Dự án đường Vành đai 2 TP.HCM sắp có lối ra

0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn 3 năm tê liệt, Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM (đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1) dài 2,7 km đã có bước tiến mới.

Dự án chậm, lãi phát sinh hơn 813 tỷ đồng

“Doanh nghiệp chúng tôi kính đề nghị UBND TP.HCM nhanh chóng giao đất thanh toán giá trị hợp đồng BT cho công ty. Việc chậm trễ giao đất sẽ dẫn đến phát sinh lãi rất lớn, gây lãng phí cho ngân sách Thành phố, đồng thời làm lỡ cơ hội của nhà đầu tư, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của Thành phố”, ông Trần Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái nêu trong Báo cáo số 11/2023/ BCGSĐGĐT gửi UBND TP.HCM mới đây.

Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái là nhà đầu tư Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM (đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1). Dự án được khởi công từ năm 2017, đến tháng 6/2020 thì dừng thi công do vướng mặt bằng và việc thanh toán hợp đồng BT.

Nhà đầu tư cho biết, do chưa thực hiện xong công tác điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, chưa đền bù xong giải phóng mặt bằng và thanh toán quỹ đất đối ứng, nên các công tác điều chỉnh hợp đồng BT vẫn chưa được tiến hành, dẫn tới nhà đầu tư gặp khó khăn trong quá trình triển khai Dự án.

Trong hơn 6 năm qua, nhà đầu tư đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) để ứng cho công tác giải phóng mặt bằng, thi công một phần Dự án. Với số tiền 1.474 tỷ đồng, giá trị lãi vay ước tính mà UBND TP.HCM phải chịu đến thời điểm ngày 22/12/2023 là 813,68 tỷ đồng, trung bình mỗi tháng khoảng 14,9 tỷ đồng. Do Dự án chậm tiến độ, nên đã đến hạn thanh toán trả gốc và lãi suất định kỳ với ngân hàng (kỳ đầu tiên vào tháng 2/2020) và tiếp tục phải trả lãi và gốc đến thời điểm hiện tại.

Ông Trần Đức Thắng cho biết, phương án tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái đã bị vỡ do chưa có nguồn thu để trả gốc và lãi. Nếu tình trạng này tiếp diễn tới kỳ trả nợ tiếp theo mà không được thanh toán thực hiện Dự án, thì doanh nghiệp dự án không thể trả nợ hoặc cơ cấu lại các khoản vay. Phía ngân hàng và đơn vị kiểm toán cũng đang nghi ngờ việc tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp nếu không có nguồn thu. Khả năng doanh nghiệp dự án phải dừng hoạt động là nguy cơ rất cao.

Tín hiệu lạc quan

Một tín hiệu khả quan cho Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM là Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã thẩm định xong báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh) và chính thức trình UBND Thành phố phê duyệt vào cuối tháng 12/2023.

Theo Báo cáo số 608/BC-SKHĐT gửi UBND TP.HCM ngày 27/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc triển khai Dự án còn chậm, chưa đúng với quyết định phê duyệt dự án và chậm trễ trong việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Nguyên nhân là ảnh hưởng của công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tiến độ tạm ứng kinh phí để chi trả cho các hộ dân của nhà đầu tư còn chậm.

Đến nay, Dự án còn 3,84 ha chưa thu hồi mặt bằng, đã triển khai thi công được 43,7% khối lượng công việc. Dự án đang tạm dừng thi công từ tháng 6/2020 do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và chưa ký kết được Phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh.

Để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thẩm định và kiến nghị UBND TP.HCM phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh), trong đó điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016 đến hết năm 2026 và điều chỉnh tiến độ dự án giải phóng mặt bằng đến ngày 30/6/2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao Sở Giao thông - Vận tải khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết đàm phán với nhà đầu tư về thời gian, tiến độ thanh toán, công việc thực hiện…

Về phía nhà đầu tư, trong văn bản gửi UBND TP.HCM ngày 22/12/2023, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Bắc Ái cam kết hoàn thành Dự án 2,7 km đường Vành đai 2 TP.HCM tối đa trong 24 tháng kể từ ngày được bàn giao toàn bộ mặt bằng.

Với những bước tiến mới trong việc trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh, những vướng mắc tại Dự án 2,7 km đường Vành đai 2, TP.HCM đang dần được tháo gỡ.

Tin bài liên quan