Dự án Khu đô thị số 4, thuộc Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kéo dài 2 thập kỷ.

Dự án Khu đô thị số 4, thuộc Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kéo dài 2 thập kỷ.

Dự án Khu đô thị số 4, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Nhiều dấu hiệu bất tuân pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
Sau 20 năm, kể từ ngày hình thành “trên giấy”, đến nay, Dự án Khu đô thị số 4, thuộc Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Dự án Khu đô thị số 4) vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Nhiều dấu hiệu bất minh, bất tuân quy định tại dự án này cần được cơ quan chức năng làm rõ.

“Bò” tiến độ đến 2 thập kỷ

Dự án Khu đô thị số 4 được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép Công ty cổ phần Giao thông vận tải Quảng Nam chọn địa điểm xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Thông báo số 180/TB-UB ngày 9/5/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã thu hồi đất với diện tích 50 ha tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) và tạm giao đất cho Công ty cổ phần Giao thông vận tải Quảng Nam quản lý tại Quyết định số 4436/QĐ-UB ngày 13/10/2003.

Đến ngày 18/10/2005, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3835/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Giao thông vận tải Quảng Nam để đầu tư và kinh doanh hạ tầng.

Sau nhiều lần được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt điều chỉnh, hiện nay, tổng diện tích quy hoạch của Dự án Khu đô thị số 4 là 444.154 m2 (theo Quyết định số 4629/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Sau 20 năm triển khai, đến đầu năm 2023, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, do phần lớn hộ gia đình không thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Giải phóng mặt bằng như… “đậu xanh trộn rau má”

Tính đến hết năm 2022, diện tích đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là 35,78 ha; phần diện tích còn lại (8,64 ha) chưa được giải phóng mặt bằng nằm rải rác, phân tán là do các hộ dân không thống nhất nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Ngày 30/12/2022, UBND thị xã Điện Bàn ban hành Kết luận thanh tra số 533/KL-UBND về công tác giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị số 4. Theo kết luận này, tính đến hết năm 2022, diện tích đã bồi thường, giải phóng mặt bằng là 35,78 ha; phần diện tích còn lại (8,64 ha) chưa được giải phóng mặt bằng nằm rải rác, phân tán là do các hộ dân không thống nhất nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Đối với đất ở và vườn (thổ cư), UBND thị xã Điện Bàn xác định, có 9 hộ nhận tiền bồi thường, nhận đất tái định cư; còn lại 80 hộ (chiếm 89,89%) chưa nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng.

Thực hiện Quyết định số 4629/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chủ đầu tư đã rà soát đưa ra khỏi quy hoạch 50 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án, trong đó có hộ ông Lê Minh Mẫn đã nhận tiền bồi thường, nhưng hiện nay đã nằm ngoài Dự án.

Đến cuối năm 2022, khu vực thực hiện Dự án còn lại 39 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, 8/39 hộ đã nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, 2 hộ dân có đất ở ảnh hưởng bởi Dự án, nhưng chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (trong đó, 1 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, hiện nay đã mất hiện trạng và 1 hộ hiện trạng vẫn còn).

Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu của Trung tâm Phát triển quỹ đất cung cấp, Đoàn Thanh tra thị xã Điện Bàn đã tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế đối với 22/31 (chiếm 70,97%) hộ dân có đất ở và vườn (thổ cư) bị ảnh hưởng bởi Dự án đã được phê duyệt, nhưng không thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Kết quả cho thấy, tất cả các hộ dân đều cho rằng, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp, bố trí số lô tái định cư quá ít, chưa thỏa đáng, đồng thời đề nghị áp giá bồi thường, hỗ trợ và bố trí số lô tái định cư theo quy định hiện hành.

Trong đó, 18 hộ dân thống nhất với giá trị kiểm kê trên Biên bản kiểm kê của Ban Giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn lập năm 2003. Hầu hết các hộ dân đều đã xây mới thêm nhà cửa, sửa chữa vật kiến trúc so với thời điểm kiểm kê năm 2003. Do đó, các hộ dân đề nghị kiểm kê bổ sung giá trị nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu được xây dựng sau thời điểm kiểm kê năm 2003.

Mặt khác, 4 hộ dân không thống nhất với giá trị kiểm kê trên Biên bản kiểm kê của Ban Giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn lập năm 2003, đề nghị tiến hành kiểm kê lại giá trị đất đai, nhà cửa, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu trên đất theo giá trị thực tế hiện nay (trong đó có 2 hộ chưa ký xác nhận trên Biên bản kiểm kê là hộ ông Lê Văn Phó và hộ ông Mai Dâng Lên).

Đối với đất nông nghiệp, 152 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Còn lại 8 hộ (chiếm 0,05%) chưa nhận tiền bồi thường. Một số hộ dân tái lấn chiếm đất để sử dụng xây dựng công trình nhà ở, trồng cây cối trên diện tích đã được phê duyệt phương án và đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.

Bất tuân quy định?

Điều kỳ lạ là phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất ở và vườn (thổ cư) đối với Dự án Khu đô thị số 4 có nhiều vấn đề không “khớp” quy định của pháp luật; quy định lúc thế này, khi thế khác.

Đầu tiên, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3835/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư, UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) đã không thực hiện ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình, cá nhân theo phương án được phê duyệt.

Việc không ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, cá nhân có đất ở bị ảnh hưởng bởi dự án là không đúng theo quy định tại Điều 28, Luật Đất đai năm 1993: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó”. Và khoản 2, Điều 44, Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”. Đó là chưa kể, Điều 21, Luật Đất đai năm 1993 đã quy định rất rõ: “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Và từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 1/4/2014) đến nay, Dự án Khu đô thị số 4 không được thông qua kế hoạch sử dụng đất.

Trong khi đó, các quy định do UBND tỉnh ban hành lại “đá” nhau. Theo Quyết định số 1284/QĐ-UBND ngày 4/4/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam về đơn giá đất ở, đơn giá đường đất 3 - 4 m là 80.000 đồng, đường bê tông nông thôn lớn hơn và bằng 3 m là 100.000 đồng, đường ĐT603 đoạn còn lại là 150.000 đồng. Nhưng theo Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh về phương án bồi thường, hỗ trợ, thì đơn giá bồi thường chỉ bằng 50% đơn giá theo quy định.

Cụ thể, đối với đơn giá đất ở đường đất 3 - 4 m là 40.000 đồng, đơn giá đất ở đường bê tông nông thôn lớn hơn và bằng 3 m là 50.000 đồng, đơn giá đất ở đường ĐT603 đoạn còn lại là 75.000 đồng.

Ngoài ra, tại các mã số 24, 25, 31, 34, 45, 53, 60, 66, 67, 68 theo Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh là các thửa đất tiếp giáp đường đất 3 - 4 m với đơn giá bồi thường chỉ 75.000 đồng. Trong khi đó, theo quy định, đơn giá đất ở đường đất 3 - 4 m phải là 80.000 đồng.

Còn theo quy định tại khoản 3, mục I, Quyết định số 3954/QĐ-UB ngày 12/9/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam, đơn giá đất vườn tối đa 20.000 đồng (theo hạng đất cao nhất). Tuy nhiên, đơn giá bồi thường đất vườn trong phương án được phê duyệt chỉ có 28.000 đồng. Theo UBND thị xã Điện Bàn, đơn giá bồi thường này là chưa đảm bảo quy định.

Chưa hết, theo quy định tại Điều 24, Quyết định số 71/2002/QĐ-UB ngày 5/12/2002 của UBND tỉnh Quảng Nam quy định về hỗ trợ ổn định đời sống khi thu hồi đất ở.

Tuy nhiên, theo hồ sơ của phóng viên Báo Đầu tư, tại các mã số 1, 2, 3, 4, 6, 15, 22, 23, 25, 30, 31, 32, 34, 38, 40, 43, 44, 49, 50, 51, 53, 54, 55, 56, 57, 58, 59, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 77 của Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho thấy, chưa hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng của Dự án.

Tại Công văn số 49/UB-KTTH ngày 12/1/2004, UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương chủ đầu tư Dự án hỗ trợ 50% giá trị bồi thường về đất ở theo quy định hiện hành đối với phần diện tích chênh lệch giữa lô đất ở theo quy định và lô đất tái định cư. Nhưng điều kỳ lạ là, trong Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam về phương án bồi thường, hỗ trợ chưa thể hiện nội dung này.

Bất thường hơn, trên hồ sơ đo đạc giải thửa, tổng diện tích thực tế bị ảnh hưởng thấp hơn so với diện tích đã phê duyệt tại Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, hộ bà Ngô Thị Hiền bị ảnh hưởng 161,2 m2, nhưng phương án phê duyệt diện tích đất ảnh hưởng lên đến 323 m2 (thừa 161,8 m2). Hiện nay, hộ gia đình bà Ngô Thị Hiền đã nằm ngoài dự án. Còn hộ ông Mai Văn Hòa có diện tích ảnh hưởng là 326 m2, nhưng phương án phê duyệt bồi thường, hỗ trợ lặp 2 lần tại mã số 61 và 85, nên phương án phê duyệt thừa số tiền 7.070.000 đồng. Hộ gia đình ông Mai Văn Hòa chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và nằm ngoài Dự án.

UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị số 4 kéo dài từ năm 2003 đến nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, người dân không thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân khách quan là các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi như Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013; các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Dự án đã nhiều lần thay đổi; giá trị về bồi thường, hỗ trợ đã được phê duyệt so với thời điểm hiện nay chênh lệch rất lớn, dẫn đến người dân không thống nhất nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Nguyên nhân chủ quan là Ban Giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn và các cơ quan có liên quan không tham mưu UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã) ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng hộ gia đình, cá nhân; Ban Giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã không triển khai thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án…

UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh xem xét hủy bỏ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với 31 hộ gia đình, cá nhân chưa được ban hành Quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình, cá nhân và không thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại Quyết định số 3343/QĐ-UB ngày 28/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Nam và cho phép UBND thị xã Điện Bàn ban hành Quyết định thu hồi đất và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo các quy định tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất đối với 31 hộ gia đình, cá nhân này.

Dù chỉ ra nhiều việc làm “không đảm bảo quy định”, nhưng UBND thị xã Điện Bàn chỉ kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm Ban Giải phóng mặt bằng huyện Điện Bàn, Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn… về mặt hành chính (!).

Tin bài liên quan