học người nước ngoài để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

Thẳm sâu trong con người ông Hồ Xuân Năng, người được thị trường biết tới trong vai trò doanh nhân, lại là những khát vọng và trăn trở của một nhà khoa học.

Ông Năng từng là tiến sỹ trẻ nhất tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Bởi thế, với mô hình đào tạo của Đại học Phenikaa, nhiều người kỳ vọng, những hạn chế của lối giáo dục hàn lâm tại Việt Nam lâu nay sẽ được khắc phục.

Trường đã thành lập 4 viện và trung tâm, hoặc tập trung vào khoa học cơ bản, hoặc tập trung vào khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ.

Đây sẽ là những nơi sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh có thể đến thực tập, nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ.

Về cách đào tạo này, ông Năng nói rất vắn tắt: “Sinh viên được truyền cảm hứng để khao khát trải nghiệm, chuyển từ “thầy hỏi trò” sang “trò hỏi thầy” là chính. Làm trước - học sau”.

Doanh nhân Hồ Xuân Năng và khát vọng khơi dậy tiềm năng con người ảnh 1

Và niềm tin vào tiềm năng con người

Đánh thức và hiện thực hóa tiềm năng của mỗi cá nhân là kim chỉ nam để ông Năng và các cộng sự thành công tại Vicostone.

Nhờ chất xám Việt, họ đã xoay chuyển nghịch cảnh, đưa một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản lọt vào Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới.

"Nay với tinh thần ấy, chúng tôi mong muốn tiếp tục truyền cho thế hệ trẻ để họ trở thành những con người đầy hoài bão, nghị lực và bản lĩnh, tự tin và mạnh mẽ bắt đầu sự nghiệp ngay khi rời ghế nhà trường”, Chủ tịch Phenikaa chia sẻ.

Thành công là gì? Câu hỏi này được ông Hồ Xuân Năng quan niệm rất đơn giản khi kể lại câu chuyện “Một người bố nông dân hỏi con thành công là gì? Và rồi ông bố trả lời: Là sử dụng năng lực của mình tốt nhất để sống tốt nhất”.

Cho đến nay, Việt Nam có trên 200 trường đại học nhưng số lượng các trường ngoài công lập chỉ chiếm trên 20%, số sinh viên đào tạo cũng trên 20%, số thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo thì trên 10%.

Phần nhiều trường được thành lập từ tấm lòng tâm huyết của nhiều cán bộ trong giới khoa học và đào tạo sau khi nghỉ hưu.

Họ kêu gọi được một số vốn tương đối ít ỏi của doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào, cho nên phần lớn các trường ngoài công lập, kể cả tư thục và dân lập đều là những trường rất khó khăn về cơ sở vật chất.

Vì thế, họ phải lấy ngắn nuôi dài, nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn học phí của sinh viên để duy trì đào tạo rồi mới hướng tới việc phát triển.

Những mô hình trường đại học có nguồn lực tài chính mạnh mẽ từ doanh nghiệp hậu thuẫn sẽ tạo ra một làn gió mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Các tập đoàn được kỳ vọng sẽ xây dựng những trường đại học mà trong vài chục năm tới có thể sánh ngang và tự hào cùng với các trường đại học trên thế giới, trước hết là trong khu vực. Đáng chú ý, đây đều là các trường hoạt động phi lợi nhuận.

Xin được mượn lời Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi bàn đến câu chuyện này, “Những doanh nhân thành đạt đều cần có ý thức góp sức, góp tiềm lực của mình, không vì lợi nhuận, không vì mục đích riêng tư mà vì đất nước.

Đấy là cách đóng góp hiệu quả và cần thiết để cho chúng ta cùng nhau, cùng nhà nước, cùng cộng đồng khơi dậy sự sáng tạo, đam mê khoa học trong từng người Việt Nam, từng nhà khoa học của Việt Nam và truyền cảm hứng đó cho các bạn trẻ. Cảm hứng là tất cả chúng ta cùng nhau phát triển tiềm năng của mình để góp phần làm cho đất nước Việt Nam giàu mạnh hơn”.

Tin bài liên quan