Một tuyến metro đang được xây dựng

Một tuyến metro đang được xây dựng

Doanh nghiệp xây lắp chật vật tìm lối ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện tín hiệu hồi phục, các dự án hạ tầng lớn tiếp tục được triển khai…, thế nhưng doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp vẫn chìm trong khó khăn.

Biết lỗ, vẫn phải làm

Lâu nay, trên thị trường chứng khoán, mỗi khi có thông tin về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thi công những dự án hạ tầng giao thông lớn… thì nhóm cổ phiếu xây lắp, vật liệu xây dựng… gần như ngay lập tức có phản ứng. Trên các diễn đàn về chứng khoán, khuyến nghị mua vào cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công cũng xuất hiện dày đặc với những phân tích, dự báo tích cực…, trong khi trên thực tế, các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp vẫn đang vật lộn giữa vòng xoáy “đơn hàng - nguồn việc - thiếu vốn - nợ đọng” mà chưa thấy lối ra.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tại, hầu hết nhà thầu xây dựng đang sống bằng các hợp đồng cũ với giá thầu thấp, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh. Tại nhóm doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Ricons…, biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2023 chỉ ở mức thấp 1 - 2%, thậm chí còn tăng trưởng âm (-17%) như tại Hòa Bình. Các doanh nghiệp ở nhóm sau như Phục Hưng Holdings, CC1, Licogi 18, Cotana… cũng chịu cảnh lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, Đua Fat còn báo lỗ trong quý II/2023.

Cùng với sự xuống dốc của hoạt động kinh doanh là sự chuyển biến xấu của chất lượng tài sản và dòng tiền do nợ đọng kéo dài khi nhiều chủ đầu tư dự án gặp khó khăn về dòng tiền nên chậm trả nợ, kéo theo đó là tình trạng nợ vòng quanh (chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, các nhà thầu nợ nhà cung cấp).

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ thuật công trình Việt Nam (2T Corporation) cho biết, việc nợ xấu gia tăng buộc các nhà thầu phải tăng mạnh trích lập dự phòng, chẳng hạn với 2T Corporation, con số nợ đọng hiện tại vào khoảng 200 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn điều lệ Công ty.

“Từ một doanh nghiệp xây lắp bình thường, giờ chúng tôi trở thành chủ nợ của những tài sản đảm bảo là các căn hộ, condotel… không biết bao giờ mới hoàn thiện”, ông Minh ngao ngán nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong một thập kỷ trở lại đây, năm 2023 là năm ngành xây dựng gặp khó khăn nhất do nhiều yếu tố, từ kinh tế chung trên toàn thế giới ảnh hưởng tới Việt Nam tới sự khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản khi là lĩnh vực gắn bó mật thiết nhất nên cũng chịu tác động mạnh nhất.

Ông Hiệp cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2023, ngành xây dựng được hỗ trợ bởi hoạt động đầu tư công vào các công trình hạ tầng kỹ thuật với lượng vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, chỉ một số ít doanh nghiệp làm được nên việc làm chưa phân bổ đều. Cùng với đó, đơn giá định mức của Nhà nước chưa theo kịp thị trường, dẫn đến doanh nghiệp xây dựng tham gia đầu tư công đứng trước nguy cơ thua lỗ, đặc biệt là đơn giá vật liệu xây dựng khi tăng cao không thể cập nhật định mức. Bởi vậy, một số dự án đầu tư công khó đẩy nhanh tiến độ như chủ đầu tư mong muốn.

“Một số đơn giá do địa phương công bố thường thấp hơn thị trường từ 8 - 12%, như Vinaconex sau khi nhận gói thầu cao tốc đoạn Mai Sơn - Quế Lộ, bộ phận dự toán thi công đã thấy lỗ 40%. Nhiều câu hỏi được đặt ra, biết lỗ sao vẫn còn làm? Nhưng nếu không làm thì không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động, bộ máy công ty. Do đó, nhà thầu biết lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận với hy vọng ngày mai tìm được công trình khác để bù đắp”, ông Hiệp cho hay.

Chiến đấu để sinh tồn

Ảnh tác giả

Nhiều câu hỏi được đặt ra, biết lỗ sao vẫn còn làm? Nhưng nếu không làm thì không có việc để lo bảo hiểm xã hội và tiền lương cho người lao động, bộ máy công ty.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Đứng trước khó khăn phải đối mặt, những tên tuổi thâm niên nhất trong ngành xây dựng như càng thấm thía sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành bất động sản trong thời gian dài. Thực tế, bất động sản dân dụng chỉ là một phần trong bức tranh lớn, nguồn công việc còn rất nhiều, thị trường vẫn có nhu cầu xây dựng từ các công trình tiện ích như trường học, bệnh viện, hạ tầng đầu tư công khác…, bên cạnh nhu cầu xây dựng nhà xưởng, nhà máy tại các khu công nghiệp.

Từ tháng 3/2023, nhiều công trình hạ tầng giao thông được đẩy nhanh, trong đó đáng chú ý là việc khởi công 25 gói dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, trước đó là một loạt công trình trọng điểm khác như cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, Metro Bến Thành - Suối Tiên..., thế nhưng không phải nhà thầu nào cũng được hưởng lợi từ chính sách này.

Đơn cử, các nhà thầu chính được lựa chọn cho dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 36, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam…, hay như dự án Metro bến Thành - Suối Tiên do các nhà thầu tới từ Nhật Bản triển khai.

Ở hoạt động triển khai các dự án đầu tư công, theo đánh giá của nhiều đơn vị phân tích, đây sẽ là “miếng bánh” mới cho những doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Bình hay Coteccons trong năm nay. Thực tế, ngay từ đầu năm, Hòa Bình đã tỏ rõ quyết tâm lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con của nhà thầu này trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa.

Đáng chú ý, thời gian gần đây, thay vì “đối đầu” nhau, nhiều nhà thầu lớn trong nước có xu hướng cùng bắt tay thành lập các liên minh nhà thầu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các nhà thầu ngoại trong việc tham gia các gói thầu lớn chuẩn bị triển khai trong thời gian tới.

Chẳng hạn, gói thầu 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành ghi nhận 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm CHEC-BCEG-Vietnam Contractors, Hoa Lư và VIETUR. Trong đó, Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu, Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons đứng đầu (có thành viên là nhà thầu Thái Lan), còn Liên doanh VIETTUR do nhà thầu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu (có thành viên là các công ty thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương và Vinaconex).

Với tổng giá trị 35.000 tỷ đồng cho hạng mục “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách” thuộc gói thầu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, gói thầu này có thể mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên tham gia liên danh, thế nhưng việc ghi nhận doanh thu sẽ không diễn ra ngay, mà phụ thuộc vào thời điểm triển khai từng gói thầu thành phần.

Nhìn chung, doanh thu tại các dự án đầu tư công hiện hữu chưa thể phản ánh ngay vào kết quả kinh doanh trong 1 - 2 quý tới. Do đó, để tạo nguồn thu, các doanh nghiệp xây lắp tiếp tục hướng đến các dự án của các chủ đầu tư lớn trong nước như Vingroup, Sun Group, CEO Group, Đất Xanh, Sovico Holdings, Masteries Homes, Geleximco, Flamingo… hay một số nhà đầu tư nước ngoài như Lego, LG… Dẫu vậy, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, đa phần các tổng thầu sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đầu ngành như Coteccons, Hòa Bình, Ricons…, trong khi các nhà thầu quy mô nhỏ hơn sẽ khó có khả năng cạnh tranh.

Theo TS. Nguyễn Duy Phương, Giám đốc Phân tích tài chính DG Capital, ngành xây dựng phụ thuộc vào 2 nguồn chính, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản và hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công, nhưng hiện cả hai nguồn này chưa thể tích cực trong “một sớm một chiều”. Ngoài ra, mảng xây dựng công nghiệp, năng lượng dù khả quan nhưng cạnh tranh rất khốc liệt, biên lợi nhuận cũng chưa thực sự hấp dẫn.

Chưa kể, nguồn nhân lực đang là điểm nghẽn lớn của các nhà thầu xây dựng. Ngành xây dựng có đặc thù sử dụng nhiều lao động thời vụ, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động. Tuy nhiên, sau dịch, nhiều người không quay lại làm việc nên các doanh nghiệp khó tuyển nhân lực, cho dù đơn giá nhân công đã tăng 25 - 30% so với trước. Nhiều nhà thầu cho biết, với nhiều gói thầu, giá nhân công phải trả thực tế với thợ phụ khoảng 350.000-400.000 đồng/người/ngày, thợ tay nghề cao từ 450.000-500.000 đồng/người/ngày hoặc hơn, trong khi đơn giá nhân công áp dụng cho các dự án dùng ngân sách nhà nước chỉ khoảng 210.000 đồng/ngày nên phải bù lỗ lớn cho khoản chi phí này.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ, hiện nay, mặt bằng lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, nguồn thu từ các công trình chỉ đủ để trả lãi cũng như nuôi bộ máy. Do đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực này đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công và giải ngân vốn đúng kế hoạch; xem xét lại định mức đơn giá áp dụng cho các dự án dùng ngân sách hiện đang quá thấp, không còn phù hợp với hiện tại…

Tin bài liên quan