Đã xuất hiện “làn sóng ngược” của những người trẻ quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên những lợi thế sẵn có

Đã xuất hiện “làn sóng ngược” của những người trẻ quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên những lợi thế sẵn có

Doanh nhân trẻ kiến tạo nền nông nghiệp xanh

0:00 / 0:00
0:00
Từ nguồn tài nguyên bản địa, thế hệ doanh nhân trẻ đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, góp phần hình thành nền nông nghiệp xanh dựa trên công nghệ và kiến thức.

Vươn ra toàn cầu từ lợi thế bản địa

Những ngày cuối năm 2023, CEO Trần Thị Hồng Thắm của Công ty TNHH ABACA Việt Nam tất bật cùng đội ngũ chuẩn bị sản phẩm, sẵn sàng cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên của sản phẩm muối giảm mặn mang thương hiệu Nanosalt sang thị trường Hàn Quốc.

Nhà đồng sáng lập ABACA Việt Nam sinh năm 1992 chia sẻ, trong thời điểm kinh tế khó khăn, Công ty may mắn có thêm 12 đại lý trong năm 2023, nâng tổng số đại lý trên cả nước lên 51. Thương hiệu Nanosalt cũng đang sẵn sàng tiến ra nước ngoài, nhờ lợi thế về giá và vùng nguyên liệu so với các thương hiệu ngoại, khi chọn đặt “đại bản doanh” tại vựa muối Quỳnh Lưu, Nghệ An.

“ABACA Việt Nam dự kiến xuất khẩu đơn hàng muối đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc vào đầu năm 2024. Chúng tôi cũng tiến tới phân phối qua các kênh thương mại điện tử quốc tế như Amazon để tiếp cận nhiều thị trường hơn nữa, mục tiêu trong năm 2024 là xuất khẩu sang Mỹ”, nữ CEO hào hứng tiết lộ.

Không được đào tạo chính quy trong ngành nông nghiệp, nhưng tình yêu với mảnh đất Quỳnh Lưu cùng sự cảm thông với đời sống nhọc nhằn của các diêm dân đã thôi thúc doanh nhân trẻ Hồng Thắm chế tạo ra muối giảm mặn từ “mật muối” (phần chất lỏng thường bị bỏ lại trên cánh đồng sau khi hạt muối trắng đã được thu hoạch). Cô là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ doanh nông trẻ Việt Nam - thế hệ doanh nhân đi lên từ nông nghiệp và làm nông nghiệp với tư duy bài bản, hiện đại.

Nếu như trong quá khứ, nông nghiệp thường được mặc định là một lĩnh vực vất vả, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, khiến nhiều người trẻ tìm mọi cách thoát ly lên thành phố để tìm kiếm cơ hội; thì nay, đã xuất hiện một “làn sóng ngược” của những cá nhân quyết tâm trở về quê hương khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên những lợi thế sẵn có.

Từ các sản phẩm đơn sơ, mộc mạc, họ nâng cấp thành nhiều dòng sản phẩm khác nhau, được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. So với thế hệ nông dân đi trước, các doanh nông trẻ có khả năng học hỏi, tiếp cận các kiến thức nông nghiệp nhanh chóng, dễ dàng hơn; có tư duy tốt về tài chính, về thị trường; biết cách sử dụng công nghệ, thậm chí tự sáng tạo ra công nghệ để tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp.

Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức về số lượng doanh nông trẻ đang tham gia thị trường, nhưng con số đang tăng lên theo từng năm và theo lời bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, “các bạn trẻ trên đường khởi nghiệp đã bằng hành động của mình đẩy phong trào khởi nghiệp nông nghiệp tiến lên những bước thiết thực”.

Đồng hành với nông dân để phát triển bền vững

- Doanh nhân Trần Thị Hồng Thắm, CEO Công ty TNHH ABACA Việt Nam

Các dự án khởi nghiệp của thế hệ doanh nông trẻ thường giống nhau ở 4 điểm, đó là: quan tâm đến cộng đồng, đưa công nghệ mới vào quá trình sản xuất, gắn bó với thiên nhiên và quan tâm gia tăng sức mạnh địa phương. “Tôi bất ngờ là 4 điểm nổi bật này lại chính là 4 trong 10 điểm nằm trong xu hướng tiêu dùng của thế giới. Trong chia sẻ với mối quan tâm của thị trường nói chung, rõ ràng các bạn đã hội nhập rất tốt”, bà Hạnh nói.

Tương tự Nanosalt, một thương hiệu khác của Việt Nam là Sokfarm đã và đang mở rộng phạm vi phân phối sản phẩm ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. CEO Phạm Đình Ngãi của Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết, sau 4 năm khởi nghiệp, Sokfarm - thương hiệu đầu tiên tại Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm hữu cơ từ mật hoa dừa, đã có mặt tại 4 thị trường quốc tế là Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hà Lan.

Khởi đầu từ vùng đất Trà Vinh, địa phương có diện tích trồng dừa lớn thứ hai cả nước, Sokfarm đã khôi phục lại kỹ thuật thu mật hoa dừa, một trong những nghề truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh. Từ nguồn nguyên liệu đầu vào là mật hoa dừa, doanh nghiệp chế biến thành các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay, như mật hoa dừa cô đặc hoặc đường hoa dừa hữu cơ, với vị ngọt nhẹ thanh, thích hợp dùng như một loại gia vị có chỉ số đường huyết thấp, lượng khoáng cao, giúp cơ thể bổ sung năng lượng, cân bằng quá trình điện giải.

Đặc biệt, dòng sản phẩm nước tương mật hoa dừa của Sokfarm được chế tạo từ 2 nguyên liệu là mật hoa dừa và muối biến, không có chất bảo quản, chất điều vị…, nên phù hợp với xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, được khách hàng thế giới tìm mua nhiều.

“Tính bản địa trong khởi nghiệp nông nghiệp là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường. Cây dừa là loại cây bản địa của Trà Vinh, giúp Sokfarm có lợi thế về vùng nguyên liệu và đủ sức để phát triển lớn trong tương lai. Nhờ lợi thế này, Sokfarm có thể xuất khẩu sang các quốc gia không có trái dừa như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…, bởi họ có nhu cầu lớn hơn và sự cạnh tranh thì ít hơn”, CEO Phạm Đình Ngãi chia sẻ.

Cần sự hỗ trợ về vốn và truyền thông từ Nhà nước

Khởi nghiệp là một hành trình không dễ dàng, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp càng khó khăn hơn. Ngay tại quốc gia có phong trào khởi nghiệp nông nghiệp mạnh mẽ như Israel, tỷ lệ thất bại theo thống kê vào khoảng 90%. Với Việt Nam, quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, khởi nghiệp nông nghiệp còn mạo hiểm hơn.

Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Theo các chuyên gia, khi các cuộc khủng hoảng tiền tệ, khủng hoảng dầu khí, khủng hoảng vàng xảy ra, ngành chức năng có thể bám vào một số nguyên lý cơ bản để đề ra giải pháp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu là một dạng khủng hoảng phi truyền thống, bất định và mơ hồ, nên khi xảy ra, các hình tượng thời tiết cực đoan khiến doanh nghiệp nông nghiệp phải chịu tác động mạnh mẽ.

Vài năm gần đây, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã tới Việt Nam để tìm kiếm các start-up tiềm năng, nhưng nông nghiệp không phải là lĩnh vực được các quỹ này nhắm tới. Đại diện một quỹ cho biết, họ quan tâm đến các dự án start-up có hàm lượng sáng tạo hoặc công nghệ cao. Các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp không phải “gu” của họ, bởi tốc độ tăng trưởng chậm, thời gian hoàn vốn lâu, rủi ro cao, cũng như khó đưa ra tiêu chí để đánh giá mức độ thành công.

Hơn lúc nào hết, các doanh nông trẻ cần có sự hỗ trợ vốn từ phía Nhà nước để đủ nguồn lực đầu tư vào sản xuất, mở rộng mô hình. CEO Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Với quy mô hiện tại, ABACA Việt Nam chưa đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn và ngay được. Chúng tôi đang cần những nguồn vốn lớn để phát triển quy mô rộng hơn, đáp ứng nhanh nhu cầu của thị trường và tối ưu chi phí”.

Trong khi đó, đại diện Sokfarm bày tỏ mong muốn Nhà nước có thêm chính sách vay vốn ưu đãi với thế hệ doanh nông trẻ, để nguồn vốn chảy vào, tạo nền tảng giúp doanh nghiệp gia tăng đầu tư, mở rộng thị trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ quay lại thu mua, liên kết với nhiều hộ nông dân hơn, tạo tác động lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Dù các doanh nông trẻ gặp nhiều thuận lợi trên hành trình khởi nghiệp, như có thế mạnh từ nguồn nguyên liệu bản địa, chọn đúng xu thế tất yếu của tương lai là nông nghiệp xanh và nông nghiệp bền vững, được sự ủng hộ của bà con nông dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ…, nhưng không thể phủ nhận, sản phẩm của những doanh nghiệp này thường có tính mới cao, cần được hỗ trợ truyền thông để tiếp cận người dùng. Bản thân các doanh nông trẻ đa phần có nhiệt huyết, giỏi nắm bắt công nghệ, ngoại ngữ, nhưng thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ, nên rất cần được dẫn dắt, trợ giúp để đưa nông sản Việt tiến xa ra thế giới.

“Ngành nghề chúng tôi lựa chọn lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, đôi lúc người dùng không hiểu đây là gì. Trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với khó khăn như hiện nay, tôi mong nhận được sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành, cùng giới thiệu nông sản bản địa đi xa hơn. Khi sản phẩm lan tỏa tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội bán nhiều hàng hơn và giải quyết được vấn đề doanh thu, dòng tiền”, CEO Phạm Đình Ngãi chia sẻ.

Tương tự, CEO Trần Thị Hồng Thắm cho biết, khó khăn lớn nhất với ABACA Việt Nam hiện nay là việc truyền thông đến người tiêu dùng. Công ty sở hữu bằng sáng chế trong công nghệ phân tách đa tầng - công nghệ lõi để sản xuất các sản phẩm muối giảm mặn; cùng với vùng nguyên liệu rộng lớn, nhưng chưa mạnh về truyền thông và phát triển kênh bán hàng. Vì thế, phía doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ từ Nhà nước để có thể kết nối với các nhà phân phối lớn mạnh, đưa thương hiệu Nanosalt đi nhanh hơn.

“Tôi hy vọng các bộ, ban, ngành sẽ triển khai thêm nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp xanh, tôi đề xuất Chính Phủ và các bộ, ngành quan tâm hơn về các thủ tục giấy tờ, cũng như cùng đồng hành với các doanh nghiệp trong 3 năm đầu để người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn”, nhà đồng sáng lập ABACA Việt Nam bày tỏ.

Tin bài liên quan