Doanh nhân Nguyễn Công Sử

Doanh nhân Nguyễn Công Sử

Doanh nhân Nguyễn Công Sử mở hướng đột phá cho cây chè Tuyên Quang

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh Nguyễn Công Sử đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chè, tạo ra những sản phẩm khác biệt.

Trăn trở với hướng phát triển bền vững cho cây chè Tuyên Quang, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh Nguyễn Công Sử đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm chè, tạo ra những sản phẩm khác biệt nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh, từng bước hướng tới xuất khẩu.

Cơ duyên với cây chè

Ông Nguyễn Công Sử đón chúng tôi tại “đại bản doanh” của HTX tại tổ 4, phường Mỹ Lâm, TP. Tuyên Quang. Ấn tượng đầu tiên là cơ ngơi khang trang, hiện đại, với một phần diện tích được sử dụng cho việc chế biến, đóng gói sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP, phần còn lại là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm.

Vị doanh nhân trẻ quê gốc Bắc Giang phân trần, do vùng nguyên liệu cách xa vài chục ki-lô-mét, nên khi thu hoạch không thể vận chuyển thẳng về, mà phải sơ chế tại chỗ ở các cơ sở quy mô nhỏ, rồi phân loại, chuyển thành phẩm chất lượng cao về đây, phần còn lại được tập kết về nơi sản xuất chính của HTX tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang…

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề chè, ông Sử kể, từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, bố mẹ ông giải ngũ và đi kinh tế mới tại vùng đất Tuyên Quang. Khi đó, nông trường chè quốc doanh mới được thành lập và họ xin vào làm công nhân. Sinh ra và lớn lên giữa vùng chè bạt ngàn, Sử chứng kiến cây chè đã đổi thay cuộc sống của nhiều gia đình, không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, cây chè còn khiến bộ mặt nông thôn khởi sắc… Sử nung nấu quyết tâm phải “làm điều gì đó” để thúc đẩy cây chè Tuyên Quang phát triển mạnh hơn nữa.

Chính thức “khởi nghiệp” với nghề chè từ năm 2002 với một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, ông Sử tiếp tục phát triển các giống chè nhà trồng trước đó. Đến năm 2005, ông bắt đầu phát triển những giống chè mới để thay thế dần chè truyền thống. Nhận khoán diện tích 15 ha, ông tiến hành chuyển đổi 7 ha chè hạt qua chè đặc sản Ngọc Thúy (giống chè Đài Loan có hương vị như chè Ô Long) và sản xuất theo công nghệ chè mạn để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Chè xanh Ngọc Thúy nõn - sản phẩm OCOP hạng 4 sao

Chè xanh Ngọc Thúy nõn - sản phẩm OCOP hạng 4 sao

“Tôi tham gia làm chè cùng gia đình từ nhỏ, nhưng chỉ là quy mô hộ gia đình và đến khi khởi nghiệp mới bắt đầu ‘đứng mũi chịu sào’. Lúc đó mới thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của nghề chè. Mặc dù là chủ, nhưng vẫn phải trực tiếp làm khâu chế biến, rồi trong sản xuất phải lo thuê nhân công, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản ra sao để chè không bị mất hương vị…”, ông Sử giãi bày.

Nhớ lại quãng thời gian đó, ông cho biết, từ năm 2008 trở về trước, khâu đóng gói chủ yếu là buộc túi bóng nilon bằng dây thun. Mãi tới năm 2011 mới chuyển sang đóng gói hút chân không, nên chất lượng, hương vị chè được bảo quản tốt hơn nhiều. “Đóng gói bằng buộc túi bóng chỉ có thể giữ được hương vị chè ngon như lúc đầu trong thời gian 2-3 tháng, còn với phương thức đóng gới mới thì có thể bảo quản và giữ được hương vị ngon tới 12 tháng”, ông Sử chia sẻ.

Dù hình thức, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được cải thiện đáng kể so với trước, nhưng ông Sử nhận thấy, nếu không tập trung xây dựng thương hiệu, thì rất khó mở rộng tiêu thụ. Để vượt lên những sản phẩm có cùng chủng loại, phẩm cấp, bắt buộc phải tăng năng lực cạnh tranh bằng dấu ấn riêng, trong đó cốt lõi tập trung vào nâng cao chất lượng.

Xác định hướng mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường, ông Sử mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, để đa dạng sản phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, song song với việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.

Để phù hợp quy mô phát triển, năm 2017, ông Sử thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, với mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất các sản phẩm chè đặc sản, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để phát triển bền vững.

“Điều thuận lợi đối với phát triển cây chè trên đất Tuyên Quang là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thích hợp. Trên một diện tích trồng chè, mỗi năm cho thu hoạch 15-18 lứa, trong điều kiện thời tiết bình thường”, ông Sử cho hay.

Từ 15 ha chè ban đầu, đến nay, diện tích chè của HTX đã tăng lên 60 ha. HTX đã đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo quy trình từ khâu hướng dẫn chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy định, đến bao tiêu nguyên liệu… của các hộ trồng chè trong vùng. Toàn bộ diện tích chè được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bứt phá bằng sản phẩm khác biệt

Năng động tìm hướng đi cho mình bằng những sản phẩm khác biệt là nỗ lực của doanh nhân Nguyễn Công Sử. Năm 2020 - năm đầu tiên, tỉnh Tuyên Quang triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh tham gia 7 sản phẩm chè OCOP và ghi dấu ấn với 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao (Chè xanh Ngọc Thúy, Trà Ngọc Thúy, Chè xanh Ngọc Thúy đinh, Chè xanh Ngọc Thuý nõn) và 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao (Chè xanh Phú Lâm, Chè xanh Phú Lâm nõn, Chè xanh Phú Lâm đinh).

Xác định mở rộng thị trường là yếu tố quan trọng trong hướng đi của đơn vị, ông Sử đã tích cực đưa sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, diễn đàn về kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trên toàn quốc và ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số nhà phân phối, siêu thị tại thị trường Hà Nội. Đây không chỉ là nền tảng quan trọng để sản phẩm của HTX khẳng định giá trị trên thị trường, mà còn là cơ hội để những sản phẩm này bước ra thị trường quốc tế.

Các sản phẩm chè của HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, toàn bộ sản phẩm được sử dụng tem điện tử mã QR để truy xuất nguồn gốc.

Ngoài những sản phẩm chè OCOP được phân hạng, ông Sử còn được biết đến với sản phẩm “chè cấp đông” khá độc đáo. Ông chia sẻ, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhận thấy chè cấp đông là mặt hàng còn rất ít người làm, nếu đầu tư cho dòng sản phẩm này sẽ tạo ra sự hấp dẫn bởi tính mới lạ, tò mò của người tiêu dùng. Chính vì thế, năm 2021, ông làm hồ sơ dự thi sáng kiến khoa học do tỉnh Tuyên Quang tổ chức và đoạt giải Nhì. Sau đó, năm 2022, sản phẩm được tôn vinh Sáng kiến khoa học phát triển thương hiệu chè Tuyên Quang.

“Có một thực tế là, chè Tuyên Quang dù đã có mặt trên thị trường từ rất lâu, nhưng rất ít được biết tới, bởi đại đa số người tiêu dùng khi nhắc tới chè là nghĩ đến Thái Nguyên. Nếu cạnh tranh bằng sản phẩm thông thường thì khó vô cùng, nên cần chuyển hướng khác, tạo ra sản phẩm chè cấp đông để khác biệt với chè Thái Nguyên, nhằm tạo ra sự nhận diện của người tiêu dùng. Đây cũng là hướng tiếp cận với thị trường”, ông Sử chia sẻ.

Việc này đòi hỏi sự cầu kỳ. Trong quá trình chế biến, phải cấp đông sâu để giữ được nguyên bản và hương vị của chè tươi, sau đó hút chân không hoặc đóng túi kín. Nhờ vậy, thời gian bảo quản có thể lên tới 3 năm. Trong thời gian diễn ra Covid-19, do giãn cách, HTX phải thanh lý nhiều chè khô trước lúc hết hạn, trong khi mặt hàng cấp đông vẫn ổn nhờ thời hạn bảo quản lên tới 3 năm.

Bên cạnh liên kết vùng nguyên liệu, HTX Sử Anh đang tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, với thu nhập 8 - 9 triệu đồng/tháng.

Với những nỗ lực của mình, ông Nguyễn Công Sử đã được tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2021 về thành tích thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP; Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân năm 2022; cùng nhiều bằng khen của tỉnh…

TRÒ CHUYỆN VỚI DOANH NHÂN NGUYỄN CÔNG SỬ

Cái khó của người làm chè hiện nay là gì, thưa ông?

Sản lượng chè cả năm của HTX Sử Anh khoảng 20 tấn chè khô/năm. Dù số lượng không lớn, nhưng tiêu thụ cũng khá chật vật, nhất là từ khi có Chương trình OCOP, các cơ sở sản xuất chè thành lập mới khá nhiều, tạo áp lực cạnh tranh mạnh.

Chúng ta biết, chè không phải sản phẩm thiết yếu và khá kén người tiêu thụ. Chè chủ yếu tập trung vào độ tuổi người tiêu dùng trên 30. Thế hệ trẻ hiện nay hầu như không sử dụng chè truyền thống, do đó tiêu thụ nội địa có xu hướng giảm. Nếu sản xuất nhiều cũng gặp khó, nhưng sản xuất quy mô quá nhỏ, thì khó bù đắp chi phí, vì lợi nhuận từ chè rất thấp.

Cái khó nữa là, vùng nguyên liệu hiện nay có diện tích lớn, nhưng chưa có hệ thống tưới tiêu đồng bộ, dẫn đến sản lượng và chất lượng của cây chè chưa đạt.

Sản phẩm đạt sao OCOP có ý nghĩa thế nào trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ?

Tôi cho rằng, đạt sao OCOP là điểm tựa để mỗi chủ thể nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm thị trường và nâng tầm thương hiệu. Tuy nhiên, OCOP sẽ không phát huy tác dụng nếu bản thân mỗi chủ thể không tự vươn lên, không năng động và làm mới các sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong tương lai, để duy trì và phát triển, tôi tìm hướng xuất khẩu tại các thị trường như Nga và một số quốc gia khác. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu ra thị trường nào đều cần tìm hiểu các yêu cầu của thị trường đó về các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng nhiều rào cản khác phải đáp ứng…

Tin bài liên quan