Nhiều lực đỡ cho thị trường năm 2023

Nhiều lực đỡ cho thị trường năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kinh tế vĩ mô ổn định, khối ngoại tham gia tích cực, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế…, chính là các lực đỡ quan trọng cho thị trường trong năm 2023.

Tín hiệu phục hồi của thị trường vào cuối năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam bước vào giai đoạn cuối năm 2022 với những tín hiệu khá tích cực, sau giai đoạn giảm sâu từ đầu quý II đến giữa quý IV. Điểm số, thanh khoản đều cho thấy sự phục hồi đáng kể, bên cạnh đó là sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của dòng vốn ngoại.

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính)

Đóng cửa phiên giao dịch 15/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.055,32 điểm, tăng 15,73% so với 1 tháng trước đó, thời điểm chỉ số tạo đáy ngắn hạn với 911,9 điểm (giá đóng cửa phiên 15/11/2022). Còn so với mức đáy của năm (873,78 điểm xác lập trong phiên 16/11/2022), VN-Index hồi phục 20,77%. Khối lượng giao dịch bình quân tháng 12 trên cả ba sàn đạt 1,12 tỷ cổ phiếu/phiên, mức cao nhất trong năm qua, tăng tới 38,6% so với tháng trước đó. Giá trị giao dịch bình quân cũng đạt trên 18.600 tỷ đồng, chỉ đứng sau 4 tháng đầu năm và tăng tới 45,7% so với tháng trước. Vốn hoá thị trường cũng ghi nhận sự phục hồi đáng kể, khi tăng lên mức 5,4 triệu tỷ đồng từ mức 4,7 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 15,4%, đưa vốn hoá thị trường cổ phiếu tăng thêm 9% (từ 56% GDP lên 65% GDP). (Hình 1)

Hình 1: Khối lượng, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân năm 2022. (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu công bố của UBCKNN và các sở GDCK).

Hình 1: Khối lượng, giá trị giao dịch chứng khoán bình quân năm 2022. (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu công bố của UBCKNN và các sở GDCK).

Xu hướng tăng vào giai đoạn cuối năm cũng diễn ra với thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Trong tháng 12, giá trị giao dịch bình quân đạt 3.284 tỷ đồng/phiên, tăng 17,1% so với tháng trước. Đến cuối tháng 11/2022, thị trường có 447 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.708.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2021 (tương đương 20,1% GDP). TTCK phái sinh tiếp tục diễn ra sôi động với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 luỹ kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2022 đạt 270.500 hợp đồng/phiên, tăng 43% so với bình quân năm 2021.

Các yếu tố chính thúc đẩy thị trường

Năm 2023, TTCK Việt Nam được dự báo sẽ diễn biến khó lường bởi các lực cản vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tuy nhiên, thị trường vẫn có 5 điểm tích cực từ cả tình hình quốc tế và trong nước. Đây là những yếu tố quan trọng, tạo tác động tích cực đến sự phát triển của thị trường trong năm tới.

Thứ nhất, ảnh hưởng tích cực từ thị trường tài chính toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước bớt căng thẳng sau khi lạm phát bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt, đặc biệt là tại nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, EU. Sau 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp ở mức 0,75%, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mức độ tăng lãi suất khi chỉ tăng 0,5%/năm vào tháng 12. Các nhà phân tích dự báo Fed sẽ tiếp tục giảm cường độ tăng lãi suất trong năm 2023 khi chỉ tăng tổng cộng 0,75%/năm trong năm này và bắt đầu có xu hướng giảm từ năm 2024. Lãi suất được duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ khiến nguy cơ xu hướng dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường nội địa giảm bớt, qua đó làm tăng thanh khoản, là lực đỡ cho thị trường.

Với nhiều lực đỡ, TTCK Việt Nam trong năm mới sẽ tích cực hơn.

Với nhiều lực đỡ, TTCK Việt Nam trong năm mới sẽ tích cực hơn.

Bên cạnh đó, việc lạm phát giảm tại các thị trường này (Mỹ, châu Âu là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) cũng giúp hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được đẩy mạnh khi người tiêu dùng sẵn sàng tăng chi tiêu. Lợi nhuận kỳ vọng tăng khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu tăng lên.

Thứ hai, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế. Đây là tín hiệu tích cực đối với kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng. Việc này khiến chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu được kết nối lại, hoạt động đầu tư được mở rộng, tạo sự phát triển chung cho kinh tế toàn cầu, qua đó mang lại tác động tích cực cho TTCK Việt Nam.

Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là nguyên vật liệu đầu vào, do vậy, việc nước này mở cửa sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy trực tiếp lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Đây cũng được đánh giá là yếu tố tác động tích cực đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của doanh nghiệp.

Thứ ba, động lực từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong nước. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước khá tích cực, các chỉ tiêu chính được cải thiện. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (28/12/2022), GDP năm 2022 tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022 với mức tăng 8,02%, lạm phát được kiểm soát tốt khi CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra. Kiểm soát tốt lạm phát, trong khi kinh tế tăng trưởng là điều kiện quan trọng để giữ lãi suất ở mức thấp, tạo thuận lợi cho dòng tiền chảy vào TTCK nhiều hơn, đồng thời tăng khả năng phục hồi của doanh nghiệp.

Trong khi đó, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể, trong năm 2022 có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 30,3% so với năm trước; bình quân một tháng có 17.400 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023.

Thứ tư, sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khối ngoại với tỷ trọng tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn đầu năm. Theo dữ liệu thị trường, tính chung cả tháng 11/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng sàn HOSE, dòng vốn ngoại đổ vào gần 15.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, động thái trong tháng 11 trái ngược hoàn toàn với mấy tháng trước đó. Nếu như tới cuối tháng 10, khối ngoại bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng trên cả ba sàn, thì trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, khối này đã mua ròng hơn 24.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những giai đoạn mà khối ngoại mua ròng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính luỹ kế đến ngày 15/12/2022, khối ngoại đã mua ròng gần 25.000 tỷ đồng. Việc khối ngoại giải ngân mạnh vào giai đoạn cuối năm đã là lực đỡ giúp thị trường phục hồi nhẹ từ giữa cuối tháng 11/2022 đến nay. Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại đã tăng mạnh từ 6,2% đầu năm 2022 lên 14,8% trên tổng giá trị giao dịch thị trường vào thời điểm cuối năm. (Hình 2)

Hình 2: Giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu công bố của UBCKNN)

Hình 2: Giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài. (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ số liệu công bố của UBCKNN)

Ngoài ra, chỉ số đánh giá mối quan hệ thị trường của cổ phiếu và lợi nhuận thu được trên mỗi cổ phiếu (chỉ số P/E) của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện ở mức 11,3 và được đánh giá là thấp hơn so với hầu hết thị trường khác trên thế giới. Đây được coi là yếu tố tiếp tục tạo sức hút mạnh mẽ với dòng vốn ngoại trong năm 2023. (Hình 3)

Hình 3: Định giá thấp của TTCK Việt Nam so với khu vực và thế giới. (Nguồn: Báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 của VNDirect)

Hình 3: Định giá thấp của TTCK Việt Nam so với khu vực và thế giới. (Nguồn: Báo cáo Triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 của VNDirect)

Thứ năm, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2023. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ các khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến việc giảm lãi suất tín dụng và ổn định thị trường chứng khoán. Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng; xử lý khó khăn với thị trường bất động sản; xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do các lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành làm tổ trưởng.

Đầu tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm chi phí, thủ tục hành chính… để có dư địa giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất, phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, nhằm giảm lãi suất cho vay, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, việc giảm cả lãi suất huy động và cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế là yêu cầu đối với các ngân hàng thương mại, chứ không phải chỉ là kêu gọi đồng thuận.

Các công ty chứng khoán cũng đưa ra các đánh giá tích cực về khả năng của TTCK trong năm tới. Trong báo cáo Chiến lược thị trường năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo, đà tăng của thị trường sẽ vững chãi hơn vào giai đoạn cuối năm (sau giai đoạn đầu năm tăng trưởng khá mong manh) khi ngân hàng trung ương các nước trở nên “bớt diều hâu”, qua đó sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới. Chỉ số VN-Index được dự báo sẽ đạt 1.300 - 1.350 điểm trong nửa cuối 2023.

Với nhận định tích cực hơn, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, với dự phóng P/E năm 2023 đạt 12 lần, VN-Index có thể đạt mức 1.535 điểm. Tuy nhiên, vì bản chất của thị trường vận động theo tâm lý nhà đầu tư, do đó, chỉ số sẽ có những đợt tăng giảm đan xen, chứ không đi lên tuyến tính.

Tin bài liên quan