Ông Trần Đình Quyền (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về cây cao lương ngọt tại vùng trồng thực nghiệm

Ông Trần Đình Quyền (ngoài cùng bên trái) giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Phú Yên về cây cao lương ngọt tại vùng trồng thực nghiệm

Doanh nhân Trần Đình Quyền muốn rác đẻ vàng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Như một cơ duyên, cuộc trò chuyện với doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Tín Thành, có thêm người bạn đặc biệt của ông, kỹ sư Nguyễn Gia Long, người đã cùng ông hơn 25 năm trên hành trình biến rác thải thành năng lượng, sản phẩm hữu ích.

“Nghiệp” môi trường

Cái tên Trần Đình Quyền từ lâu đã không còn xa lạ với giới kinh doanh trong ngành sản xuất hơi bão hòa cho các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, nhuộm vải, cao su, sản xuất giấy… Cho đến nay, Tín Thành đã và đang cung ứng hơi bão hòa cho trên 40 doanh nghiệp trên khắp cả nước. Sử dụng công nghệ của Tín Thành có các thương hiệu lớn như Sabeco, Cocacola, Casumina, Cao su DRC Đà Nẵng, với dẫn chứng tiêu biểu như Nhà máy Habeco có thể an tâm trụ lại trên con phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), CocaCola tại trung tâm quận Thủ Đức, Nước giải khát Chương Dương ở đường Võ Văn Kiệt, trung tâm quận 1, TP.HCM...

Xuất thân từ ngành môi trường, ông Quyền bén duyên với nghiệp kinh doanh từ gần 30 năm trước, thủa ông còn là anh kỹ sư trẻ măng. Khởi nghiệp rồi từ bỏ, đã có ít nhất 3 - 4 công ty liên quan đến tái chế rác, xử lý môi trường được Trần Đình Quyền và các cộng sự thành lập, thành công sau những ngày tháng lăn lộn, nếm trải đủ những ngọt ngào và cả đắng cay, nghiệt ngã của nghiệp kinh doanh.

Nhưng cái vận nhà đầu tư vẫn bám riết lấy Trần Đình Quyền như ông tự chiêm nghiệm.

Nhân chuyến về làm việc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần 20 năm trước, Trần Đình Quyền có dịp ghé thăm vài cơ sở xay xát lúa. Là vùng lúa gạo có lượng hàng hóa lớn của cả nước nên phụ phẩm thải ra sau chế biến ở đây nhiều vô kể, nhất là trấu, có nơi dồn đống cao ngất như núi. Dọc các kênh rạch, bên các nhà máy xay lúa, trấu thải ra, lưu cữu, gây tắc nghẽn dòng chảy.

Thấy nguồn phụ phẩm quá lớn và để lãng phí, Trần Đình Quyền tự hỏi: “Với khối lượng thải ra xấp xỉ 3,5 triệu tấn/năm, tại sao mình lại không biến trấu thành nguồn năng lượng tái tạo thay thế cho nhiên liệu hóa thạch, tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường?”.

Hỏi, rồi ông đi tìm câu trả lời. Sau rất nhiều ngày mày mò, Trần Đình Quyền đã gặp TS. Nguyễn Thanh Quang, tác giả của hệ thống lò hơi tầng sôi dùng nhiên liệu trấu Bio-mass. Ưu thế vượt trội của công nghệ lò hơi tầng sôi nếu đem ứng dụng không chỉ góp phần giảm được chi phí sản xuất, mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể lượng khí độc hại thải ra môi trường.

Trần Đình Quyền kể, để sản xuất 1 tấn hơi bão hòa, các nhà máy bia phải dùng ít nhất 80 lít dầu FO, đơn giá khoảng 960.000 đồng. Trong khi đó, nếu dùng trấu, mùn cưa để đốt theo công nghệ của Tín Thành thì chi phí chỉ còn chưa đầy 700.000 đồng.

Ngoài cái lợi về kinh tế, lợi ích về môi trường còn ý nghĩa hơn rất nhiều. Nếu đốt 1 tấn dầu FO, môi trường sẽ nhận 3,6 tấn khí CO2. Trong khi đó, nếu dùng nhiên liệu như mùn cưa hoặc trấu để đốt, lượng khí CO2 thải ra môi trường chỉ còn 0,7 kg.

Lợi ích như vậy nhưng thủa ban đầu của lò hơi Tín Thành vô cùng gian nan. Các nhà sản xuất có rất nhiều lý do để e ngại khi phải thay đổi thói quen, cách làm cũ, đặc biệt là sự ổn định trong sản xuất khi có nhiều doanh nghiệp làm việc chủ yếu trong ngành hàng tiêu dùng.

Trần Đình Quyền đã dùng nước cờ mà đến giờ các cộng sự của ông vẫn còn hồi hộp khi kể. Theo đó, Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành đảm nhận đầu tư toàn bộ từ nhà xưởng đến lắp đặt thiết bị, cung cấp nhiên liệu cũng như vận hành hệ thống lò hơi và chỉ bán lại cho phía sử dụng với giá giảm gần một nửa so với chi phí dùng dầu FO để sản xuất 1 tấn hơi bão hòa.

Không chỉ có vậy, Tín Thành còn mạo hiểm khi cam kết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại nếu hơi cung cấp không đủ, hoặc khi vận hành gặp trục trặc nhưng không thông báo trước.

Bằng cách này, Tín Thành bước chân được vào các doanh nghiệp. Cho đến nay, danh sách đối tác của Điện hơi công nghiệp Tín Thành đã lên tới hơn 40 doanh nghiệp, trải dài khắp trong Nam ngoài Bắc.

Cuộc phiêu lưu mới

Thành công và ghi dấu ấn trong ngành môi trường với sản phẩm hơi công nghiệp, nhưng thẳm sâu trong trái tim kỹ sư Trần Đình Quyền vẫn đau đáu với câu chuyện làm điện từ rác thải.

Nỗi khổ của những người dân phải sống chung với nạn ô nhiễm rác, bệnh tật ngày càng nghiêm trọng, không khí và nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề luôn khiến ông trăn trở. Kiếm được bao nhiêu tiền từ hơi công nghiệp, Trần Đình Quyền không mê đắm với du thuyền, biệt thự xa hoa, trực thăng, siêu xe, mà lại dồn cho dự án nghiên cứu xử lý rác thải. Hàng trăm tỷ đồng đã được đổ vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ xử lý rác thải. Thậm chí, có nhiều ngày, ông kể “phải ăn trên rác, ngủ trên rác”. Niềm đam mê mới của ông giờ đây là điện rác và điện sinh khối.

Năng lượng hóa thạch, năng lượng lấy từ lòng đất sử dụng làm nhiên liệu đốt là một điều rất là đơn giản, nhưng làm sao để tạo ra năng lượng sạch, có văn hóa và bền vững, đó là trăn trở của chúng tôi

Doanh nhân Trần Đình Quyền

Rác thải sinh hoạt ở Việt Nam theo lời kể của kỹ sư Nguyễn Gia Long rất khó xử lý, bởi độ ẩm lên tới 60 - 70%, lại không được phân loại từ nguồn như ở nhiều nước phát triển. Có lẽ bởi vậy nên hầu hết công nghệ điện rác du nhập vào Việt Nam (đem đốt toàn bộ để lấy nhiệt phát điện) sau một thời gian đều rơi vào cảnh đắp chiếu hoặc chạy cầm chừng. Thậm chí, nếu đốt với độ ẩm cao như vậy, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra sẽ sinh ra khí độc, nguy hại với môi trường và sức khỏe con người. Chưa kể, rác sẽ không thể đốt kiệt, tỷ lệ còn lại vẫn lên tới 30 - 40%, đem đi chôn vẫn mất diện tích rất lớn.

Hàng chục năm mày mò với rác, đến nay, Trần Đình Quyền và các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ điện rác mà đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu, đánh giá cao. Theo đó, rác được máy móc phân loại thành các thành phần, cát đá, xà bần, sắt thép không phân hủy được và khó tái chế được máy tự động đẩy ra. Rác hữu cơ được máy móc tách nước, rút các chất hữu cơ mô mềm ra để chế biến phân bón; thành phần xenlulo còn lại được ép khô, đem đốt sinh ra nhiên liệu quay lại đốt các chất như linon, quần áo, giầy mũ... sinh nhiệt để phát điện.

Lò đốt được hãng Isges Heavy (Ấn Độ) chế tạo và lắp đặt theo công nghệ của hãng Thomsonp (Pháp) gồm 2 buồng, buồng chính luôn đạt nhiệt độ 1.300 - 1.400 độ C đốt kiệt, buồng thứ cấp có nhiệt độ 1.200 độ C không sinh ra khí độc, do nguyên liệu có độ ẩm chỉ còn dưới 10% nên tro xỉ còn lại chỉ 3%, đem chôn lấp cũng đơn giản. Về turbin phát điện, Tập đoàn Tín Thành hợp tác cùng với hãng Siemes (Đức) và Triveni (Ấn Độ).

Đến đây, bài toán khác nảy sinh: Phân bón chế tạo từ các chất hữu cơ mô mềm sẽ dùng làm gì, đưa đi đâu? Ông Quyền và các cộng sự đã mất gần 10 năm để giải bài toán này. Cây cao lương từ Mỹ, Ấn Độ, Braxin được đưa về chọn lọc, thuần giống để thích nghi với các vùng đất trồng cây ngắn ngày ở Việt Nam. Đây là loại cây ngốn phân bón rất lớn (1 ha sử dụng hơn 10 tấn phân vi sinh cho ra lượng sinh khối từ 200 - 250 tấn/năm). Toàn bộ thành phần của cây sau thu hoạch từ lá, thân, hạt đều có thể khai thác và chế biến thành các sản phẩm có giá trị như xăng sinh học, thực phẩm dinh dưỡng và thức ăn gia súc. Bã thân cây sau khi ép mật có thể làm thức ăn cho bò hoặc sấy khô làm nhiên liệu để đốt chuyển hóa năng lượng (hơi, điện).

Công nghệ xử lý rác thải mà Trần Đình Quyền và các cộng sự làm chủ nói trên nếu được đưa vào ứng dụng rộng rãi sẽ giải quyết bài toán an ninh rác thải, bài toán người nông dân được mùa mất giá, được giá mất mùa đang ngày càng trầm trọng hiện nay.

Đem lại hàng trăm nghìn, hàng triệu việc làm cho người nông dân theo mô hình công - nông nghiệp khép kín, góp phần giải bài toán ô nhiễm... đang là những giấc mơ lớn mà doanh nhân Trần Đình Quyền theo đuổi.

“Vẫn còn quá nhiều khó khăn phía trước khi xử lý rác thải, nhất là ở các thành phố lớn có liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều thủ tục, quy trình, quy định phức tạp. Nhưng chúng tôi tin điện rác, điện sinh khối sẽ trở thành xu hướng mới. Chất lượng cuộc sống của người dân hôm nay và các thế hệ tương lai đang đòi hỏi những lựa chọn sáng suốt và những công nghệ tốt chắc chắn sẽ có chỗ đứng”, ông Quyền tự tin khẳng định.

Tin bài liên quan