Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau tại Đức năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau tại Đức năm 2017. Ảnh: Reuters.

Đòn ăn miếng trả miếng Nga - Mỹ có thể tung ra vì vụ đầu độc cựu điệp viên

Mỹ có thể ra các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga trong khi Moscow được dự báo sẽ đáp trả bằng cách thực hiện những động thái quyết liệt tại Syria. 

Nga ngày 29/3 trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ để đáp trả hành động tương tự trước đó của Mỹ, trong loạt động thái phản ứng trước việc London cáo buộc Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh. Skripal đã bị Nga buộc tội phản quốc vì từng bán bí mật cho Anh, ông này đến Anh sống nhờ một thỏa thuận trao đổi gián điệp.

Những đòn trục xuất hàng loạt này xóa tan những kỳ vọng về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ, vốn được nhen nhóm sau khi Tổng thống Trump ngày 20/3 gọi điện chúc mừng người đồng cấp Putin tái đắc cử. "Đây là cái kết của một ảo mộng về cuộc đàm phán lớn với Putin, điều mà ông Trump đã ấp ủ bấy lâu nay", William Burns, chủ tịch Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói.

Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng họ có thể còn đưa ra những biện pháp khác chống lại Nga, mặc dù Moscow bác bỏ liên quan đến vụ đầu độc. Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman hồi đầu tuần cho biết Washington có thể xem xét tịch thu tài sản Nga ở Mỹ, theo WSJ.

Chính quyền của Trump hồi tháng hai cho biết không có kế hoạch ra lệnh cấm mua nợ chính phủ Nga nhưng các nhà phân tích và các nghị sĩ Mỹ nói rằng từ sau vụ tấn công Skripal, chính quyền có thể áp dụng các biện pháp để dần dần tăng áp lực tài chính đối với Moscow.

Theo Dmitri Trenin, người đứng đầu trung tâm Carnegie Moscow, một trong những biện pháp là kêu gọi các phương Tây giảm tiêu thụ khí đốt của Nga và ngừng kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang phương Tây. Cây bút Samantha Vinograd trên Politico nhận định lệnh trừng phạt nhằm vào tài sản của những cá nhân có liên quan đến Putin sẽ là một đòn mạnh.

Chính quyền Trump đã từ chối đưa ra những biện pháp như vậy, nhưng cả hai đảng trong quốc hội đều ủng hộ việc tăng cường trừng phạt chống lại Nga, với những biện pháp nhằm vào các khoản nợ, Boris Zilberman, chuyên gia về Nga tại trụ sở tại Quỹ bảo vệ các nền dân chủ ở Washington, cho biết.

"Mỹ có nhiều lựa chọn để gia tăng trừng phạt tài chính với Nga", Daniel Fry, cựu viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ tại Hội đồng Atlantic, nhận xét.

Trong khi đó, việc thiếu đòn bẩy kinh tế ở nước ngoài giới hạn khả năng của Nga trong việc đáp trả tương tự. Tuy nhiên, Nga có thể đáp trả theo những cách khác, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, cản trở hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, tấn công mạng hay có những động thái quyết liệt hơn tại Syria - nơi Nga và Mỹ hậu thuẫn các phe đối đầu nhau. 

Hồi tháng hai, một cuộc không kích của Mỹ đã giết một số công dân Nga tại đông Syria. Tướng Valery Gerasimov, người đứng đầu lực lượng vũ trang Nga, đầu tháng ba cảnh báo Nga sẽ đáp trả bằng vũ lực nếu mạng sống của quân nhân ở Syria bị đe doạ.

"Tôi cho rằng Nga sẽ đánh vào mặt gây tổn thương nhiều nhất cho Mỹ", Trenin nói. "Tôi không biết biện pháp đó có thể là gì, nhưng chúng sẽ được thiết kế để tương xứng và gây tác động lớn".

"Putin luôn muốn giành thế thượng phong và không bao giờ chịu từ bỏ. Ông ấy không chịu lùi bước. Ông ấy sẽ tìm điểm yếu của đối phương để tung đòn phản công mạnh gấp 10 lần những gì ông ấy hứng chịu", Nina Khrushcheva, giảng viên trường New School ở New York nhận xét.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai bên. Quan hệ Nga - Mỹ đang xấu đến mức "tương tự như thời Chiến tranh Lạnh", ông cảnh báo.

Tin bài liên quan