Phong cảnh Quảng Bình nên thơ hữu tình, là tiềm năng lớn về phát triển du lịch

Phong cảnh Quảng Bình nên thơ hữu tình, là tiềm năng lớn về phát triển du lịch

Du lịch Quảng Bình từng bước khẳng định thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
Không dừng lại ở sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch Quảng Bình đang cho thấy những bước đi vững chắc nhằm tạo nên thương hiệu là một điểm đến hấp dẫn của du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên.

Sông nước trong xanh, thiên nhiên hùng vĩ

Quảng Bình là địa phương được đánh giá rất cao về những thắng cảnh tự nhiên đẹp, trải dài từ vùng núi cao đến miền biển.

Năm 2017, hình ảnh thiên nhiên Quảng Bình hiện lên rực rỡ trong phim bom tấn Hollywood là “Kong - Đảo đầu lâu” của đạo diễn Jordan Vogt - Roberts. Bộ phim này đã giúp hình ảnh Quảng Bình được thế giới biết đến nhiều hơn.

Năm 2023, một lần nữa, Quảng Bình lại được thế giới nhắc đến. Ngày 19/10/2023, tại Samarkand (Uzbekistan), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh Tân Hóa (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới.

Đáng chú ý, Tân Hóa cũng chính là nơi thực hiện một số cảnh quay trong phim “Kong - Đảo đầu lâu” vào năm 2017. Qua màn ảnh, Tân Hóa hiện lên với hình ảnh của những thảm cỏ xanh, các dãy núi đá vôi tráng lệ, hệ thống hang động hùng vĩ được kiến tạo địa chất qua hàng triệu năm, như hang Chuột, hang Dơi, hang Tụng, hang Tú Làn…

Hiện tại, khu vực Tân Hóa khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, khám phá cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Theo báo cáo của ngành du lịch, trong giai đoạn 2013 - 2023, tổng lượng khách tới Tân Hóa đạt hơn 63.100 lượt khách. Trong đó, tập trung chủ yếu ở tuyến Tú Làn (hơn 45.000 lượt khách) và tuyến Hang Tiên (hơn 18.000 lượt khách).

Ông Hồ An Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khẳng định: “Việc Làng du lịch Tân Hóa được vinh danh là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới mới chỉ là bước đầu trong phát triển du lịch tại Tân Hóa. Giải thưởng danh giá này là cơ hội để Tân Hóa bước ra thế giới và dần trở thành điểm sáng của du lịch Việt Nam”.

Thực tế, Quảng Bình không chỉ có Tân Hóa, mà còn sở hữu hàng trăm danh lam thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp khác. Đó không chỉ là quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng như động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, hang Tối, hang Sơn Đoòng…, mà còn là những ao, hồ, sông, suối trong xanh, những núi non hùng vĩ của dãy Trường Sơn, những làng quê yên bình trù phú. Đây chính là nguồn tài nguyên hết sức dồi dào để Quảng Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng - loại hình du lịch đang trở thành xu thế mới của thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng đánh giá: “Quảng Bình là điểm hội tụ của biển xanh, cát trắng, núi rừng nguyên sơ, hang động kỳ vĩ, với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, tỷ lệ che phủ rừng cao đứng thứ 2 cả nước. Với chiều dài bờ biển gần 120 km, Quảng Bình đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới với nhiều sản phẩm đa dạng, từ du lịch biển, mạo hiểm, thám hiểm...”.

Song song với việc phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng du lịch, Quảng Bình cũng có những giải pháp, chính sách về xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, những thương hiệu du lịch hàng đầu của thế giới, của khu vực và trong nước đến với tỉnh, nhằm tối ưu hóa các lợi thế, biến du lịch thực sự trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế

Tháng 4/2023, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại quy hoạch này, du lịch được xác định là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh. Theo đó, du lịch Quảng Bình được đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.

Quy hoạch cũng xác định, các sản phẩm du lịch chính là tham quan hệ thống hang động như động Thiên Đường, động Phong Nha, Tiên Sơn, hang Tối...; du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng như sông Chày, rừng Gáo, thác Gió, thác Mơ, Trung tâm Cứu hộ linh trưởng, vườn thực vật, tuyến sinh thái suối nước Moọc...; du lịch cộng đồng như tìm hiểu văn hóa các tộc người Arem, người Rục, người Bru, người Vân Kiều…; du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn như Khe Ngang, Bồng Lai...; các sản phẩm du lịch đi bộ dã ngoại, đạp xe theo các tuyến đường mòn, thể thao, vui chơi giải trí, bơi lội, chèo thuyền trên sông…

Trên thực tế, trong những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, Quảng Bình từng bước phát triển nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với các thắng cảnh tự nhiên như các tour Khám phá hang Chà Lòi, sông Chày - hang Tối, hang Va, hang Ô Rô, hang Hoàn Mỹ, động Châu - khe Nước Trong, suối Tiên; Chinh phục thác Cổng Trời - Bãi Đạn... Bên cạnh đó là các tour tham quan trải nghiệm khu vực rừng già Trường Sơn, khu vực cát trắng ven biển huyện Lệ Thủy…

Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Netin Travel, đơn vị khai thác độc quyền 2 tour du lịch “Khám phá hang Chà Lòi - hang Kiều”, “Khám phá động Châu - khe Nước Trong, Suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời - Bãi Đạn” cho biết, sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các điểm tham quan truyền thống bị giảm khách, thì 2 tour mới này vẫn duy trì được nguồn khách ổn định ở mức 1-2 tour/tháng. Điều này cho thấy, loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá thực sự đang thu hút du khách trong bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn.

“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục khảo sát thêm một số điểm tham quan trải nghiệm mới tại khu vực rừng già Trường Sơn, phía Tây các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy để tiến tới có thể tổ chức, đưa vào khai thác một số tour mới. Ngoài ra, nhiều đoàn khách đến địa phương có nhu cầu được tham quan trải nghiệm hay tổ chức dã ngoại cắm trại tại địa điểm tự chọn nào đó, thì chúng tôi cũng đáp ứng luôn công tác tổ chức cho du khách”, ông Cương cho biết thêm.

Được biết, nhằm tiếp tục phát huy các thế mạnh về du lịch sinh thái, cảnh quan, năm 2023, UBND tỉnh Quảng Bình cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu, khai thác, hoặc khai thác thử nghiệm một số sản phẩm du lịch mới như khám phá hang Ô Rô và hang Hoàn Mỹ; khám phá hang Đại Ả - hang Over - hang Pygmy; trải nghiệm cuộc sống mùa lụt tại khu vực xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa); trải nghiệm thiên nhiên kết hợp lưu trú cắm trại Trằm Mé - Chày Lập Glamping…

Với tiềm năng phong phú, đa dạng, cùng sự tham gia của các nhà đầu tư, đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm khám phá của Quảng Bình ngày càng được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tất cả đã góp phần giúp du lịch Quảng Bình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường mời gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, vào những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, trong đó có du lịch và khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng - một trong 4 trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn mới.

“Tỉnh Quảng Bình sẽ mời gọi các nhà đầu tư du lịch mạo hiểm tầm cỡ trên thế giới nhằm khai thác, phát huy được các lợi thế của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Từ đó, tăng hơn nữa số lượng khách đến Phong Nha - Kẻ Bàng, cả khách trong nước và khách quốc tế”, ông Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan