Sân bay, bến tàu và những địa danh du lịch nổi tiếng đã sôi động trở lại với hình ảnh dòng người tấp nập đi du lịch. Ảnh: Dũng Minh.

Sân bay, bến tàu và những địa danh du lịch nổi tiếng đã sôi động trở lại với hình ảnh dòng người tấp nập đi du lịch. Ảnh: Dũng Minh.

Du lịch khởi sắc, cổ phiếu có triển vọng dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành du lịch đang hồi sinh sau hai năm đóng băng vì dịch Covid-19. Hoạt động kinh doanh dần khởi sắc, cổ phiếu ngành này được đánh giá có triển vọng trong dài hạn.

Tấp nập dòng người đi du lịch

Sân bay, bến tàu và những địa danh du lịch nổi tiếng đã sôi động trở lại với hình ảnh dòng người tấp nập đi du lịch. Sự hứng khởi phản ánh trên khuôn mặt của mỗi nhân viên ngành du lịch và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thị trường khách nội địa tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Theo phân tích của Airbus và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng 123% trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu di chuyển nội địa và quốc tế của người dân có xu hướng tăng cao ngay sau khi dịch bệnh dần được kiểm soát và các chính sách mở cửa kích cầu du lịch được triển khai.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, các chuyến bay khai thác nội địa có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm nay.

Riêng Vietnam Airlines, lượng khách nội địa vượt 12,7% so với cùng kỳ năm 2019. Hãng hàng không này đã nối lại khoảng 55% đường bay quốc tế, tương đương năm 2019 và ghi nhận số lượng khách bay quốc tế đang từng bước hồi phục, nhất là lượng khách bay đi các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Thống kê của Booking.com về chỉ số tự tin về du lịch thông qua 11.000 du khách của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, trong tháng 4 - 5/2022, Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách du khách có kế hoạch xê dịch đến (85% du khách được hỏi muốn đến Việt Nam, xếp sau Ấn Độ là 86%).

Tại TP.HCM, ngành du lịch khởi sắc nhờ đẩy mạnh liên kết, kết nối du lịch với các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố đã đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2021 và đón được gần 500.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu ngành du lịch trong nửa đầu năm nay đạt gần 50.000 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động kinh doanh khởi sắc

Khép lại những năm tháng ngủ đông vì dịch Covid-19, mùa xuân đã đến với ngành du lịch từ giữa tháng 3, sau khi mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch.

Khép lại những năm tháng ngủ đông, mùa xuân đã đến với ngành du lịch và nhiều doanh nghiệp trong ngành đang trỗi dậy mạnh mẽ. Nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao đã tạo động lực cho doanh nghiệp vươn lên.

Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (Bến Thành Tourist) đã kết thúc chuỗi ngày dài thua lỗ và chuyển sang có lãi kể từ đầu năm 2022. Cụ thể, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 2,6 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 7 tỷ đồng. Hai năm trước đó, Bến Thành Tourist đều thua lỗ, năm 2020 lỗ hơn 37 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 23,7 tỷ đồng.

Bến Thành Tourist cho hay, Công ty sẽ khởi động lại các tour du lịch nước ngoài tại các điểm có chính sách kiểm soát dịch bệnh phù hợp, đồng thời xây dựng phương án tái cơ cấu các khoản đầu tư nhằm đảm bảo cân đối dòng tiền, đem lại hiệu quả như xây mới Khách sạn Viễn Đông và cửa hàng 207 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM.

Do gánh nặng của Hãng hàng không Vietravel Airlines, Công ty cổ phần Dịch vụ và Tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel) lỗ hơn 108 tỷ đồng trong quý đầu năm 2022. Nhưng nhìn trong trung và dài hạn, với nhu cầu đi du lịch tăng cao và chủ yếu di chuyển bằng hàng không của người dân như hiện nay, cửa tăng trưởng cho Vietravel Airlines được nhìn nhận có nhiều điểm sáng và tương lai của Vietravel được đánh giá sẽ phát triển cùng hãng hàng không du lịch này.

Vietravel Arlines đang chuẩn bị các nguồn lực để mở rộng đội tàu bay. Hãng vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM là Học viện Hàng không Việt Nam, BAA Training Việt Nam, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ kế hoạch phát triển và mở rộng đội tàu bay trong năm 2022 - 2023.

Để hiện thực hóa mục tiêu năm 2022 là đạt doanh thu 3.561 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5,8 tỷ đồng, Vietravel sẽ mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh kênh bán online, xây dựng những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi như khách sạn, nhà hàng, quà lưu niệm.

Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Bến Thành (BTT) đặt mục tiêu năm nay đạt tổng doanh thu hợp nhất 129,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 8,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 8,2 tỷ đồng (năm ngoái đạt 2,77 tỷ đồng).

Tuy nhiên, BTT nhìn nhận, hoạt động của Công ty vẫn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh ảnh hưởng đến dòng thu nhập. BTT sẽ tìm kiếm nguồn tiền tài trợ để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động đầu tư dự kiến là 136 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn cho dự án khách sạn 220-226 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM là 126 tỷ đồng.

Cổ phiếu có triển vọng dài hạn

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu du lịch như VTR của Vietravel, BTV của Bến Thành Tourist, DSN của Công viên Đầm Sen, hay cổ phiếu hàng không như HVN và VJC đều có diễn biến khả quan sau dịp lễ 30/4 đến nay - cao điểm du lịch hè, dù thị trường chung giảm điểm.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, trong nửa cuối năm 2022, ngành dịch vụ tiếp tục có bước phục hồi mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu nhóm du lịch, hàng không có khả năng mang lại lợi nhuận tốt.

Nhiều chuyên gia có chung quan điểm, cổ phiếu du lịch có triển vọng trong dài hạn cùng sự khởi sắc của ngành sau 2 năm bị kìm nén vì dịch Covid-19.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2022, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 6,3%. Có 5 nhóm ngành được hưởng lợi từ đà phục hồi của nền kinh tế và cổ phiếu của các ngành này hứa hẹn sẽ đem lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư.

Trong đó, nhóm du lịch được đánh giá có triển vọng tích cực nhờ việc mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch đối với cả khách nội địa và khách nước ngoài từ giữa tháng 3, giảm quy định nhập cảnh, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh…

Nhà đầu tư Hoàng Anh ở quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ, anh cũng như một số người bạn đang quan tâm đến cổ phiếu hàng không hơn cổ phiếu du lịch. Lựa chọn mã cổ phiếu nào để giải sẽ được cân nhắc kỹ dựa trên phân tích yếu tố nội tại doanh nghiệp. Trước mắt, triển vọng ngắn hạn của một số cổ phiếu trong hai ngành này đã được phản ánh vào giá nên anh sẽ canh nhịp điều chỉnh để tham gia.

Tin bài liên quan