Du lịch nông thôn cần liên kết để tạo thành thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động du lịch gắn với nông thôn được đánh giá là chưa thật sự có chiều sâu, khi phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới, trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 10-30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan thư giãn, vui chơi giải trí, kinh doanh, hội họp) tăng trung bình 4%/năm.

Nông thôn Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú như văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng, cảnh quan hoang sơ… là những yếu tố quan trọng để hình thành điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông thôn đang ngày càng đa dạng và sáng tạo gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược địa phương, tham gia lễ hội truyền thống, thưởng thức ẩm thực, chụp ảnh theo các mùa hoa, trái (mùa hoa mận tại Mộc Châu, mùa hoa tam giác mạch ở Hà Giang), thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai); làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương…

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho biết, Vietluxtour thường phối hợp với các điểm đến du lịch nông nghiệp tại Hà Nội, Quảng Nam, Huế, Nha Trang, Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Lạt… để tổ chức loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, homestay. Các loại hình này còn nhiều tiềm năng, đặc biệt thị trường khách quốc tế có phản hồi khá tốt với chương trình tham quan, tham gia vào các hoạt động trồng trọt, chăm sóc, thưởng thức các đặc sản địa phương và trải nghiệm các hoạt động văn hoá, ẩm thực, du lịch sinh thái tại điểm đến.

“Các thị trường khách châu Âu, Australia, Đông Bắc Á… rất thích du lịch nông nghiệp, hiện loại hình này chiếm khoảng 15-20% tour được du khách chọn lựa”, bà Thu chia sẻ.

Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Đó cũng là lý do Công ty TNHH Image Travel & Events đưa các sản phẩm mang yếu tố nông thôn vào chương trình tour. Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Image Travel & Events chia sẻ: “Ở miền Bắc, chúng tôi đưa khách về vùng núi để ngủ lại nhà dân, trải nghiệm lối sống nông nghiệp địa phương, lồng ghép với yếu tố khám phá văn hóa tộc người. Miền Trung lại lồng ghép với ẩm thực vùng miền tại các vườn rau, còn miền Nam sẽ là các hoạt động tại vườn cây cùng với dân cư”.

Có thể thấy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép giữa gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống, các di sản vật thể và phi vật thể của cộng đồng nông thôn. Đồng thời bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn như sản phẩm bản địa, sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống…

Dù vậy, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều điểm vướng cần tháo gỡ. Theo ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch xã hội, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được ban hành, nhưng vẫn chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở quy mô quốc gia. Trong đó, một số địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng như Hà Giang, Hòa Bình, Lào Cai, Sóc Trăng… và du lịch nông nghiệp như Cần Thơ gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên, giải pháp của các địa phương dù được xây dựng nhưng chưa có sự thống nhất chung.

Hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu. Do vậy, phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, chưa liên kết giữa các tỉnh và theo vùng.

Đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, để phát triển được du lịch nông nghiệp, nông thôn đúng tầm, cần liên kết để tạo thành thương hiệu. Hiện các điểm đến du lịch nông nghiệp thường có tình trạng sản phẩm thiếu sự khác biệt, chất lượng không ổn định và tính mùa vụ khá cao trong nông nghiệp cũng là một trong những lý do khiến dòng sản phẩm nông nghiệp chưa thể phát triển thành dòng sản phẩm ổn định, bền vững, luôn sẵn sàng để chào bán quanh năm.

Tin bài liên quan