Dòng tiền sôi động, nhiều mã bất động sản khu công nghiệp nổi sóng trong phiên đầu tuần mới 4/3

Dòng tiền sôi động, nhiều mã bất động sản khu công nghiệp nổi sóng trong phiên đầu tuần mới 4/3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp những lo ngại đang ngày càng gia tăng khi thị trường đã trải qua chuỗi ngày dài tăng mạnh, dòng tiền sôi động luân chuyển qua các nhóm ngành tiếp tục là động lực tiếp sức cho đà tăng của VN-Index.

Mặc dù dòng tiền vẫn tham gia khá mạnh nhưng áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu vua đã khiến thị trường phiên giao dịch sáng 4/3 khó có đà tăng tốc, thậm chí có thời điểm đảo chiều giảm nhẹ. Đáng chú ý, các nhóm ngành vẫn luân phiên dẫn dắt thị trường và trong phiên sáng nay đến lượt nhóm cổ phiếu bất động sản được xướng tên.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu vẫn tham gia sôi động tiếp tục giúp VN-Index lên vùng cao mới. Tuy nhiên, mối lo ngại nhịp điều chỉnh sẽ sớm quay lại khi chỉ số chung đang ở vùng đỉnh ngắn hạn khiến lực cung có phần gia tăng, đã khiến nhiều mã lớn bé thu hẹp biên độ hoặc đảo chiều giảm điểm. Chỉ số VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu trước khi bật hồi đôi chút về cuối phiên.

Thị trường khép lại phiên đầu tuần với mức tăng nhẹ hơn 3 điểm và mốc 1.260 điểm đã làm tốt vai trò là ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index. Điểm sáng vẫn là thanh khoản khi thị trường có thêm phiên giao dịch gần 1,2 tỷ cổ phiếu, giá trị vượt 1,1 tỷ USD, với tâm điểm hướng tới các cổ phiếu bất động sản.

Chốt phiên, sàn HOSE có 276 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index tăng 3,13 điểm (+0,25%) lên 1.261,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,18 tỷ đơn vị, giá trị 28.605,55 tỷ đồng, tăng 22,92% về khối lượng và 20,54% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 122,36 triệu đơn vị, giá trị gần 2.678,9 tỷ đồng.

Mặc dù nhóm cổ phiếu bất động sản thu hẹp biên độ so với phiên sáng, nhưng nhiều mã bất động sản khu công nghiệp đã ngược dòng tăng tốc.

Điển hình là KBC, sau nhịp tăng nhẹ của phiên sáng, lực cầu sôi động đã tiếp sức giúp mã này bay cao. Đóng cửa, KBC tăng 6,9% lên mức giá trần 33.350 đồng/CP, là mức giá cao nhất trong gần nửa năm qua, đặc biệt là thanh khoản bùng nổ khi có tới hơn 35,64 triệu đơn vị khớp lệnh cùng lượng dư mua trần hơn 0,32 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, một mã khác trong ngành là TIP cũng tăng tốc và đóng cửa khoe sắc tím với mức tăng 7% lên mức 29.200 đồng/Cp, khối lượng khớp lệnh đạt 1,96 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,13 triệu đơn vị. Ngoài ra, BCM tăng 2,8%, LHG và GVR cùng tăng hơn 2,2%...

Cặp đôi cổ phiếu bất động sản là DIG và NVL cùng hạ độ cao, đóng cửa lần lượt tăng 2% và 1,2%, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, tương ứng đạt 49,27 triệu đơn vị và 38,23 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép phân hóa với HSG và NKG cùng đóng cửa tăng nhẹ hơn 1%, trong khi HPG đảo chiều giảm 0,16% và thanh khoản vẫn là sôi động nhất ngành, với 28,58 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tương tự, nhóm chứng khoán cũng biến động giằng co. Trong khi VND, VIG, HCM, APG kết phiên tăng nhẹ trên dưới 1%; thì các mã khác như BSI, CTS, SSI, TCI, VDS đóng cửa trong sắc đỏ.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, dù CTG vẫn giữ mức tăng 1,1%, nhưng không đủ sức để gánh nổi VCB khi đóng cửa giảm 1,3%. Ngoài ra, trong 9 mã giảm điểm của nhóm VN30 còn có sự tham gia của 5 mã ngân hàng khác, với mức giảm trên dưới 1%.

Ngoài dòng bank, thị trường còn chứng kiến 3 nhóm mất điểm khác là sản xuất thiết bị, máy móc; chế biến thủy sản và nông lâm ngư, nhưng mức giảm đều chưa tới 0,5%.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm nhờ dòng tiền sôi động.

Đóng cửa, sàn HNX có 114 mã tăng và 70 mã giảm, HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,4%), lên 237,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 104,2 triệu đơn vị, giá trị 2.082,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 123,8 tỷ đồng.

Cổ phiếu TNG vẫn là điểm sáng thị trường khi tiếp tục nhích bước so với thời điểm chốt phiên sáng. Cụ thể, TNG đóng cửa tăng 4,7% lên mức 22.400 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thị trường, với hơn 4,98 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động hơn lại có thu hẹp biên độ. Cụ thể, SHS kết phiên tăng nhẹ 0,6% và khớp hơn 22 triệu đơn vị, CEO lùi về mốc tham chiếu và khớp 16,5 triệu đơn vị, PVS và HUT tăng hơn 1% với thanh khoản đều đạt hơn 7 triệu đơn vị.

Trái lại, một số mã khác trong rổ HNX30 đã chịu áp lực bán và đảo chiều giảm như MBS giảm 0,4% và khớp 4,9 triệu đơn vị, IDC giảm 0,8% và khớp 1,88 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng khiến thị trường giao dịch giằng co và liên tục đổi sắc trong phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%) xuống 91,13 điểm với 172 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 40,67 triệu đơn vị, giá trị 535,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,67 triệu đơn vị, giá trị 26,25 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM có diễn biến khởi sắc hơn sàn niêm yết. Trong đó, SBS đóng cửa tăng 4% và khớp 4,24 triệu đơn vị, AAS tăng 3,4% và khớp 1,92 triệu đơn vị, DSC tăng 2,4%.

Bên cạnh đó, một số mã đáng chú ý khác như DDV tăng 4,3% và khớp 2,68 triệu đơn vị, BCR tăng 3,4%, QNS tăng 2,1%, OIL tăng 1% với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ chưa tới 5 điểm, trong đó hợp đồng VN30F2403 tăng 1,6 điểm, tương đương +0,1% lên 1.268,4 điểm, khớp lệnh hơn 155.230 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 47.070 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVNM2310 có thanh khoản tốt nhất với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 2% lên 520 đồng/cq; tiếp theo là CVPB2314 khớp 3,37 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 330 đồng/cq.

Tin bài liên quan