Đối phó với báo cáo ngoại: Phản ứng chậm!

Đối phó với báo cáo ngoại: Phản ứng chậm!

(ĐTCK-online) Một trong những nội dung được đề cập tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đầu tuần này là, cần có những động thái kịp thời nhằm cung cấp thông tin rộng rãi cho công chúng, nhất là khi thông tin từ các bản báo cáo nước ngoài tràn ngập trên thị trường, trong đó có những nhận định chủ quan chưa chính xác. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng, so sánh tình hình tại Việt Nam hiện nay với Thái Lan trước cuộc khủng hoảng năm 1997 là khập khiễng, bởi về yếu tố nội tại, kinh tế Việt Nam vẫn có bước tăng trưởng khá vững chắc.

Ông Kiêm nói: “Khi xuất hiện thông tin chưa chuẩn xác, Chính phủ nên có thông báo, giải thích rõ ràng. Thời gian qua, chúng ta còn chậm phản ứng nên những mặt tốt không nói được, mặt không tốt thì cũng không giải thích được rõ ràng, trong khi những người viết báo cáo có khi thu nhận thông tin không đầy đủ, bản thân họ cũng không ngồi ở Việt Nam”. Ông Kiêm cho biết thêm, trước khủng hoảng năm 1997, Thái Lan mất khả năng thanh toán rất lớn, nhà ĐTNN bán cổ phiếu rút vốn ồ ạt. Trong khi đó, thống kê của Bộ Tài chính báo cáo tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ cho thấy, nhà ĐTNN vẫn mua ròng trên thị trường thứ cấp.

Mặt khác, báo cáo về tình hình kinh tế trong nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2008 tiếp tục đà phát triển. Giá trị sản lượng công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2007; đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 14,7 tỷ USD, tăng 160%; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt 23,4 tỷ USD, tăng 27,2%, đạt mức cao nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm gần đây…

“Thông tin chính cung cấp cho công chúng là các phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ, song bên cạnh đó sẽ có những thông tin cập nhật. Khi xuất hiện những tin tức chưa chuẩn xác thuộc về trách nhiệm của ngành nào, lãnh đạo ngành đó có trách nhiệm công bố rõ ràng hơn để người dân, NĐT trong ngoài nước được rõ”, ông Kiêm nói.

Trong 2 tuần trở lại đây, việc xuất hiện hàng loạt báo cáo của các tập đoàn tài chính trên thế giới về kinh tế Việt Nam … với những thông tin trái chiều nhau đã tác động đến tâm lý của NĐT, đặc biệt là NĐT trên TTCK. Ngay NĐT tổ chức là các quỹ nước ngoài cũng không khỏi chịu tác động. Ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital ngay khi bắt đầu câu chuyện với ĐTCK mới đây đã đề cập đến việc cần phải có những thông tin phản hồi từ các cơ quan chức năng Việt Nam trước những thông tin chưa chuẩn xác.  “Quan điểm của những người viết báo cáo có khi không khách quan bởi thiếu thông tin, phần lớn trong số họ không ngồi trực tiếp tại Việt Nam . Vẫn biết ở Việt Nam, NHNN là đầu mối đưa thông tin về chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính là cơ quan phát ngôn chuẩn xác nhất về TTCK nhưng cơ quan nào sẽ là đầu mối để phối hợp cung cấp thông tin kịp thời đến thị trường, tôi cũng chưa rõ”, ông Dominic nhận xét.

Trong khi động thái từ cơ quan có trách nhiệm tỏ ra khá chậm, một số tổ chức có uy tín đã chủ động gửi thông điệp đến NĐT của mình. Trong ngày 30 - 31/5, VinaCapital đã gửi thư đến các NĐT để làm rõ những thông tin bất lợi về thị trường tài chính Việt Nam . VinaCapital nêu quan điểm: “Gần đây, giới truyền thông quốc tế đã thông tin một cách thiếu cân bằng về các thách thức của Việt Nam . Chúng tôi cho rằng, một số đánh giá cần phải nhìn nhận lại, bởi nó được thổi phồng quá mức những khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải”.

Đề cập đến thâm hụt thương mại tăng vọt trong thời gian qua, VinaCapital cho rằng, nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu đã được thực thi với các mặt hàng không phục vụ sản xuất hoặc không cần thiết; sau khi Chính phủ đánh tiếng sẽ hạn chế nhập khẩu, đã có một làn sóng nhập khẩu trước khi các biện pháp như giảm hạn ngạch, tăng thuế được áp dụng làm gia tăng kim ngạch tạm thời…

“Những mục tiêu trung, dài hạn của Việt Nam đang đi đúng hướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đất nước này và hy vọng rằng, các bạn cũng như chúng tôi, tiếp tục tin tưởng vào tương lai của Việt Nam ”, bức thư viết.

Trong bản tin ra ngày 29/5 của Bloomberg có trích dẫn lời của Hideki Hayashi, chuyên gia kinh tế trưởng của CTCK Shinko tại Tokyo “Tôi nghĩ, tình hình ở Việt Nam không giống Thái Lan, nếu như ở Thái Lan thời kỳ trước khủng hoảng năm 1997 một lượng lớn tiền chảy khỏi đất nước làm suy yếu đồng baht thì tại Việt Nam không có chuyện như vậy”.

Ông Martin Rama, quyền Giám đốc, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, các chính sách bình ổn thị trường đang phát huy tác dụng, mặc dù có hạn chế vì độ trễ thời gian và giá lương thực thế giới tăng.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp cùng với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp làm rõ những thông tin mà các báo cáo nước ngoài đưa chưa chuẩn xác về thị trường vốn Việt Nam. Cộng đồng NĐT đang chờ đợi những phản ứng thật cụ thể cũng như thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý để vững tin hơn vào khả năng vượt qua thách thức của nền kinh tế Việt Nam cũng như TTCK nói riêng.