Thương hiệu Xoài Cao Lãnh đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm cao.

Thương hiệu Xoài Cao Lãnh đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng và tín nhiệm cao.

Đồng Tháp phát triển ngành hàng xoài theo hướng hữu cơ

0:00 / 0:00
0:00
Định hướng phát triển bền vững ngành hàng xoài Đồng Tháp đến năm 2025 là tháo gỡ các điểm nghẽn, phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với từng chủ thể, liên kết tiêu thụ, thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và xuất khẩu.

“Vương quốc” xoài Đồng Tháp khai hội

Hôm nay (28/4), Lễ hội Xoài Đồng Tháp quy mô cấp tỉnh với chủ đề “Xoài Đồng Tháp - Nâng tầm vị thế” chính thức khai mạc và kéo dài đến ngày 1/5/2023, tại Quảng trường Văn Miếu, TP. Cao Lãnh. Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá thương hiệu xoài Đồng Tháp đến với bạn bè trong và ngoài nước; tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài; mở ra cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, du khách trong lĩnh vực văn hóa - du lịch…

Trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội, diễn ra nhiều hoạt động trưng bày, hội thảo, hội thi, hoạt động văn hóa, du lịch. Cụ thể, trước Lễ hội, có Tuần hàng xoài Đồng Tháp tại các hệ thống phân phối hiện đại; phát động Cuộc thi Viết câu chuyện hay về xoài; Hội thi vẽ tranh thiếu nhi trên lá sen với chủ đề “Mùa xoài quê em”; Hội thi ảnh đẹp về xoài.

Trong Lễ hội, các hoạt động nổi bật được tổ chức gồm: Triển lãm chuỗi ngành hàng xoài; kết nối giao thương sản phẩm xoài, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản Đồng Tháp; trao đổi giữa nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài; tổ chức farmtrip, tổ chức tham quan 10 điểm trồng xoài tại huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh, kết nối các tour du lịch đến các vùng trồng xoài, kết hợp quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Đồng Tháp.

Trong khuôn khổ Lễ hội xoài năm nay còn có các hội thi trái xoài ngon, ẩm thực các món ngon từ xoài, tạo hình, trình bày mâm quả đẹp từ xoài; Hội thảo Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài và ra mắt Hội Ngành hàng xoài Đồng Tháp; Hội thảo Nâng tầm vị thế phát triển du lịch nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp…

Ông Trần Phú Hậu, nông dân canh tác 5.000 m2 xoài tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phấn khởi cho biết, bà con trồng xoài trong xã giờ rất yên tâm trồng xoài theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP, có xuất xứ, mã vùng trồng theo hướng hữu cơ, có thương lái đến tận vườn thu mua với giá cả hợp lý theo từng thời vụ, lợi nhuận trồng xoài gấp 10 lần so với trồng lúa.

“Hy vọng Lễ hội Xoài Đồng Tháp kỳ này sẽ giúp bà con trao đổi nắm bắt thông tin, tăng cường liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra với giá cả ổn định nhất là những lúc chính vụ, để không bị rớt giá quá thấp lúc chính vụ, cũng chính là cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế của địa phương”, ông Hậu nói.

Đáng chú ý, trong gần 20 hoạt động sự kiện tại Lễ hội, diễn ra Hội thảo Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài. Sự kiện nhằm kết nối nông dân, hội quán trồng xoài với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài Đồng Tháp, với các nội dung chính là giao lưu kỹ thuật trồng, chăm sóc xoài; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; xu hướng thị trường cho bao bì, nhãn hiệu xoài; trao đổi về quy trình kỹ thuật canh tác xoài thích ứng biến đổi khí hậu, về một số giải pháp trong sơ chế bảo quản và đóng gói phục vụ xuất khẩu, về quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc xoài xuất khẩu.

Trồng xoài hữu cơ - hướng phát triển bền vững

Trong chuỗi sự kiện Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023, Hội Ngành hàng xoài Đồng Tháp được ra mắt nhằm hỗ trợ phát huy tối đa tiềm năng, giá trị văn hóa - kinh tế cho các sản phẩm xoài tươi, sản phẩm chế biến từ xoài, thúc đẩy ngành hàng xoài ngày càng phát triển, gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.

Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 14.000 ha trồng xoài, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng đạt gần 137.000 tấn/năm. Xoài là một trong 5 ngành hàng được chọn để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, hướng dẫn của ngành nông nghiệp, kinh tế chuỗi ngành hàng xoài của tỉnh không ngừng phát triển về thương hiệu và chất lượng uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Người dân Đồng Tháp có trên 90% trồng xoài theo hình thức rải vụ quanh năm và có bao trái 100% để tránh sâu bệnh, hình thức trái xoài bóng đẹp, được khách hàng ưa thích và bán được giá hơn. Cách làm này còn giúp giảm chi phí từ 5-7 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm lượng bón phân hóa học rất đáng kể, tính ra giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với trồng xoài theo truyền thống.

Anh Trần Văn Hiền, thành viên HĐQT Minh Tâm Hội quán (chuyên canh tác xoài tại huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết, bên cạnh việc áp dụng nhuần nhuyễn trồng xoài theo chuẩn VietGAP và GlobalGAP, các thành viên trong Hội quán quyết tâm nâng thêm bước cao hơn là trồng xoài hữu cơ theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Theo đó, tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ và thuốc phun xịt, vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe, vừa giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân 10-20%, giúp cây tăng trưởng tốt, vị xoài ngon phù hợp với thi hiếu người tiêu dùng… được xác định là bước đi lâu dài của người trồng xoài hiện nay.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, xoài Đồng Tháp đã được xuất khẩu sang thị trường khó tính, diện tích xoài được chứng nhận VietGAP,

GlobalGAP ngày càng tăng, đã có những mô hình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản được mở rộng để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. “Chúng tôi quyết tâm thực hiện tất cả vùng xoài của Đồng Tháp phải đảm bảo được những mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được các tiêu chuẩn để đưa vào các thị trường”, ông Thiện nói.

Hiện nay, đa số các nhà vườn trong tỉnh từng bước sử dụng phân hữu cơ và bao trái để giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đã ứng dụng tốt trong ra hoa rải vụ. Gần 8.228 ha xoài đã được đăng ký mã số vùng trồng với 296 mã số; 9 cơ sở đóng gói trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận

VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353 ha đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đã mở ra tiềm năng lớn cho ngành hàng xoài Đồng Tháp nói riêng và trái xoài Việt Nam nói chung. Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản,

Australia, New Zealand. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng xoài khá lớn. Năm 2022, trái xoài Cao Lãnh thâm nhập một thị trường mới là EU.

Từ năm 2019, Đồng Tháp đã được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài tươi, vùng trồng mang chỉ dẫn địa lý tập trung ở địa bàn huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Đây là cơ hội, cũng là thách thức để xoài Đồng Tháp khẳng định danh tiếng của mình trên thị trường quốc tế. Ngoài sản phẩm tươi, một số doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh khâu chế biến với các sản phẩm xoài sấy dẻo, rượu xoài, xoài pure…

Ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài điều kiện có mã số vùng trồng và nhà đóng gói, sản phẩm xoài Đồng Tháp còn phải tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, mỗi nhà vườn, mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán và doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, từ vùng nguyên liệu đến sơ chế, bảo quản và xuất khẩu trong chuỗi ngành hàng là hướng đi bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành trái cây cũng cần chủ động liên kết với nhà vườn ngay từ khâu sản xuất, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của nông dân để đảm bảo ngay được chất lượng vào nguồn cung ứng đầu vào. Định hướng phát triển bền vững ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 là vừa tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa thực hiện phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng đối với từng chủ thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ, thu hút đầu tư các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm và xuất khẩu xoài.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ thiết thực hiệu quả của Nhà nước, Đồng Tháp tăng cường chuyển đổi số ngành hàng xoài, chú trọng gia tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, chế biến từ các phụ phẩm của sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng giá trị của sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng đến sản xuất xanh sạch, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững theo định hướng của tỉnh.

Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng xoài khá lớn.

Tin bài liên quan