Dự trữ ngoại hối giúp các nền kinh tế bảo vệ được đồng nội tệ

Dự trữ ngoại hối giúp các nền kinh tế bảo vệ được đồng nội tệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quốc gia đang xây dựng dự trữ ngoại hối trở lại khi đồng đô la giảm giá trở lại sau chuỗi thời gian tăng mạnh.

Việc tham gia vào một cuộc chiến với thị trường tiền tệ từng được các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách xem là không khôn ngoan. Bên cạnh đó, việc đốt dự trữ ngoại hối để tạo ra các lực thúc đẩy và kéo giá trị của một loại tiền tệ cũng không hẳn đúng đắn và có thể là vô ích. Lý thuyết thực tế cho rằng, một quốc gia muốn tìm cách bảo vệ đồng tiền của mình là nên tăng lãi suất chứ không phải bán dự trữ ngoại hối.

Điều này đã được thử nghiệm trong nền kinh tế thực vào năm ngoái khi Mỹ tăng lãi suất và đồng đô la tăng giá. Các quan chức ở nhiều nền kinh tế mới nổi đã triển khai công cụ dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng nội tệ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm 1.100 tỷ USD từ cuối năm 2020 đến quý III/2022, và việc nắm giữ tài sản bằng đô la chiếm một nửa mức giảm.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, quá trình này đã bắt đầu đảo ngược trong bối cảnh đồng đô la giảm giá và áp lực đối với các quốc gia can thiệp để bảo vệ đồng nội tệ đã giảm bớt.

Tổng lượng nắm giữ của những nền kinh tế nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn ở châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã tăng thêm 243 tỷ USD kể từ tháng 10 (thông qua sự kết hợp giữa đánh giá lại và mua mới) lên tổng số 5.600 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ cũng tăng thêm 42 tỷ USD kể từ tháng 10, phục hồi hơn 1/3 mức giảm trong 12 tháng trước đó.

Một bài phân tích gần đây của nhà kinh tế Rashad Ahmed thuộc Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ của Mỹ và các đồng tác giả cho rằng, các công cụ tích lũy ngoại hối trên thực tế có thể có lý do để xây dựng lại.

Các quốc gia đã bước vào năm 2021 với lượng dự trữ ngoại hối lớn hơn và độ tin cậy cao hơn trong khả năng can thiệp sẽ khiến đồng tiền của họ mất giá ít hơn nếu tất cả các yếu tố khác đều không thay đổi. Các tác giả tính toán rằng dự trữ bổ sung thêm 10% GDP của quốc gia có liên quan đến việc đồng nội tệ mất giá ít hơn từ 1,5 - 2% so với đồng đô la.

Trong khi đó, một số quốc gia bắt đầu giai đoạn này với lượng dự trữ ngoại hối khiêm tốn đã bị mất giá sâu. Đồng bảng Ai Cập giao dịch ở mức 16 đổi một đô la vào đầu năm 2020 và hiện đang giao dịch ở mức 31 đổi một đô la. Tỷ giá hối đoái chính thức của đồng rupee Pakistan cũng đã suy yếu, từ 154 đổi một đô la khi bắt đầu đại dịch Covid-19 xuống còn 278. Ở cả hai quốc gia, thị trường chợ đen thậm chí còn đưa ra tỷ giá thấp hơn.

Nhà kinh tế Rashad Ahmed và các đồng tác giả lưu ý rằng dự trữ ngoại hối lành mạnh có thể có một lợi ích khác. Việc loại bỏ nhu cầu sử dụng lãi suất để bảo vệ đồng tiền cho phép “chính sách tiền tệ trong nước hướng tới các mục tiêu trong nước tốt hơn”.

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là sự can thiệp tiền tệ được xem là một cách để tránh những đợt tăng lãi suất gây đau đớn hơn. Mặc dù IMF không kịch liệt phản đối can thiệp ngoại hối như trước đây, nhưng họ vẫn đưa ra một số giới hạn.

Gần đây nhất là vào tháng 10, vào khoảng thời gian khi đồng đô la đạt đỉnh, phó giám đốc điều hành của IMF Gita Gopinath và nhà kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas đã cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển không nên sử dụng biện pháp can thiệp tiền tệ thay cho chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn.

Kinh nghiệm của những quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn trong đợt tăng giá gần đây của đồng đô la có thể mang đến cho các chính phủ những ý tưởng khác. Có thể chống lại áp lực tuân theo các biến động lãi suất của Fed là mục tiêu của nhiều nền kinh tế đang phát triển và việc nắm giữ càng nhiều dự trữ ngoại hối thì càng có khả năng chống cự tốt hơn.

Tin bài liên quan