Dự án của Công ty Hang Gợp sử dụng một phần diện tích mặt nước Thủy điện Sông Bung 5 để làm du lịch sinh thái.

Dự án của Công ty Hang Gợp sử dụng một phần diện tích mặt nước Thủy điện Sông Bung 5 để làm du lịch sinh thái.

Dự án Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung (Quảng Nam): Vướng mắc bủa vây

0:00 / 0:00
0:00
Dù được chính quyền tỉnh ủng hộ, nhưng do chủ đầu tư hồ thủy điện không đồng ý cho khai thác diện tích mặt nước, nên sau gần 4 năm được phê duyệt, đến nay, Dự án Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung vẫn chưa thể triển khai.

Chủ trương của tỉnh là “ủng hộ”

Thực hiện chủ trương phát triển du lịch kết nối với các lòng hồ thủy điện của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đông Giang đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khai thác lòng hồ thủy điện Sông Bung 5.

Công ty cổ phần Khu du lịch sinh thái Hang Gợp (gọi tắt là Công ty Hang Gợp, thuộc Tập đoàn FVG) đã đăng ký và được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung vào tháng 5/2019.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư khoảng 190 tỷ đồng; diện tích 20,54 ha, tại thôn CutChrun (xã Mà Cooih, huyện Đông Giang). Theo phê duyệt, Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động từ quý II/2022.

Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, nhất là do đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, nên tiến độ thực hiện Dự án bị ảnh hưởng đáng kể. Đến nay, Dự án Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung vẫn chưa xong thủ tục khai thác lòng hồ thủy điện Sông Bung 5. Thậm chí, vào đầu năm 2022, chủ đầu tư từng thông báo chấm dứt hoạt động của dự án này.

Để gỡ vướng cho Dự án, ngày 30/3/2023, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Nam do ông Hồ Quảng Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã trực tiếp khảo sát trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 5 và làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan.

Tại buổi khảo sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, việc khai thác, phát triển hoạt động du lịch trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 5 nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng hồ thủy điện; phát triển kinh tế lòng hồ thuỷ điện, tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân địa phương khu vực thủy điện; qua đó thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các sở, ngành và hai địa phương Đông Giang, Nam Giang đều thống nhất chủ trương, ủng hộ phát triển du lịch sinh thái trên lòng hồ Sông Bung 5 để đa dạng sinh kế cho người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Hang Gợp ngoài khẩn trương xây dựng phương án khai thác hoạt động du lịch cần tổ chức lập hồ sơ, thủ tục để được cấp phép khai thác du lịch trên lòng hồ Thủy điện Sông Bung 5 theo đúng quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Đối với đơn vị chủ đầu tư của Thủy điện Sông Bung 5 là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 1 (PECC1), ông Bửu đề nghị PECC1 tích cực phối hợp, sớm có ý kiến đối với phương án khai thác hoạt động du lịch trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 5 để “thống nhất triển khai thực hiện”.

Mục đích là nhằm phát huy tối đa hiệu quả và tính đa mục tiêu của việc phát triển thủy điện theo chủ trương chung của Chính phủ; tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động phát triển du lịch trong lòng hồ thủy điện; vừa đảm bảo mục đích khai thác điện năng, vừa phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tạo sự đồng thuận của các tầng lớp xã hội trong việc phát triển thủy điện.

Công ty thủy điện phản đối

Trước đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về việc “thống nhất triển khai thực hiện”, trong văn bản gửi Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, đề ngày 17/4/2023, do ông Trần Thái Hải, Phó giám đốc PECC1 ký, đơn vị này nêu ý kiến không đồng ý với phương án khai thác du lịch trên lòng hồ Thủy điện Sông Bung 5.

Lý do quan trọng nhất khiến PECC1 cương quyết không ủng hộ bất cứ hoạt động nào trong lòng hồ là: “Thủy điện Sông Bung 5 là nhà máy cuối bậc thang trên sông Bung có tràn cửa van cung kích thước lớn, khi có sự cố gây nguy hiểm an toàn đập sẽ phải xả nước đột ngột bằng các cửa van, vì hồ dung tích nhỏ và lòng sông hẹp, sẽ tạo vận tốc dòng chảy lớn, hạ thấp rất nhanh mực nước hồ, cuốn thuyền bè, con người xuống hạ lưu và gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng người dân, khách tham quan”.

Ngoài ra, PECC1 cũng cho rằng, hồ thủy điện Sông Bung 5 không phải do thiên nhiên tạo ra, mà được hình thành từ việc đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Bung 5, với mục đích là phát điện (tổng mức đầu tư xây dựng công trình là 1.100 tỷ đồng).

Được biết, theo phương án của Công ty Hang Gợp, Dự án Khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung bao gồm hoạt động du lịch khám phá, di chuyển bằng thuyền trên lòng hồ thủy điện trong phạm vi chiều dài khoảng 5 - 7 km; khoảng cách từ vị trí cách chân đập thủy điện 648 m; thời gian hoạt động từ ngày 16/12 đến 31/8 năm sau, không hoạt động trong mùa lũ.

Ngày 4/5/2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu việc giao đất, cho thuê đất đối với đất lòng hồ thủy điện Sông Bung 5, huyện Đông Giang; đồng thời kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất, tài nguyên nước theo các quyết định đã cấp cho công trình Thủy điện Sông Bung 5 của PECC1, tham mưu, đề xuất đối với diện tích đất, mặt nước không sử dụng theo quy định nhằm tránh lãng phí tài nguyên.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu Công ty Hang Gợp tiếp tục hoàn thiện phương án khai thác du lịch trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 5, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Mới đây, đại diện Tập đoàn FVG cho biết: “FVG đang chờ hướng dẫn chỉ đạo từ phía tỉnh Quảng Nam, vì đang gặp nhiều vướng mắc từ phía chủ đầu tư thủy điện”.

Tuy nhiên, với việc PECC1 không thống nhất, đại diện Tập đoàn FVG thừa nhận, dù rất quyết tâm thực hiện, nhưng khả năng sẽ phải xin dừng Dự án.

Tin bài liên quan