Dù không quá bi quan, nhưng hồi chuông báo động suy thoái vẫn đang vang lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, giá khí đốt ở châu Âu giảm và lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt cho thấy suy thoái kinh tế toàn cầu có thể không sâu và kéo dài như lo ngại.
Dù không quá bi quan, nhưng hồi chuông báo động suy thoái vẫn đang vang lên

Mặc dù tín hiệu cảnh báo vẫn đang lóe lên khi lạm phát gia tăng và lãi suất tăng trong năm ngoái, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu cho thấy sự lạc quan đang quay trở lại.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023, và suy thoái kinh tế nghiêm trọng của khu vực đồng euro từng được xem là chắc chắn sẽ ít đáng lo ngại hơn. Citi dự báo xác suất xảy ra suy thoái toàn cầu là 30% trong năm nay, giảm từ 50% trong nửa cuối năm ngoái.

Richard McGuire, người đứng đầu bộ phận chiến lược lãi suất của Rabobank cho biết: “Những lo lắng trước đó về suy thoái kinh tế đã được đẩy lùi và điều đó là tích cực đối với các tài sản rủi ro”.

Hiệu ứng Goldilocks

Chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI đã tăng 8% từ đầu năm đến nay và phần bù rủi ro đối với trái phiếu rác đã ở mức thấp nhất kể từ quý II/2022.

Điều đó được thúc đẩy bởi hiệu ứng Goldilocks cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ nguội đi vừa đủ để dập tắt lạm phát, nhưng không nhiều đến mức lợi nhuận sẽ sẽ giảm. Theo đó, lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến sẽ cải thiện từ mức thấp của năm ngoái khi lạm phát giảm.

Loại trừ các cổ phiếu năng lượng dễ biến động mạnh, tăng trưởng EPS của các công ty niêm yết của chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI dự kiến sẽ tăng lên 4,2% trong năm nay, từ dự kiến 1,8% trong năm 2022 và lên 9,3% vào năm 2024.

Nhưng thị trường chứng khoán hồi phục không đồng nghĩa với việc thế nền kinh tế toàn cầu sẽ thoát khỏi suy thoái, mà là việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế hậu Covid sẽ hạn chế khả năng suy thoái. Chỉ số của MSCI vẫn giảm 14% so với mức đỉnh tháng 1/2022.

Làn sóng sa thải

Một số công ty lớn nhất thế giới bao gồm Meta, IBM và Amazon đang cắt giảm hàng nghìn việc làm.

Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu làn sóng sa thải ở Mỹ

Lĩnh vực công nghệ dẫn đầu làn sóng sa thải ở Mỹ

Tuy nhiên, nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman Sachs cho biết rằng nhiều người trong số những người bị sa thải là từ các công ty công nghệ đã tuyển dụng ráo riết trong thời kỳ đại dịch.

“Những đặc điểm này cho thấy rằng các công ty tiến hành sa thải nhân viên không đại diện cho nền kinh tế rộng lớn hơn”, ông cho biết.

Tăng trưởng việc làm của Mỹ đã tăng nhanh trong tháng 1 trong khi tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp nhất trong hơn 53 năm. Số việc làm tạo ra vào năm 2022 cũng mạnh hơn nhiều so với ước tính trước đây, khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra những bình luận mang tính diều hâu hơn.

Kim loại đồng – chỉ báo sức khoẻ của nền kinh tế

Được mệnh danh là "Bác sĩ Đồng" vì diễn biến của kim loại này như một chỉ báo bùng nổ, giá đồng đã tăng khoảng 8% trong năm nay lên khoảng 9.005 USD/tấn khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.

Tỷ số giá đồng/vàng

Tỷ số giá đồng/vàng

Trong khi đó, tỷ lệ giá đồng so với giá vàng (tỷ lệ đo lường sức mạnh tương đối của hoạt động công nghiệp trước nỗi lo suy thoái kinh tế hoặc lạm phát) đã tăng mạnh trở lại từ mức thấp nhất trong ba tháng vào tháng 1. Nếu các nhà đầu tư mua đồng và bán vàng, điều này có nghĩa họ không quá lo lắng về triển vọng kinh tế.

Nhưng giá đồng đã giảm trở lại gần đây, phản ánh một số thận trọng khi các nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng về tốc độ và quy mô phục hồi của Trung Quốc.

Dữ liệu tốt xấu đan xen

Hoạt động kinh doanh của khu vực đồng Euro đã bất ngờ tăng trưởng trở lại vào tháng 1 và tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại ít hơn dự kiến.

Chỉ số của Citi cũng cho thấy dữ liệu toàn cầu đang mang lại những bất ngờ tích cực với tốc độ cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Hầu hết các nhà kinh tế vẫn cho rằng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra ở Mỹ, nhưng các doanh nghiệp và một số ngân hàng đã cắt giảm xác suất xảy ra.

Những người khác lưu ý rằng các chỉ số tăng trưởng trong tương lai như hoạt động sản xuất, dữ liệu thị trường nhà ở và niềm tin của người tiêu dùng vẫn ảm đạm.

Patrick Saner, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô tại Swiss Re cho biết: “Rất nhiều chỉ số và khảo sát hàng đầu trông khá tệ so với mức trung bình, mặc dù nhiều chỉ số trong số đó đang ổn định hoặc thậm chí phục hồi trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, các dịch vụ lõi mới là điều quan trọng và điều đó được củng cố bởi một thị trường lao động vẫn rất mạnh và không có nhiều dấu hiệu chậm lại”.

Nhiều yếu tố ngoại biên

Không phải ai cũng chia sẻ quan điểm lạc quan khi thị trường trái phiếu vẫn đang cho chỉ báo suy thoái.

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, Đức và các quốc gia khác bị đảo ngược ở mức khá sâu, điều này có nghĩa là chi phí đi vay ngắn hạn đang cao hơn nhiều so với chi phí đi vay dài hạn.

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm/10 năm và 3 tháng/10 năm

Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm/10 năm và 3 tháng/10 năm

Về mặt lịch sử, đó là một dấu hiệu đáng tin cậy cho một chỉ báo suy thoái đang đến. Cả hai đường cong lợi suất 2 năm/10 năm và 3 tháng/10 năm đều bị đảo ngược nhiều nhất kể từ đầu những năm 1980.

Trong khi đó, thị trường đang kỳ vọng rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên phạm vi 5% - 5,25% và sau đó đưa ra ít nhất một lần cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Ngoài ra, các nhà kinh tế được Reuters khảo sát đã dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chỉ đạt 2% trong năm nay, đây là mức liên quan đến các đợt suy thoái nghiêm trọng trong lịch sử và cảnh báo rủi ro rằng tốc độ tăng trưởng này có thể còn chậm hơn.

Tin bài liên quan