Dự báo châu Á là trụ đỡ mới cho tăng trưởng toàn cầu

Dự báo châu Á là trụ đỡ mới cho tăng trưởng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo thường niên của BFA, tốc độ tăng trưởng khu vực châu Á trong năm 2023 có thể đạt mức 4,5%, cao hơn mức 4,2% trong năm 2022.

Hội nghị thường niên BFA 2023 diễn ra từ ngày 28 - 31/3 tại Bác Ngao, thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu từ 50 quốc gia và khu vực.

Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) 2023, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Ahmed Said cho biết ngân hàng này dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay với tốc độ dưới 1%, trong khi các thị trường ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ nổi lên như một động lực chủ yếu cho tăng trưởng toàn cầu.

Báo cáo thường niên của BFA nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á có thể đạt mức 4,5% trong năm 2023 cao hơn mức 4,2% đạt được năm 2022.

Báo cáo nhận định trong năm 2023, trong bối cảnh 2 vụ ngân hàng của các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khủng hoảng đã phần nào gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu, châu Á được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thúc đẩy sản xuất, thương mại, đầu tư và hội nhập tài chính cũng như nối liền chuỗi cung ứng. BFA dự báo châu Á sẽ trở thành điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn thách thức như hiện nay.

Phát biểu tại họp báo ngày 28/3, Tổng thư ký BFA, ông Lý Bảo Đông (Li Baodong) cho rằng châu Á sẽ trở thành một trong những yếu tố quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Theo ông, trong hoàn cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay với những thay đổi và biến động chưa từng có trong một thế kỷ qua, các quốc gia châu Á mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thứcnhưng nhờ đó mà đã trở thành động lực tăng trưởng đáng tin cậy cho nền kinh tế thế giới

Tổng thư ký BFA nhận định rằng các nước châu Á đang có tốc độ phát triển kinh tế không đồng đều. Ông cũng đánh giá tình hình khủng hoảng trong lĩnh vực lương thực, năng lượng, tiền tệ và chăm sóc sức khỏe đang có tác động bất lợi nghiêm trọng đối với các nền kinh tế khu vực.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng nhận định châu Á là động lực tăng trưởng chính của thế giới trong 2 năm 2023 và 2024. Riêng trong năm nay, tăng trưởng thế giới sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào các nền kinh tế lớn ở châu Á giữa lúc châu Âu và châu Mỹ chứng kiến nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp.

Theo dự báo của OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ có mức tăng trưởng 5,7% năm 2023. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém hơn (4,6% năm 2023) do tác động của chính sách zero COVID-19, khủng hoảng bất động sản…

OECD cho rằng ưu tiên chính sách hàng đầu phải là chống lạm phát. Tổ chức gồm 38 nước thành viên này khuyến nghị thắt chặt chính sách tiền tệ ở những quốc gia nơi giá cả vẫn còn cao và hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp trước áp lực lạm phát gia tăng. Ngoài ra, OECD còn kêu gọi nên đầu tư vào việc ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng sạch để giúp đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm năng lượng sạch.

Các vấn đề này cần được giải quyết thông qua các nỗ lực trong khu vực châu Á, bằng cách củng cố và hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực và phần còn lại của thế giới. Gánh nặng trả nợ đối với một số quốc gia đang phải đối mặt với tình hình phức tạp gia tăng trong bối cảnh bất ổn trên thế giới hiện nay.

Tin bài liên quan