Doanh nhân Việt bền gan, vững chí

(ĐTCK) Năm 2023 có thể đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực tự tin sẽ vượt qua sóng gió, hướng đến phát triển bền vững. 

Chứng khoán BIDV (BSC): Đặt mục tiêu trở thành công ty chứng khoán số tiên tiến hàng đầu Việt Nam

Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC).
Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC).

BSC là 1 trong 2 công ty chứng khoán đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chặng đường hơn 23 năm hình thành và phát triển của BSC thể hiện ý chí nỗ lực, khát vọng vươn lên; tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng; không ngừng đổi mới; bản lĩnh vượt qua mọi thử thách, sóng gió.

Trải qua nhiều thăng trầm của thị trường, BSC vẫn luôn tự tin vượt khó, gặt hái được những thành công và khẳng định được vị thế là một trong những công ty chứng khoán có uy tín, hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Là một thành viên của hệ thống BIDV, BSC nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ ngân hàng mẹ trong suốt quá trình hoạt động và phát triển. Đây là nền tảng quan trọng để BSC luôn nằm trong nhóm những công ty chứng khoán có uy tín và năng lực cạnh tranh hàng đầu.

Công ty cũng luôn nằm trong nhóm công ty chứng khoán đầu tiên triển khai các dịch vụ mới như: Cung cấp dịch vụ giao dịch hợp đồng tương lai năm 2017; i-Broker, i-Invest năm 2018; Phát hành chứng quyền có đảm bảo năm 2019; Mở tài khoản trực tuyến eKYC và Zalo Official Account năm 2020.

BSC đã lựa chọn cho mình một cách đi “không quá nhanh để tránh vấp ngã, không quá chậm để bị bỏ lại phía sau”, “lớn lên từ bé, đứng ngay từ đầu”, xây dựng đội ngũ nhân sự lớn mạnh, bên cạnh việc phát triển các mảng nghiệp vụ chuyên sâu theo kịp tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với việc chính thức xác lập quan hệ hợp tác toàn diện với đối tác chiến lược Hana Securities

(Hàn Quốc), BSC quyết định xây dựng định hướng phát triển giai đoạn mới với mục tiêu trở thành công ty chứng khoán số tiên tiến hàng đầu Việt Nam, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hiện đại nhất cho nhà đầu tư.

Ghi dấu bước đi đầu tiên cho một chặng đường mới, BSC đã ra mắt nhận diện thương hiệu mới với hình ảnh logo trẻ trung, năng động, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, trên nền những giá trị cốt lõi đặc trưng vốn có của BSC: Niềm tin (Belief) - Hợp lực (Synergy) - Sáng tạo (Creativity).

Với tâm thế và diện mạo mới, với sứ mệnh phụng sự khách hàng, BSC cam kết sẽ tiếp tục Mang đến niềm tin yêu và Kết nối sức mạnh để Sáng tạo không ngừng trong hành trình đồng hành cùng khách hàng trên vạn nẻo đường của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Vững tin vào năm 2023

Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).
Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP).

Năm 2022, trước những diễn biến không mấy tích cực của tình hình kinh tế thế giới thời kỳ hậu Covid-19, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, ngành nhựa trong nước cũng bị ảnh hưởng, trong đó có phân khúc sản phẩm nhựa kỹ thuật phục vụ cho xây dựng dân dụng, phát triển hạ tầng và một số lĩnh vực đầu tư khác mà NTP đang sản xuất.

Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng rằng, mọi khó khăn chỉ là nhất thời. Năm 2023, mặc dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng cũng có không ít tín hiệu tích cực.

Cụ thể, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công; nguồn vốn tín dụng sẽ được Chính phủ quan tâm điều tiết theo hướng ưu tiên cho sản xuất, phát triển kinh tế đất nước, tạo việc làm cho người lao động; ngành xây dựng dân dụng sau quá trình rà soát để hoàn thiện quy chế quản lý đảm bảo tính pháp lý sẽ tạo lập thị trường lành mạnh, tạo đà cho sự hồi phục…

Trong đó, các dự án đầu tư công được triển khai chính là cơ hội cho doanh nghiệp ngành nhựa tăng trưởng khi mà thị trường bất động sản chưa thể phục hồi nhanh, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Điều này thúc đẩy phân khúc bất động sản công nghiệp phát triển mạnh, góp phần tạo điều kiện cho ngành nhựa Việt Nam nói chung và NTP nói riêng giữ được đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Năm 2022, NTP ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đạt được tổng doanh thu gần 7.000 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty được thị trường tin dùng bởi chất lượng sánh vai với các nước phát triển. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi Australia, New Zealand, Nhật Bản, Đức.

Với những tín hiệu lạc quan của thị trường trong năm 2023, NTP tự tin đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.200 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục thực hiện các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động.

Kỳ vọng đầu tư công được thúc đẩy

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4.

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022.

Chúng tôi rất mừng vì thời gian vừa qua, Chính phủ đã đẩy mạnh các dự án đầu tư công, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang làm việc với công suất cao.

Trong khi đó, các nút thắt như thiếu đá xây dựng và đất đắp dần được giải quyết khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; xu hướng giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang có động thái mở cửa nền kinh tế, đây là tín hiệu tích cực vì nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn cung xuất khẩu của thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với Cienco 4, Công ty đã trúng thầu và đảm nhận hàng loạt gói thầu quy mô lớn thuộc các dự án trọng điểm của ngành giao thông - vận tải, điển hình như gói thầu XL04 - cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu; gói thầu XL09 - cao tốc Cam Lộ - La Sơn; gói thầu XL02 - cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; gói thầu XL02 - cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Công ty cũng đã và đang thi công đảm bảo chất lượng nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA như Tân Vũ - Lạch Huyện, đường Vành đai 3 trên cao Hà Nội, Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đây là điều mà Ban Quản lý dự án 2 đánh giá cao và quyết định giao gói thầu XL04 dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc cho Cienco 4.

Công ty đặt mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ 330 tỷ đồng, các con số này đều tăng trưởng so với năm 2022. Trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài có công nghệ xây dựng tiên tiến, hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, vừa để tận dụng nguồn vốn, vừa học hỏi và chuyển giao công nghệ.

Toàn cầu hóa hoạt động đầu tư và kinh doanh

Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG).
Ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (TIG).

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường năm 2022, TIG cũng bị ảnh hưởng khi công tác bán hàng gặp những khó khăn nhất định.

Qua những giai đoạn như vậy, chúng tôi càng kiên định với chiến lược đã chọn, đó là không dùng đòn bẩy tài chính nhiều, không huy động trái phiếu với lãi suất cao, phát triển dự án một cách có chọn lọc, đảm bảo tập trung nguồn lực.

Nhìn sang năm 2023, việc thị trường phục hồi hay không, phục hồi ở mức độ nào phụ thuộc khá nhiều vào các chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, rất có thể xu hướng chung sẽ là thận trọng, quản lý ngày càng chặt chẽ. Do đó, thị trường cần nhiều thời gian để có thể sôi động trở lại và mức độ hồi phục cũng sẽ diễn ra từ từ, chứ không bùng nổ.

Riêng với TIG, do không quá phụ thuộc vào vốn vay, tự chủ về tài chính nên chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thi công giai đoạn 2 dự án Vườn Vua Resort để sớm bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Thời gian qua, TIG đã thực hiện M&A một số dự án và đang chuẩn bị cho ra hàng. Quan điểm của chúng tôi là không dùng vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, tập trung M&A các dự án đã có sản phẩm, TIG chủ yếu tái cấu trúc tài chính, sản phẩm, đầu tư xây dựng tiếp để rút ngắn thời gian ra hàng, tạo dòng tiền.

Ngoài ra, năm 2023, TIG cũng sẽ đẩy mạnh việc đầu tư các dự án bất động sản tại châu Âu, cùng với đó là tạo lập các quỹ, hướng tới việc đưa dòng vốn đầu tư từ châu Âu trở về Việt Nam. Các công việc chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo trong năm 2022. Định hướng của TIG thời gian tới là toàn cầu hóa hoạt động đầu tư và kinh doanh, hướng tới các thị trường quốc tế tiềm năng và phát triển bền vững.

Phát triển hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics

Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gemadept.

Năm 2023, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ phục hồi, phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Gemadept tham gia thị trường chứng khoán từ năm 2002 với mã chứng khoán GMD, là một trong những mã cổ phiếu đại diện cho ngành cảng và logistics Việt Nam được rất nhiều định chế tài chính, quỹ đầu tư toàn cầu, cũng như các nhà đầu tư trong nước lựa chọn đầu tư dài hạn.

Với 33 năm kinh nghiệm trong ngành khai thác cảng và logistics, Gemadept đã hình thành và ngày càng phát triển hệ sinh thái tích hợp cảng và logistics cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trong giai đoạn tới, Gemadept sẽ tiếp tục đưa vào vận hành những đại dự án cảng biển và phát triển

logistics, góp phần tích cực thúc đẩy dòng chảy kinh tế của đất nước, đưa Việt Nam đóng góp ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khẳng định quyết tâm phát triển xanh và thông minh, Gemadept đã, đang và sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong quản lý, điều hành, khai thác nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động và đem đến những giá trị vượt trội cho các bên liên quan.

Năm 2023 được nhận định là một năm có nhiều thách thức đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong đó, ngành cảng và logistics sẽ đối diện với không ít khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đứt gãy và nhu cầu hàng hóa có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong nguy luôn có cơ, khó khăn luôn song hành với cơ hội, Gemadept với truyền thống và tinh thần vượt trở ngại sẽ tiếp tục mạnh mẽ vượt qua “sóng cả”, đón vận hội mới, hướng đến phát triển bền vững.

Nhân dịp Xuân mới, xin gửi đến quý vị cổ đông, nhà đầu tư, các cơ quan, ban, ngành, các khách hàng, đối tác lời chúc sức khỏe, an lành và thịnh vượng.

Chúng ta hãy cùng nhau giữ vững tâm thế, quản trị linh hoạt và hợp tác hiệu quả để đạt đến những thành tựu mới trong tương lai.

Cuộc đua công nghệ số trong ngành bảo hiểm sẽ tiếp diễn

Ông Nguyễn Kim Lân, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
Ông Nguyễn Kim Lân, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI).

Tôi cho rằng, năm 2023, thị trường bảo hiểm sẽ có thêm nhiều yếu tố tác động đến hoạt động kinh doanh, mức tăng trưởng có thể thấp năm 2022, do năm ngoái tăng trưởng trên nền doanh thu thấp của năm 2021.

Năm 2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực, sẽ giúp thị trường bảo hiểm gia tăng sức mạnh tài chính và minh bạch hóa.

Bên cạnh đó, Luật tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty bảo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh mới buộc các doanh nghiệp bảo hiểm nội phải chuyển đổi, đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng tính cạnh tranh cũng như phù hợp với các quy định mới của Luật.

Thời gian gần đây, thị trường bảo hiểm chứng kiến cuộc chạy đua công nghệ số nhằm tạo trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Cuộc chạy đua này chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023, do những tác dụng tích cực mà công nghệ đem lại cho doanh nghiệp bảo hiểm như tiết giảm chi phí quản lý, tăng độ hài lòng khách hàng, tối ưu trải nghiệm…

Dù mới chỉ đem lại những thay đổi bước đầu, nhưng theo tôi, những thay đổi về công nghệ sẽ là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp bảo hiểm trong nước bắt kịp xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời hướng tới sự phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2023 sẽ được hưởng lợi từ những chính sách về lãi suất hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, giúp gia tăng lợi nhuận.

Chuyển đổi số sẽ tiếp tục là xu hướng trong ngành bán lẻ

Bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long.
Bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long.

Năm 2022 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bán lẻ nhờ đòn bẩy từ tăng trưởng chung của nền kinh tế, quá trình hồi phục ở nhiều lĩnh vực sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sang 2023, ngành bán lẻ có thể đối mặt với những thách thức về lạm phát, lãi suất tăng, ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu của người tiêu dùng.

Nhóm hàng thiết yếu (như văn phòng phẩm) sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng vẫn tồn tại rủi ro ngắn hạn như giảm đầu tư và dự trữ hàng hóa tại các điểm bán (POS).

Đặc thù ngành văn phòng phẩm nhìn chung bình ổn với biến động kinh tế, nhưng chuyển đổi số dự đoán tiếp tục là xu hướng trong ngành bán lẻ, đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu trong thời đại số.

Để tiếp tục bứt tốc, doanh nghiệp văn phòng phẩm cần nỗ lực đổi mới và nâng cao giá trị sản phẩm, trải nghiệm khách hàng nhằm tăng cường tính cạnh tranh và đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng trẻ. Trong một nền kinh tế cảm xúc, người tiêu dùng không chỉ mua một sản phẩm, dịch vụ hay tính năng, mà còn cả những trải nghiệm và cảm xúc đằng sau đó.

Sản phẩm đa dạng, mang tinh thần cá nhân và công nghệ chính là những dấu ấn mà Thiên Long theo đuổi từ năm 2022, thông qua sự ra đời các bộ sản phẩm như Pazto, sáp màu đa năng, sản phẩm DIY & STEAM...

Không dừng lại ở giá trị sử dụng, các sản phẩm này mang cảm xúc, sự tươi mới và cá tính của người dùng thời đại mới, mở ra những “dấu chấm tiếp nối” trong hành trình chạm tới gần hơn trái tim người tiêu dùng trẻ, với sự ra đời của nhiều bộ sản phẩm phù hợp xu thế, mang giá trị cao trong năm 2023. Đây cũng là tầm nhìn và chiến lược dài hạn của Thiên Long: lấy tốc độ tăng giá trị sản phẩm bổ sung việc tăng sản lượng và nhu cầu thuần.

Đặc biệt, với sự ra đời của chuỗi cửa hàng riêng Clever Box và liên tục đẩy mạnh công nghệ số trong vận hành cùng văn hóa đổi mới, Thiên Long đã nâng tầm trải nghiệm, giúp người tiêu dùng có thể tận hưởng các dịch vụ, sản phẩm cảm xúc mang giá trị và tính cá nhân hóa cao, như các xu thế đang diễn ra ở các thị trường quốc tế.

Thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo

Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC).

PVCFC có sứ mệnh phục vụ hàng triệu nông dân bằng những dòng phân bón dinh dưỡng cao phù hợp với nhiều loại cây trồng và vùng đất.

Ứng dụng thành tựu công nghệ trên nền tảng công nghiệp hóa dầu giúp PVCFC đạt hiệu quả kinh doanh, đồng thời góp phần thay đổi diện mạo kinh tế nông nghiệp nước nhà theo hướng phát triển xanh, bền vững.

Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì công suất tốt, nhưng lại có mức tiêu hao năng lượng khá thấp khi so sánh với các nhà máy tương tự trên thế giới.

Mới đây, nhà bản quyền hàng đầu châu Âu công nhận Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc “Top 10% nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới” và là nhóm 10% ít ỏi các nhà máy có công suất cao toàn cầu.

Năm 2022 tiếp tục đánh dấu mốc son tự hào trong công tác sáng tạo, đổi mới nghiên cứu và áp dụng khoa học công nghệ của PVCFC: 118 sáng kiến/giải pháp hữu ích được công nhận và nghiệm thu, mang lại lợi ích tính được thành tiền cho Công ty lên đến 114,29 tỷ đồng; 3 công trình được trao tặng “Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam - Vifotech năm 2021”…

Sản phẩm “Phân bón Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng” được nhà nông khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các khu vực khác của cả nước đón nhận. Bên cạnh đáp ứng kịp thời các nhu cầu bà con trong nước, sản phẩm của PVCFC hiện đã vươn tầm quốc tế và xâm nhập các thị trường lớn như Ấn Độ, Brazil…, góp phần gia tăng uy tín, vị thế nông nghiệp Việt trên thị trường thế giới.

Phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, PVCFC tiên phong thử nghiệm, cung cấp các sản phẩm phân bón mới mang lại các lợi ích, giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp.

Công ty cho ra đời các sản phẩm phân bón chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu từng loại cây trồng mục tiêu, tiêu biểu như các sản phẩm NPK Cà Mau, nhóm phân bón hữu cơ vi sinh OM CAMAU… trong mục tiêu hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng, nâng cao lợi ích người dùng và thiết thực chung tay phát triển nông nghiệp xanh bền vững.

Trong khó khăn, giá trị bảo vệ của bảo hiểm càng trở nên sâu sắc

Ông Hwang Jun Hwan, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam.
Ông Hwang Jun Hwan, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hanwha Life Việt Nam.

Những khó khăn về kinh tế có thể tiếp diễn trong năm 2023 và ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bảo hiểm nói chung, bảo hiểm nhân thọ nói riêng, tốc độ tăng trưởng của thị trường nhiều khả năng sẽ chậm lại.

Mặc dù người dân có nhu cầu về bảo hiểm, nhưng quyết định mua sẽ phụ thuộc vào điều kiện tài chính của họ.

Dự kiến, trong năm 2023, thu nhập của người dân chưa thể cải thiện đáng kể so với mặt bằng năm 2022, do đó, chưa thể tạo đà để thị trường phát triển như những năm trước đó.

Dù vậy, theo nhận định của tôi, những khó khăn về kinh tế, lạm phát cao chỉ là ngắn hạn, tiềm năng thị trường trong dài hạn vẫn còn rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ dân số Việt Nam có bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 10%.

Trong khi đó, thị trường có nhiều yếu tố thúc đẩy như Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hướng đến nâng cao, đảm bảo quyền lợi khách hàng; Chính phủ đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD đến năm 2030, 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ đến năm 2025… Đặc biệt, tôi tin rằng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì giá trị bảo vệ của bảo hiểm lại càng trở nên sâu sắc và rõ nét.

Đây là các yếu tố tích cực đẩy mạnh sự quan tâm của người dân đến bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng, thúc đẩy các công ty bảo hiểm phát triển tốt hơn nữa nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng, góp phần tạo động lực cho thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

BSR chinh phục giới hạn vận hành an toàn

Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Năm 2022, BSR đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, góp phần vào thành công chung của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đặc biệt, BSR đã chinh phục giới hạn vận hành an toàn (SOL mới) tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là 112%/103% kế hoạch vận hành năm.

Vào lúc 10h10 ngày 8/12/2022, chỉ tiêu sản lượng của nhà máy đạt mốc kế hoạch năm 2022 là 6.499.087 tấn, về đích sớm 23 ngày và dự kiến cả năm, BSR sẽ sản xuất khoảng 7 triệu tấn sản phẩm các loại, doanh thu ước đạt 165.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 18.048 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12.176 tỷ đồng.

Các kết quả sản xuất - kinh doanh của BSR năm 2022 ước tính đóng góp 17,8% doanh thu, 18,8% lợi nhuận sau thuế và 10,6% nộp ngân sách nhà nước trong toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong năm 2022, Nhà máy chế biến thành công thêm 2 chủng loại dầu thô mới và đưa vào chế biến sản phẩm trung gian LSFO tại phân xưởng RFCC, góp phần tăng sản lượng cơ cấu sản xuất xăng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng. Bên cạnh đó, Công ty hoàn thành sản xuất thử nghiệm sản phẩm PP mới BOPP (500 tấn) vào tháng 6/2022, đạt các chỉ tiêu chất lượng để xuất cho khách hàng.

BSR cũng thực hiện sản xuất và xuất bán các sản phẩm nhiên liệu quốc phòng gồm xăng RON 83, Diesel DO L-62 và JetA-1K cho Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng để sử dụng trên các thiết bị quân sự đặc biệt.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, BSR đạt được các thành tích như Giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ năm 2022, Top 10 doanh nghiệp khoa học công nghệ và là doanh nghiệp dẫn đầu ngành dầu khí với 383 sáng kiến trong chương trình 1 triệu sáng kiến (giai đoạn 1) do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Ngoài ra, BSR đạt giải Top 10 công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin và minh bạch tốt nhất kỳ đánh giá năm 2021 - 2022, doanh nghiệp đạt chuẩn “Văn hoá kinh doanh” năm 2022.

Năm 2023, BSR phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh, chỉ tiêu tài chính mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao; đẩy nhanh tiến độ dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hoàn thành công tác bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5 với các mục tiêu an toàn, chất lượng, đảm bảo tiến độ và tiết kiệm chi phí.

Lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục thuận lợi

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC).
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC).

Vào những ngày cuối năm 2022, KBC đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, thông qua nhiều kế hoạch quan trọng cho năm 2023.

Cụ thể, mua lại 100 triệu cổ phiếu, tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để giảm vốn điều lệ, giá mua lại không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với số tiền chi tối đa là 3.400 tỷ đồng.

Trong năm 2023, KBC dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 20% và đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất 9.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế là 4.000 tỷ đồng.

Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận thuê đất đã được KBC và đối tác thống nhất, ký các biên bản ghi nhớ.

Sáng 2/1/2023, UBND tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian của nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd để thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Quang Châu.

Dự án thực hiện trên diện tích đất 49,6 ha thuộc phần diện tích Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng thêm 90 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2022. Mục tiêu chính của dự án là sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông công nghệ cao, dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2023, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động trong giai đoạn 1.

Năm 2023, hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp như KBC dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi khi nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Sự phát triển của sản xuất công nghiệp đã đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội, thúc đẩy các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp phát triển.

Phát triển công nghiệp đã có tác động lan tỏa đến các hoạt động dịch vụ và ngược lại, các hoạt động dịch vụ đã đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. Công nghiệp đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống người lao động, đặc biệt là các lao động địa phương.

Bước đi thận trọng, đầu tư vừa sức

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco).
Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco).

Với nhiều khó khăn từ môi trường kinh doanh và những biến động về chính sách vĩ mô, năm 2022, Lideco không hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Dù vậy, Công ty vẫn đảm bảo nguồn lực tài chính vững vàng và duy trì tỷ lệ vay nợ rất thấp nên không chịu tác động quá nặng nề từ khó khăn trong năm qua.

Lideco luôn xác định những bước đi thận trọng, đầu tư vừa sức, làm dự án nào tập trung vào dự án đó và hoàn thiện cảnh quan, môi trường sống để người dân thuận tiện đến ở.

Công ty chủ trương nghiên cứu và thực hiện các giải pháp để phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững.

Trong năm 2022, Công ty đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhà thu nhập thấp tại dự án kinh doanh hạ tầng khu đô thị ở các phường Cao Thắng, Hà Khánh, Hà Lầm, TP. Hạ Long, đủ điều kiện để bán hàng. Trong bối cảnh sức mua của thị trường yếu, Công ty sẽ chờ thời điểm thích hợp mới triển khai công tác bán hàng.

Với dự án Khu đô thị mới Dịch Vọng, Hà Nội, Lideco đang phối hợp cùng chính quyền địa phương đền bù giải phóng mặt bằng vị trí No11 để có thể đưa vào đầu tư xây dựng ở thời điểm phù hợp. Đồng thời, tập trung làm việc với Thành phố để hoàn thiện thủ tục ký hợp đồng thuê đất và trả tiền thuê đất một số lô đất theo quy hoạch tại dự án.

Công ty cũng dự kiến dành nguồn lực để nghiên cứu tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án mới, nếu điều kiện thị trường thuận lợi.

APH kỳ vọng vào sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn

Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH).
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (APH).

Về chiến lược ngắn hạn, chúng tôi kiên định với mục tiêu phát triển mảng sản phẩm và nguyên liệu xanh, ưu tiên đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Công ty sẽ tích cực mở rộng thị phần sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn trên thị trường quốc tế cũng như thị trường nội địa.

Về chiến lược dài hạn, việc chủ động về nguyên liệu thân thiện với môi trường sẽ giúp APH giảm giá thành sản phẩm xanh.

Chúng tôi đặt kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng ổn định, sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn có thể nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng khi giá thành sản phẩm giảm đi đáng kể.

Bên cạnh dòng sản phẩm xanh, lĩnh vực bất động sản công nghiệp tiếp tục được xác định là lĩnh vực mũi nhọn đem lại sự tăng trưởng lớn mạnh cho APH.

Chúng tôi có kế hoạch mở rộng quỹ đất khu công nghiệp để phát triển các dự án bất động sản công nghiệp, đồng thời tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để xây dựng các khu bất động sản công nghiệp xanh tiên phong tại Hải Dương.

APH sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình kinh doanh bền vững theo tiêu chí ESG, đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và lợi ích của cộng đồng, xã hội.

Đa dạng thị trường dệt may, đẩy mạnh vào Nhật Bản, Hàn Quốc

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM).

Năm 2023 mở ra một giai đoạn khó khăn mà TCM phải đối mặt. Chúng tôi nhìn thấy rõ tình hình kinh doanh không dễ như năm 2022.

Năm vừa qua, thị trường trong nửa đầu năm rất tốt, nhưng sau đó, tình trạng thiếu hụt đơn hàng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp dệt may, dự kiến sẽ kéo dài sang năm 2023.

Bởi vậy, bức tranh kinh doanh năm nay được chúng tôi nhìn nhận sẽ không có nhiều lạc quan. TCM sẽ cố gắng ở mức cao nhất. Trong năm 2022, dù có nhiều thách thức, nhưng TCM vẫn hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh thu đạt 4.240 tỷ đồng (đạt 99% kế hoạch), lợi nhuận đạt 272 tỷ đồng (vượt 7% kế hoạch).

Năm nay, TCM tiếp tục đa dạng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc để bù đắp cho sự thiếu hụt ở thị trường Mỹ do ảnh hưởng bởi lạm phát. Bên cạnh mở rộng dư địa để tăng doanh thu, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát tốt chi phí, tiết giảm chi phí để cải thiện biên lợi nhuận.

Tôi kỳ vọng, qua quý III/2023 lạm phát dần được kiểm soát tốt hơn tại thị trường Mỹ và châu Âu, sức cầu tiêu dùng tốt hơn, đơn hàng sẽ quay trở lại. Nửa cuối năm 2023, ngành dệt may sẽ khởi sắc.

Tin bài liên quan