Dự án sân bay Long Thành là động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng trong 3 năm tới.

Dự án sân bay Long Thành là động lực tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng trong 3 năm tới.

Động lực cho doanh nghiệp xây lắp tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị đơn hàng chưa thực hiện cao kỷ lục là cơ sở cho các doanh nghiệp liên tiếp trúng thầu các dự án đầu tư công quy mô lớn có thể bứt phá mạnh mẽ trong 2 - 3 năm tới.

Lợi nhuận khởi sắc từ cuối năm 2023

Ngày 31/8 vừa qua, gói thầu 5.10 (trị giá hơn 35.000 tỷ đồng) - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách và gói thầu 4.6 (trị giá hơn 8.100 tỷ đồng) - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay thuộc dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được khởi công xây dựng.

Trong đó, liên danh VIETUR trúng gói thầu 5.10 bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và thương mại xây dựng ICISTAS (đứng đầu liên danh), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1 (mã CC1), Công ty cổ phần Kết cấu ATAD, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG); Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã PHC); Công ty cổ phần Hawee Cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (mã HAN).

Sau lễ khởi công, đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn tài chính, máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu để đảm bảo cùng với liên danh của mình triển khai liên tục gói thầu 5.10 nói riêng và các dự án trọng điểm khác mà Công ty đang và sẽ thi công trong thời gian tới”.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong liên danh VIETUR tăng mạnh giai đoạn trước và có biểu hiện bị chốt lời khi thông tin trúng thầu siêu dự án sân bay Long Thành được công bố chính thức.

Thống kê từ ngày 1/8 đến ngày 7/9, cổ phiếu VCG tăng nhẹ từ mức 27.550 đồng/cổ phiếu lên 28.650 đồng/cổ phiếu; từ ngày 18/6 đến ngày 7/9, cổ phiếu CC1 giảm 9,2%, từ 24.000 đồng/cổ phiếu về 21.700 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, từ ngày 9/8 đến 7/9, cổ phiếu PHC giảm 9,5%, từ 11.050 đồng/cổ phiếu về 10.000 đồng/cổ phiếu. Từ ngày 2/8 đến ngày 7/9, cổ phiếu HAN đã giảm 16%, từ 20.000 đồng/cổ phiếu về 16.800 đồng/cổ phiếu.

Theo một số chuyên gia phân tích, cần thêm một thời gian nữa để nhóm này tích luỹ trước khi bước vào chu kỳ tăng mới cũng như tìm thêm câu chuyện mới.

Thực tế, tới ngày 7/9/2023, nếu định giá theo P/E, ngoại trừ cổ phiếu CC1, với P/E là 35,29 lần, các doanh nghiệp còn lại đều có định giá cao hơn trung bình ngành (ở mức 35,83 lần). Tương tự, nếu định giá theo P/B, ngoại trừ cổ phiếu PHC, 3 cổ phiếu còn lại là VCG, CC1 và HAN đều có định giá cao hơn so với trung bình ngành.

Định giá P/E của nhóm này cao là do giá cổ phiếu (P) bật tăng nhờ kỳ vọng liên tiếp trúng thầu các dự án lớn, song lợi nhuận (E) của doanh nghiệp chưa có thay đổi. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2023 và vài năm tới, khi các doanh nghiệp xây lắp bắt đầu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận từ các gói thầu lớn vừa trúng, định giá P/E của các cổ phiếu này sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Tiềm năng nhờ giá trị backlog lớn

Nhận định được Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra, dự án sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp xây dựng - vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026. Trong đó, liên danh VIETUR có cơ hội bứt phá mạnh mẽ về kết quả kinh doanh trong giai đoạn 2023 - 2026 nhờ quy mô rất lớn của gói thầu so với mảng xây lắp khác trong ngành.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Vietcap, các doanh nghiệp trúng thầu trong gói thầu 3.10 sẽ ghi nhận lợi nhuận trong thời gian từ 3 - 3,5 năm. Một nhà thầu trong liên danh sẽ có lợi nhuận tối thiểu 35 tỷ đồng và tối đa là 525 tỷ đồng, tuỳ thuộc vào tỷ trọng phân bổ dự án và biên lợi nhuận.

Theo ước tính của Chứng khoán BSC, tính tới cuối quý II/2023, giá trị backlog của Vinaconex vào khoảng 18.000 tỷ đồng (chưa bao gồm gói thầu 5.10), gấp 3,7 lần doanh thu xây lắp giai đoạn 2021 – 2022.

Hai doanh nghiệp xây lắp có giá trị hợp đồng ký mới đáng chú ý là Tổng công ty Xây dựng số 1 và Tổng công ty Vinaconex. Trong đó, Tổng công ty Xây dựng số 1 liên tiếp trúng nhiều dự án đầu tư công, nổi bật là 4 dự án với tổng giá trị hợp đồng lên tới 13.581 tỷ đồng, gồm liên danh triển khai dự án Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang (7.555 tỷ đồng); liên danh triển khai dự án Cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (4.440 tỷ đồng); liên danh triển khai dự án Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột (1.467 tỷ đồng); dự án xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hoà (119 tỷ đồng).

Trước đó, hồi cuối tháng 4/2023, Tổng công ty Xây dựng số 1 từng chia sẻ tổng giá trị hợp đồng đã ký và đang thực hiện là gần 20.000 tỷ đồng.

Giá trị backlog lớn đảm bảo khối lượng công việc cho Tổng công ty Xây dựng số 1 trong nhiều năm tới, trái với tình trạng hàng loạt công ty xây dựng dân dụng đang gặp khó khăn khi các chủ đầu tư trì hoãn kế hoạch triển khai dự án do cạn kiệt dòng tiền và thị trường bất động sản trầm lắng.

Tại Tổng công ty Vinaconex, theo ước tính của Chứng khoán BSC, tính tới cuối quý II/2023, giá trị backlog vào khoảng 18.000 tỷ đồng (chưa bao gồm gói thầu 5.10), gấp 3,7 lần doanh thu xây lắp giai đoạn 2021 - 2022.

Có thể thấy, Tổng công ty Xây dựng số 1 và Tổng công ty Vinaconex là hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ và kỳ vọng sẽ có sự bứt phá mạnh trong 2 - 3 năm tới.

Tin bài liên quan