Một phần đã giải phóng mặt bằng của Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Báo Lao động

Một phần đã giải phóng mặt bằng của Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Báo Lao động

Dự án Khu đô thị 3,5 tỷ USD tại TP.HCM: 'Chìa khóa' nằm ở tiến độ

Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya chưa thể “hồi sinh” và triển khai các bước tiếp theo do liên tục phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án liên tục phải điều chỉnh

Tưởng chừng Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Berjaya 3,5 tỷ USD tại huyện Hóc Môn, TP.HCM sẽ “hồi sinh” sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2197/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vào cuối tháng 12/2021. Tuy nhiên, do không có thông tin cụ thể về tiến độ dự án trong giấy phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, nên nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc trong việc triển khai các bước tiếp theo.

Từ năm 2022 đến nay, UBND TP.HCM đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc, song đến nay, Dự án vẫn chưa thể triển khai. Theo báo cáo mới đây của UBND TP.HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án chậm trễ từ năm 2008 đến nay do cả nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư và khách quan do quá trình phê duyệt quy hoạch, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư kéo dài.

Dự án tưởng chừng sẽ bị xóa sổ, nhất là khi Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam (gọi tắt là Công ty Berjaya) gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn từ tháng 8/2013 đến tháng 3/2017. Đồng thời, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án khi đó chưa thực hiện được do có sự thay đổi trong Luật Đất đai (từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai năm 2013).

Đến năm 2019, Công ty Berjaya bất ngờ đề nghị tiếp tục được đầu tư dự án, đồng thời cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh đã góp đủ vốn điều lệ và có đủ năng lực tiếp tục đầu tư Dự án. Từ năm 2019 đến tháng 12/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh Dự án. Cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2197/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Tuy nhiên, do tiến độ thực hiện Dự án chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh, nên cả Công ty Berjaya và cơ quan nhà nước đều gặp khó khăn khi thực hiện các bước tiếp theo của Dự án. Do đó, Chính phủ giao UBND TP.HCM cùng các bộ, ngành và nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục để báo cáo Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án một lần nữa, trong đó cần làm rõ tiến độ thực hiện dự án.

“Chìa khóa” nằm ở tiến độ

Từ năm 2022 đến nay, UBND TP.HCM cùng nhà đầu tư đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để làm các thủ tục điều chỉnh dự án. Mấu chốt của vấn đề chính là tiến độ thực hiện của Dự án, mà muốn xác định được điều này, thì phải xây dựng được tiến độ giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, việc xác định tiến độ giải phóng mặt bằng hiện rất khó và mất rất nhiều thời gian.

Ngày 17/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 8639/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Công ty Berjaya đề nghị làm rõ thông tin phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng (116 ha) đã được giao đất hay chưa (vì theo báo cáo của nhà đầu tư, Dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng được khoảng 116 ha trên tổng số 880 ha), để làm cơ sở điều chỉnh tiến độ dự án.

Về nội dung điều chỉnh tiến độ, nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh hoàn thành giải phóng mặt bằng và tái định cư trong 36 tháng kể từ ngày 17/5/2022; hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và bồi thường giải phóng mặt bằng còn lại, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục đầu tư khác… trong vòng 72 tháng kể từ ngày 17/5/2022.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc điều chỉnh tiến độ với các công việc như bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp từ ngày 17/5/2022 đến nay đã mất hơn 1 năm, mà chưa xác định rõ khi nào sẽ bồi thường giải phóng mặt bằng xong. Mặt khác, tiến độ các bước tiếp theo phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, nhà đầu tư phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, xác định lại mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng đảm bảo tính khả thi và có ý kiến làm rõ khả năng hoàn thành để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tiến độ của Dự án.

Với tình trạng giải phóng mặt bằng thực hiện kéo dài từ năm 2008 đến nay chưa hoàn thành, việc xác định mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng tại Dự án đang là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng của TP.HCM. Tuy nhiên, với cơ chế mới từ Nghị quyết 98/2023/QH15, việc giải phóng mặt bằng tại dự án này có thể có lối ra trong thời gian tới.

Tin bài liên quan